Đó là chia sẻ của Phó chủ tịch thường trực Hội đồng thành viên Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam - VAMC, ông Nguyễn Quốc Hùng, xoay quanh câu chuyện mua – bán nợ xấu của công ty này trong năm 2014.

Phó chủ tịch thường trực Hội đồng thành viên công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) - ông Nguyễn Quốc Hùng.

Ông có thể cho biết kế hoạch của VAMC trong năm 2014?

Năm 2013, VAMC đã hoàn thành, thậm chí vượt mục tiêu mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt (TPĐB). Đây cũng được coi là thành công bước đầu của công ty. Dẫu sao, phía trước còn rất nhiều áp lực đối với VAMC trong năm 2014. Đó là VAMC sẽ tiếp tục mua từ 70 – 100.000 tỷ đồng nợ xấu bằng TPĐB. Việc xử lý các khoản nợ đã mua là nhiệm vụ trọng tâm và cũng là áp lực đối với VAMC trong năm nay.

Thời gian tới, VAMC sẽ phân loại nợ một cách cụ thể để xác định phương án cho từng món nợ xấu đã mua như: xử lý tài sản, tái cấu trúc, cơ cấu, điều chỉnh miễn giảm lãi để làm sao doanh nghiệp có thể tiếp tục vay vốn, từng bước khắc phục khó khăn, duy trì ổn định sản xuất kinh doanh, giúp ngân hàng thu hồi được nợ. Song, VAMC cũng sẽ có động thái mạnh tay hơn đối với những doanh nghiệp không còn khả năng trả nợ, nhất là đối với những tài sản hình thành trên vốn vay là máy móc thiết bị thì phải xử lý sớm hơn để hạn chế tổn thất cho cả ngân hàng và doanh nghiệp.

Một nhiệm vụ quan trọng nữa trong năm 2014 của VAMC là xây dựng phương án “mua đứt, bán đoạn” các khoản nợ xấu. Đây là thách thức lớn đối với VAMC. Vì đã mua đứt, bán đoạn có nghĩa phải mua theo giá thị trường. Mà mua theo giá thị trường thì với tiềm lực tài chính hiện nay VAMC không thể làm được. Do vậy, trong phương án này, chúng tôi sẽ đề nghị tăng vốn điều lệ cho VAMC lên 2.000 tỷ đồng. Ngoài ra, VAMC cần được bảo lãnh để có thể vay vốn của các tổ chức quốc tế với thời hạn 5 – 7 năm.

Bên cạnh đó, VAMC sẽ kiện toàn lại cơ chế, chính sách, văn bản quy định của mình sau một thời gian hoạt động. Những văn bản nào chưa phù hợp với thực tiễn phải được điều chỉnh dần. Nếu vượt thẩm quyền, chúng tôi sẽ kiến nghị với cơ quan chủ quản, Chính phủ những vướng mắc trong quá trình triển khai để kịp thời tháo gỡ, không ảnh hưởng đến tiến trình xử lý nợ xấu.

Nếu được tăng vốn điều lệ lên 2.000 tỷ đồng, liệu có đủ để VAMC mua đứt bán đoạn nợ xấu?

Trong bối cảnh ngân sách eo hẹp thì đề xuất của chúng tôi phải phù hợp với thực tiễn. Tôi cho rằng, vốn điều lệ tăng từ 500 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng đã là khó khăn rồi. Mặt khác, nếu VAMC mua đứt bán đoạn thì vốn điều lệ chỉ là một phần thôi. Vấn đề quan trọng ở đây là VAMC được tăng năng lực tài chính, tạo vị thế tốt để công ty có thể vay vốn của tổ chức quốc tế vì công ty phải chịu trách nhiệm khai thác vốn để kinh doanh chứ không chỉ dựa vào vốn cấp phát. Dù VAMC đã mua gần 40.000 tỷ đồng nợ xấu bằng TPĐB, nhưng đến nay chưa mất đồng vốn nào.

Mặt khác, giả sử ngân sách Nhà nước có chi tiền để mua nợ xấu không phải đơn giản, bởi việc xử lý tài sản đảm bảo các khoản nợ và trách nhiệm kèm theo nó đang gặp nhiều khó khăn.

Vì sao phức tạp vậy, thưa ông?

Thực tế, những vụ tranh chấp, phát mại tài sản chủ yếu là bất động sản giữa khách hàng, ngân hàng và cơ quan thi hành án thường kéo dài đôi khi không giải quyết dứt điểm được. Dự kiến năm 2014 VAMC sẽ xử lý tất cả các khoản nợ đã mua. Mà có tới 60 – 70% khoản nợ đó liên quan đến bất động sản.

Thời gian qua, giá bất động sản giảm khá mạnh. Có những khoản vay khách hàng thế chấp tài sản là bất động sản được định giá 100 tỷ đồng để vay một khoản vay tương ứng. Nhưng giờ tài sản thế chấp đó bán đi chỉ có thể được 70 tỷ đồng, thậm chí còn 50 tỷ đồng. Câu hỏi đặt ra nếu ngân hàng không thu đủ số tiền khách hàng vay thì sau khi phát mại tài sản, người vay có phải trả tiếp nữa hay không? Trong trường hợp người vay không thể trả thì xử lý thế nào? Người vay cũng như ngân hàng có bị quy trách nhiệm, hình sự hóa, liên quan đến pháp luật hay không? Vì đây là rủi ro từ thị trường nên không thể nói là cán bộ tín dụng thiếu trách nhiệm hay là người vay lừa đảo được.

Đây là những băn khoăn của chúng tôi trong quá trình thực hiện với tư cách là công ty quản lý tài sản phải xử lý khối lượng nợ xấu mà vẫn phải đảm bảo an toàn, hiệu quả các khoản nợ này. VAMC sẽ báo cáo Thống đốc NHNN để kiến nghị với các cấp, các ngành cùng vào cuộc để tháo gỡ những vướng mắc trên.

Không ít ý kiến cho rằng, VAMC chỉ “gom” nợ xấu thay cho NHNN chứ thực tế nợ xấu chưa được xử lý giữa ngân hàng và doanh nghiệp. Ông nghĩ sao về điều này?

Tôi nghĩ rằng không có gì thuyết phục tốt nhất bằng thực tiễn. Cũng như trước đây khi công ty chuẩn bị đi vào hoạt động, dư luận lo lắng chúng tôi không có việc để làm vì không có tổ chức tín dụng nào lại muốn “phơi” nợ xấu ra để bán. Nhưng thực tế thời gian qua, chúng tôi làm ngày làm đêm không hết việc.

VAMC đã cùng với tổ chức tín dụng xem xét tái cơ cấu cho các doanh nghiệp để họ tiếp tục vay vốn sản xuất kinh doanh có sản phẩm để bán. Đến giờ phút này các tổ chức tín dụng đã thu hồi gần 200 tỷ đồng nợ xấu. Điều đó cho thấy sự cố gắng của các tổ chức tín dụng, không phải vì họ bán nợ cho VAMC là hết trách nhiệm mà họ vẫn tiếp tục xử lý, thu nợ cùng với công ty.

Nếu thế tới đây VAMC sẽ tiếp tục đắt khách?

Chỉ còn vài tháng nữa thì Thông tư 02 của NHNN về quy định phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro sẽ chính thức có hiệu lực và chắc chắn nợ xấu của hệ thống ngân hàng sẽ tăng lên. Do đó, chúng tôi đưa ra kế hoạch mua 70 – 100.000 tỷ đồng nợ xấu bằng TPĐB - gấp đôi so với năm trước là bao gồm thêm những khoản nợ xấu có thể phát sinh sau khi chính thức áp dụng Thông tư này.

Việc xử lý nợ xấu của VAMC không chỉ tháo gỡ khó khăn cho tăng trưởng tín dụng của các tổ chức tín dụng mà chúng tôi còn xử lý tài sản đảm bảo, phát mại tài sản… để thu tiền về. Hiện, Bộ Tư pháp đang xây dựng dự thảo Thông tư hướng dẫn riêng “quyền năng” này cho VAMC. Hy vọng Thông tư này sẽ sớm được ban hành để hỗ trợ VAMC xử lý nợ xấu tốt hơn.

Xin cảm ơn ông!

Thanh Huyền (Thời báo ngân hàng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.