Công ty quản lý tài sản (VAMC) có thể giúp khơi thông nguồn tín dụng đang tắc nghẽn, nhưng Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia - Vũ Viết Ngoạn cảnh báo công cụ này không phải "cây đũa thần".

Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia Vũ Viết Ngoạn đã có cuộc trao đổi với báo chí bên lề buổi Tọa đàm "Cấu trúc giám sát tài chính Việt Nam - Thực trang và khuyến nghị chính sách" tại Hà Nội sáng 16/5.

Ông Vũ Viết Ngoạn cho rằng nợ xấu sẽ được chuyển rất nhanh từ các ngân hàng sang công ty mua bán nợ. Ảnh: Nhật Minh.

Theo ông, sự ra đời của Công ty quản lý tài sản (VAMC) sẽ có tác động như thế nào đến kinh tế và thị trường tài chính Việt Nam?

Nợ đọng, nợ xấu còn nhiều khiến tín dụng không thể tăng trưởng nổi. Với cơ chế của VAMC theo dự thảo thì nợ xấu sẽ được chuyển rất nhanh từ các tổ chức tín dụng sang công ty này. Như vậy, VAMC trước hết sẽ góp phần trong sạch bảng tổng kết tài sản của các ngân hàng. Khi đó bản thân các doanh nghiệp sẽ có điều cận tiếp cận vốn tốt hơn khi thoát khỏi những ràng buộc pháp lý vì nợ xấu mà không thể vay vốn được.

Nhưng như vậy mới chỉ là giải quyết nợ xấu về mặt kỹ thuật trên sổ sách khi nó được "nhấc" từ các ngân hàng sang VAMC. Nếu tình hình kinh tế vẫn không khả quan như hiện nay thì khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp như thế này?

Theo tôi hiểu VAMC không phải phải cây đũa thần giải quyết mọi vấn đề, nó chỉ là một phần của giải pháp thôi. Sau đó đồng thời vẫn phải có những giải pháp khác nữa để thúc đẩy tín dụng cho doanh nghiệp và nền kinh tế.

Sau bao lâu khi VAMC ra đời, thì nợ xấu được giải quyết và phá được "băng" tín dụng?

Với cơ chế theo dự thảo của VAMC, sẽ giải quyết rất nhanh nợ xấu từ các tổ chức tín dụng sang VAMC nhưng cũng phải mất vài năm. Theo dự thảo đề án, nợ xấu VAMC xử lý khoảng trên dưới 100.000 tỷ, như vậy cũng giải quyết một phần nào tình hình. Năm 2012, theo số liệu của chúng tôi, toàn bộ các ngân hàng thương mại đã trích lập khoảng 60.000 tỷ và số này sẽ giúp họ rất nhiều trong xử lý nợ xấu.

Nhưng cũng có những ngân hàng chỉ có khả năng trích lập được rất ít dù nợ xấu của họ còn rất nhiều. Do đó, với trích lập chung của hệ thống như vậy thì không có nghĩa 2-3 năm có thể giải quyết được tất cả. Cần tính tới một số kịch bản xấu hơn. Chính Ngân hàng Nhà nước đã nói, bên cạnh những gì đang được hạch toán là nợ xấu, thì còn những nợ xấu tiềm ẩn trước đây là nợ được cơ cấu lại theo QĐ 780. Những khoản này rồi cũng phải tiếp tục được xử lý. Bởi lẽ đó, cũng có lý khi Ngân hàng Nhà nước đặt ra mục tiêu 5 năm.

Một trong những "giải pháp khác" là gần đây Ngân hàng Nhà nước vừa hạ một loạt lãi suất điều hành để thu hẹp chênh lệch lãi suất huy động và cho vay. Ông đánh giá thế nào về động thái này?

Phải đánh giá cao sự cố gắng của các tổ chức tín dụng trong thời gian vừa rồi. Số liệu tổng hợp của chúng tôi cho thấy, chênh lệch lãi suất huy động và lãi suất đầu vào đã giảm. Từ năm 2011 đến năm 2012 chênh lệch này liên tục giảm và đến nay đã rơi xuống dưới 3%. Tôi cho như vậy đã là sự chia sẻ với doanh nghiệp rồi.

Vậy theo ông trần lãi suất huy động từ nay đến cuối năm 2013 sẽ có những thay đổi như thế nào?

Mức lãi suất hiện nay chưa phản ánh cung cầu. Nhìn từ đầu năm có thể thấy, tăng trưởng huy động vốn vẫn cao hơn rất nhiều với cho vay, thể hiện điểm lãi suất vẫn còn khuyến khích người gửi tiền nhiều hơn là cho vay.

Mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% đã đưa ra nhưng sau 4 tháng vẫn tăng rất thấp nên theo tôi sẽ còn nhiều khoảng trống để đẩy vốn ra nền kinh tế. Do đó lãi suất có thể còn tiếp tục hạ xuống. Còn giảm bao nhiêu thì do tín hiệu của thị trường.

Nhưng nếu cứ hạ xuống thì nhiều người gửi tiền cảm thấy không thỏa đáng khi trong một năm qua lãi suất tiết kiệm đã giảm một nửa. Ông thấy sao về lo ngại có thể họ sẽ rút tiền đầu tư vào kênh khác như vàng, đôla?

Tôi không tin người dân sẽ không gửi tiền và bản thân tôi có tiền gửi ngân hàng tôi tôi sẽ không rút. Bởi rút ra để làm gì khi để ở nhà hay những kênh khác còn rủi ro hơn. Lúc này mua đôla thậm chí còn thiệt, mua vàng cũng chẳng lợi ích gì. Mua bất động sản càng không. Giờ rút tiền về để hai vợ chồng cãi nhau à?

Tọa đàm về Thực trạng cấu trúc giám sát tài chính Việt Nam vừa diễn ra tại Hà Nội ngày 16/5. Tại đây, nhiều ý kiến cho rằng những hạn chế về pháp lý so với những nhiêm vụ được giao của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (NSFC) là nhân tố gây nên sự phối kết hợp thiếu chặt chẽ trong việc giám sát thị trường. NFSC được thành lập năm 2009 và có nhiệm vụ giúp Thủ tướng giám sát chung thị trường tài chính cũng như giúp Thủ tướng điều phối hoạt động giám sát thông qua việc kiến nghị chính sách. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Tô Ngọc Hưng, vai trò giám sát của NFSC vẫn tương đối hạn chế vì vẫn tổ chức dưới góc độ một cơ quan tư vấn.
Tiến sĩ Lê Xuân Bá, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng cần Đề nghị xác định rõ vai trò là một ủy ban hay là một viện nghiên cứu. phải xác định rõ giới tính. "Nếu là một Ủy ban thì phải có quyền lực còn nếu không chỉ là một cơ quan tư vấn thôi. Đề nghị phải xác định rõ 'giới tính' cụ thể cho Ủy ban giám sát tài chính quốc gia", ông Bá phát biểu tại buổi tọa đàm.
Thanh Thanh Lan (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.