Chiều 24/3, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai đã phát đi thông cáo báo chí nêu quan điểm của tỉnh về dự án cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai tại thành phố Biên Hòa.

Tỉnh Đồng Nai khẳng định dự án trên triển khai đúng quy trình thủ tục, phù hợp với quy hoạch và các quy định của pháp luật.

Thông cáo của Ủy ban Nhân dân tỉnh tỉnh Đồng Nai cho rằng dòng sông Đồng Nai đoạn qua thành phố Biên Hòa từ vị trí thu hẹp phía thượng nguồn ở phường Bửu Long với mặt cắt ngang khoảng 210m, mở rộng dần về phía hạ nguồn. Đến khu vực phường Quyết Thắng, dòng sông lấn sâu vào bờ tạo thành vòng cung và đây cũng chính là phần rộng nhất của sông Đồng Nai đoạn qua thành phố Biên Hòa. Với đặc điểm này, khi phường Quyết Thắng có quy hoạch chi tiết 1/500, tỉnh Đồng Nai đã cho lập dự án xây dựng bờ kè và công viên ven sông.

Quang cảnh sông Đồng Nai. (Nguồn: Sỹ Tuyên/Vietnam+)

Năm 2008, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai giao Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ký hợp đồng với Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam để đánh giá tác động dòng chảy theo mục tiêu kè lấn sông nêu trên.

Báo cáo đánh giá tác động dòng chảy do Viện khoa học Thủy lợi Miền Nam kết luận: “Việc xây dựng công trình lấn sông ở khu vực trên theo các phương án lấn sông 50m, 75m, 100m không làm thay đổi đáng kể về chế độ thủy lực của dòng chảy đoạn sông, không gây ảnh hưởng xấu đến sự thay đổi dòng chảy và tác động đến các đoạn bờ lân cận."

Ông Nguyễn Thành Trí, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai, cho biết ngoài kết luận của cơ quan trên, Đồng Nai tiếp tục mời Viện Thủy lợi và Môi trường - Trường Đại học Thủy lợi, thẩm tra lại và đơn vị này cũng thống nhất với kết quả đánh giá trên.

Trong thông cáo, ông Nguyễn Thành Trí khẳng định việc hình thành dự án xuất phát từ ý tưởng của cơ quan quản lý nhà nước, nhằm đem lại sự phát triển phù hợp quy hoạch và hạn chế tối đa ảnh hưởng đến cuộc sống ổn định của người dân trong khu vực (vì không giải tỏa hiện trạng nhà dân). Bên cạnh đó, việc phát triển dự án nhằm cải tạo cảnh quan ven sông, đồng thời giảm vốn đầu tư cho ngân sách, hạn chế tối đa bồi thường giải tỏa.

Sau khi dự án được đánh giá khả thi, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai đã báo cáo xin ý kiến của Thường vụ Tỉnh ủy để xin chủ trương. Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai nhận định: “Đây là dự án có tính khả thi cao, trong quá trình thực hiện dự án không ảnh hưởng đến việc di dời, giải tỏa nhà dân và các công trình hiện hữu trong khu vực; nhà nước không phải chi ngân sách để đầu tư; không làm thay đổi đáng kể chế độ thủy lực dòng chảy sông Đồng Nai. Do đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất chủ trương đầu tư dự án. Giao Ủy ban Nhân dân tỉnh chỉ đạo các ngành liên quan hoàn thiện các hồ sơ cần thiết để xin ý kiến các bộ, ngành liên quan sớm thi công dự án để đưa vào sử dụng.Việc thiết kế công trình của dự án cần tham khảo lấy ý kiến của các nhà chuyên môn trước khi tổ chức thực hiện."

Đối với nội dung phản ánh việc triển khai dự án làm ảnh hưởng đến vấn đề cấp nước cho Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Thành Trí cho biết vị trí bơm nước cấp cho Thành phố Hồ Chí Minh nằm cách vị trí dự án hơn 1km về phía thượng nguồn, do đó không bị ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước.

Trong thông cáo, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai cũng khẳng định, dự án xây dựng bờ kè lấn sông đã được tỉnh phê duyệt vào năm 2009. Đến năm 2011, Công ty Toàn Thịnh Phát mới đăng ký thực hiện dự án trong khu vực đã quy hoạch, do đó đây không phải là dự án do công ty này đề xuất.

Từ những lập luận trên, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai khẳng định dự án cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai thực hiện đầy đủ thủ tục về phê duyệt chi tiết, phê quyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, thủ tục đầu tư và cấp phép xây dựng.

Trong khi đó, chiều 23/3, Tổ chức Mạng lưới sông ngòi Việt Nam đã phát đi thông cáo báo chí đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai rút lại quyết định và dừng dự án cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai. Tổ chức này cho rằng, nếu triển khai dự án sẽ có tác động xấu đến môi trường sông Đồng Nai.

Một lãnh đạo tỉnh Đồng Nai nêu quan điểm cho rằng, trước dư luận và phản biện của các nhà khoa học những ngày qua, dự án nên tạm ngưng, sau đó mời các tổ chức khoa học độc lập đánh giá lại một cách thấu đáo, toàn diện, lúc đó tiếp tục cho dự án triển khai cũng chưa muộn.

Trong khi đó, ông Trần Đình Minh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đồng Nai, đơn vị được giao chủ đầu tư dự án đánh giá tác động dòng chảy sông Đồng Nai khu vực trên, lại cho rằng nếu dự án trên doanh nghiệp không thực hiện thì nhà nước cũng thực hiện. Việc lấn sông xây dựng bờ kè đã được tỉnh Đồng Nai phê duyệt trước khi có dự án mà Toàn Thịnh Phát đang triển khai. Đứng về góc độ chuyên môn, ông Minh khẳng định dự án trên không tác động đáng kể đến dòng chảy sông Đồng Nai.

Ông Minh nói, qua khảo sát đánh giá của các nhà khoa học, việc chỉnh trị sông Đồng Nai tại khu vực trên nằm trong phạm vi 500m. Nghĩa với độ rộng 500m thì dòng sông này đã đáp ứng được yêu cầu thoát lũ và điều chỉnh dòng chảy. Trong khi đoạn sông trên có bề rộng lên đến trên 800m và vùng lấn sông đoạn xa nhất là 100m.

Trao đổi với phóng viên, ông Huỳnh Phú Kiệt, Tổng Giám đốc Công ty Toàn Thịnh Phát, chủ đầu tư dự án trên, cho biết doanh nghiệp đã thực hiện đúng quy trình thủ tục của pháp luật trong việc đầu tư dự án. Đối với đánh giá tác động dòng chảy, tỉnh Đồng Nai đã thực hiện trước đó ba năm sau khi Toàn Thịnh Phát được giao dự án./.

Sỹ Tuyên (Vietnam+)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.