Nợ công Việt Nam đã vượt xa so với ngưỡng an toàn (60% GDP) được khuyến cáo bởi các tổ chức quốc tế như WB hay IMF.

Nợ công luôn được quan tâm. Ảnh TL.

Đây là cảnh báo của một nghiên cứu mang tên “Nợ công Việt Nam: Quá khứ, hiện tại và tương lai” do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) dự kiến sẽ công bố tới đây.

Nghiên cứu này ước tính đến hết năm 2011, tổng nợ công của Việt Nam là vào khoảng 58,7% GDP, trong đó nợ công nước ngoài và nợ công trong nước lần lượt là 31,1% và 17,6% GDP.

Báo cáo cảnh báo, rủi ro tiềm tàng lớn nhất đối với nợ công của Việt Nam có lẽ không phải ở những khoản nợ được ghi nhận trên sổ sách. Những khoản nợ xấu của khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) mà rất có thể sẽ phải dùng ngân sách nhà nước để trả mới là mầm mống đe doạ tính bền vững của nợ công Việt Nam.

Cụ thể, khoản nợ nước ngoài của khu vực tư và DNNN không được chính phủ bảo lãnh chiếm 11,1% GDP. Ngoài ra, nợ trong nước của khu vực DNNN theo ghi nhận trong đề án Tái cấu trúc DNNN của Bộ Tài chính (2012) cũng chiếm xấp xỉ khoảng 16,5% GDP.

Báo cáo nhận xét: “Tính đến các con số này thì nợ công Việt Nam đã vượt xa so với ngưỡng an toàn (60% GDP) được khuyến cáo bởi các tổ chức quốc tế như WB hay IMF”.

Bản báo cáo dựa trên bản tin nợ nước ngoài số 7 của Bộ Tài chính để nhận xét rằng, mức lãi suất hữu hiệu của nợ nước ngoài của Chính phủ Việt Nam nằm trong khoảng từ 1,5 – 3,7%, chưa bằng 1/3 so với mức 10,98% tương ứng của nợ trong nước. Điều này hàm ý gánh nặng lãi suất của các khoản nợ công nước ngoài của Việt Nam là khá nhỏ trong khi gánh nặng lãi suất nợ công trong nước là khá cao.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, trong vài năm trở lại đây quy mô của các khoản vay thương mại trong nợ nước ngoài với lãi suất cao đang có xu hướng tăng lên. Tính đến hết ngày 31/12/2010, đã có gần 6,8% tổng nợ nước ngoài của Chính phủ có lãi suất lên tới 6-10% và hơn 7,0% tổng nợ nước ngoài của Chính phủ có lãi suất thả nổi.

Ngược với nợ nước ngoài, gánh nặng nợ công trong nước đang đè nặng lên cán cân tài khoá hàng năm. Cụ thể, tổng nợ công trên thu ngân sách của Việt Nam hiện nay đã vượt 220,6% thu ngân sách và nghĩa vụ nợ công trên thu ngân sách cũng lên tới hơn 21,6%.

Đặc biệt, các khoản nợ công trong nước với lãi suất cao và kỳ hạn ngắn gây sức ép lớn đối với việc đảo nợ. Ước tính, trong giai đoạn 2012 – 2014, mỗi năm Việt Nam cần phát hành xấp xỉ 100-120 ngàn tỉ đồng trái phiếu chính phủ (TPCP) và TPCP bảo lãnh, tương đương với khoảng hơn 15% tổng thu ngân sách, chỉ để trả nợ gốc và thanh toán nợ lãi trong nước.

Nợ nước ngoài của Chính phủ được cảnh báo không phải là vấn đề mới mẻ. Gần đây, Kiểm toán Nhà nước cho biết, đến hết năm 2010 nợ phải trả nước ngoài dùng để cho vay lại tương đương 11,2 tỷ đô la Mỹ, tăng hơn so với 9,203 tỷ đô la Mỹ năm 2009.

Trong đó, số dư mà Bộ Tài chính cho vay lại tại 11 tổ chức cho vay lại và 7 đơn vị vay lại khoảng 8,4 tỷ đô la Mỹ tính đến cuối năm 2010.

Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cho biết, số tiền Bộ Tài chính ứng trả nợ thay cho các đơn vị được Chính phủ bảo lãnh vay công nước ngoài lũy kế đến hết năm 2011 lên tới gần 2.437 tỷ đồng.

Kiểm toán Nhà nước cảnh báo rằng, Bộ Tài chính tổ chức quản lý nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia “phân tán” và chưa công khai thông tin đầy đủ về tổng số dư nợ công, cơ cấu nợ trong nước, nợ được Chính phủ bảo lãnh, nợ của chính quyền địa phương, số liệu vốn vay thực nhận và trả nợ hàng năm theo quy định tại Điều 47 của Luật Công sản.

Theo TBKTSG
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.