Theo đánh giá hiện trạng tại Quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa, hồ TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỷ lệ đất công viên, vườn hoa trên diện tích tự nhiên tại 10 quận nội thành (không bao gồm các vườn hoa, sân chơi khu dân cư do phường quản lý) là 1,92%. Trong đó, cao nhất là Q.Hai Bà Trưng 12,83% và thấp nhất là Q.Thanh Xuân 0%.

Thực tế này cho thấy việc dành đất để xây dựng các không gian công cộng, trong đó các vườn hoa, sân chơi (VHSC) trong các khu dân cư chưa được quan tâm.


Đã ít công viên, nhưng còn bị lạm dụng để kinh doanh.

VHSC bị lấn chiếm ở các khu dân cư cũ, bị bỏ quên trong khu dân cư mới

Điều đáng nói, Hà Nội từng là TP có nhiều VHSC khu dân cư. Tư liệu bản đồ của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1 cho thấy, trong giai đoạn 1955 - 1985, Hà Nội luôn dành 50 - 60% diện tích cho đất cây xanh và sân chơi, sân chung, lối đi. Tuy nhiên, những năm gần đây, không gian này bị lấn chiếm, không được duy tu và ít được xây dựng mới.

Ông Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam ghi nhận: Những năm 70 của thế kỷ trước, trong quy hoạch các khu tập thể cũ như Kim Liên, Trung Tự, Nguyễn Công Trứ, Giảng Võ, Thành Công, Thanh Xuân…, không gian lưu không giữa các dãy nhà được đặc biệt chú trọng. Đây chính là những sân chơi rộng rãi và yên tĩnh, được trồng hoa và cây bóng mát. Tuy nhiên, do buông lỏng quản lý, những không gian này dần dần bị lấn chiếm, phá hủy, thay thế vào đó là nhà cửa, tường bao, nơi kinh doanh…

Còn tại các dự án khu dân cư mới, KĐTM, theo ông Chính, nhằm tăng mật độ xây dựng nên diện tích vườn hoa, công viên, sân bãi thể dục thể thao thường bị cắt giảm, thậm chí là bị bỏ quên luôn.

Không ít dự án KĐT đã có ý thức thiết kế các không gian vui chơi, quảng trường, công viên tuy nhiên không gian đó chỉ tồn tại ở bản vẽ. Trên thực tế, dự án đầu tư xây dựng được triển khai theo quy hoạch điều chỉnh, các không gian công cộng được quy hoạch ban đầu được thay thế bằng những công trình xây dựng…

Bà Lã Kim Ngân - Viện trưởng Viện Kiến trúc (Hội Kiến trúc sư Việt Nam) cũng nhận định: Qua điều tra cũng như bằng trực giác, chúng ta đều dễ dàng nhận biết số lượng, quy mô, chất lượng các VHSC tại Hà Nội chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy phạm cũng như các yêu cầu phân bố bán kính phục vụ. Hơn thế, quy mô, chất lượng và các tiện nghi (như thiết bị phục vụ vui chơi, khu vệ sinh, ghế ngồi, thùng rác…) và yếu tố thẩm mỹ của các VHSC này rất hạn chế.

“Sự thiếu vắng và kém chất lượng của các không gian công cộng là một trong các tác nhân gián tiếp đẩy trẻ con đến những quán internet, chơi lang thang trên đường phố, xa lánh dần các hoạt động giao lưu cộng đồng. Người cao tuổi, thanh thiếu niên không có không gian thư giãn, tái tạo sức lao động, tăng cường thể lực” - bà Ngân nói.

Dùng đất công sử dụng chưa hiệu quả để làm VHSC

Không gian công cộng nói chung, những công viên, VHSC nói riêng là một trong những tiêu chí đánh giá chất lượng đô thị. Đề cập đến giải pháp khắc phục tình trạng thiếu và kém chất lượng của VHSC, bà Lã Kim Ngân đề xuất: Đối với khu vực nội thành, khu vực cải tạo, Hà Nội nên dành lại quỹ đất bị lấn chiếm, sử dụng sai mục đích, các quỹ đất sử dụng chức năng không phù hợp trong nội thành cho các không gian VHSC.

Các quỹ đất trống, quỹ đất sau khi chuyển đổi mục đích sử dụng của các cơ sở di dời, hay việc tái sử dụng quỹ đất không phù hợp chức năng… cần được ưu tiên dành cho việc bổ sung các không gian công cộng, trong đó trước hết là VHSC cho trẻ em và người già.

Đồng thời, Hà Nội cần tạo quỹ đầu tư, xã hội hóa để chỉnh trang, nâng cấp hoàn thiện các tiện nghi trong các công viên, sân chơi; kiên quyết thu hồi các diện tích bị lấn chiếm sai mục đích. Đối với khu vực mới phát triển và ven đô, trên cơ sở đầu tư khung liên kết hạ tầng ít tốn kém nhất sẽ hình thành các liên kết hệ thống công viên, VHSC…

Còn theo bà Nguyễn Thị Hiền - chuyên gia độc lập - trước mắt, TP Hà Nội cần thực hiện ngay các hành động như kiểm kê, đánh giá hiện trạng và tình hình sử dụng các VHSC hiện hữu trong các khu dân cư; tập hợp thông tin hiện trạng và quy hoạch sân chơi, công viên trên nền bản đồ thể hiện chi tiết từng phường. Trên cơ sở đó, cần khẩn trương phục hồi, tôn tạo, nâng cấp các VHSC hiện hữu đồng thời tăng cường công tác quản lý, dẹp bỏ lấn chiếm, sử dụng sai mục đích các không gian này.

Trong khi quy hoạch chi tiết chưa được thực hiện nên huy động đất công sử dụng chưa hiệu quả và dành bất kỳ khoảng đất công còn lại nào trong khu dân cư để làm VHSC cho người dân.

Tương tự, ông Đào Ngọc Nghiêm - Phó chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam - cũng cho rằng cần rà soát lại quy hoạch công viên, vườn hoa hiện hữu để điều chỉnh chức năng, phân khu, tạo điều kiện tăng diện tích cây xanh dành cho chức năng thể dục thể thao, nghỉ ngơi cho người già và khu hoạt động cho thanh thiếu nhi. Ngoài ra, Hà Nội cần nâng tầm vai trò của cộng đồng trong quy hoạch, quản lý khai thác sử dụng hệ thống không gian công cộng…

Huy động đa dạng các nguồn lực phát triển VHSC

Theo khảo sát của Dự án “Xây dựng cộng đồng sống tốt, bảo vệ và phát triển VHSC khu dân cư” do Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam và Quỹ Châu Á phối hợp thực hiện, tại Hà Nội, P.Văn Chương chỉ có 3 sân chơi (trong đó sân có diện tích lớn nhất là 500m2), dành cho 18 nghìn dân. P.Hạ Đình chỉ có một sân chơi khoảng 1.000m2 cho gần 20 nghìn dân…

Cũng theo điều tra xã hội của dự án, VHSC tại Hà Nội đã thiếu lại thiết kế không hợp lý. Nhiều sân chơi không có cây xanh, bóng mát. Hầu hết các sân chơi đều đổ bê tông cứng có thể làm tổn thương trẻ em. Các thiết bị chơi thô sơ, không hấp dẫn. Hầu hết các sân chơi thiếu không gian cho trẻ chạy nhảy và vận động.

Đáng nói hơn nữa là các VHSC đang bị sử dụng tùy tiện. Do không được duy tu, bảo dưỡng thường xuyên, người sử dụng kém ý thức, nhiều VHSC bị xuống cấp, hư hỏng, mất vệ sinh, không an toàn cho người sử dụng. Thậm chí, nhiều VHSC trong TP đang bị tư nhân, tổ chức chiếm dụng để kinh doanh dịch vụ, đỗ xe máy, ô tô, chứa VLXD…

Dự án khuyến nghị: Thứ nhất, Hà Nội cần có một chiến lược tổng thể phát triển VHSC trong khu dân cư để làm cơ sở hướng dẫn các quận, huyện lập kế hoạch chi tiết cho địa bàn. Thứ hai, Hà Nội cần ưu tiên sử dụng đất công để xây dựng VHSC khu dân cư, như đề xuất của Quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa, hồ TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Hà Nội tạo quỹ đất phát triển cây xanh, công viên bằng việc di dời một số cơ sở y tế, giai đoạn, sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm ra khu vực ngoại thành và sử dụng 10% diện tích đất khi nâng cấp các khu chung cư thuộc sở hữu Nhà nước. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng cần ưu tiên sử dụng những diện tích đất công còn lại nằm xem kẽ trong các khu dân cư cho việc phát triển CVSC.

Khuyến nghị thứ 3 của dự án là Hà Nội cần có cơ chế khuyến khích huy động các nguồn lực đa dạng đầu tư, xây dựng, duy trì và phát triển VHSC khu dân cư, đặc biệt là các sáng kiến xây dựng sân chơi sáng tạo, giá rẻ với sự tham gia của cộng đồng.

Hòa Bình (Báo Xây dựng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.