Doanh nghiệp không được vay vốn lại càng "cố thủ", không hạ giá nhà khiến cho tương lai của bất động sản trở nên "mù mịt".

Rằng vui thì thật là vui!

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, 6 tháng đầu năm nay có 3.123 doanh nghiệp xây dựng và 247 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản dừng hoạt động. Cũng trong thời điểm này, lĩnh vực bất động sản - xây dựng có số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm mạnh.

Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội Nguyễn Hữu Cường cho hay, có ngân hàng đưa lãi suất cho vay về 9% đã tác động tới tâm lý nhà đầu tư rất lớn, gỡ áp lực cho cả người mua khi muốn vay mua nhà.

Cụ thể lãi suất giảm kích thích nhà đầu tư hoàn thiện những dự án đang dang dở hay đắp chiếu thời gian qua và là cơ sở để khai thông nguồn hàng cung cấp cho thị trường.


Doanh nghiệp không thể vay được vốn thì thị trường vẫn sẽ ngưng trệ như hiện nay. (Ảnh: Song Đào)

Tuy vậy, theo ông Cường, "những tin vui này thì thật sự là vui nhưng nói việc hạ lãi suất thực sự có chuyển biến tới thị trường hay không thì vẫn là câu hỏi lớn bởi không biết liệu doanh nghiệp có được vay, tái vốn hay không?"

Ông Cường cho hay, có tới hơn 90% doanh nghiệp khi làm dự án đã phải thế chấp tài sản để vay vốn, giờ nới lỏng cho vay thì nợ cũ chưa cơ cấu, liệu lộ trình giảm nợ xấu, nợ cũ của doanh nghiệp trước đó ngân hàng sẽ xử lý như thế nào?

Theo phân tích của ông Cường thì, thời gian qua các ngân hàng nhóm một, hai (tức ngân hàng có chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cao) có vốn thì thiếu các dự án đạt chuẩn để họ cho vay. Còn với những ngân hàng thuộc nhóm ba, bốn muốn cho vay dự án nhưng lại không có tiền và nhóm này nợ xấu cũng cao.

"Xét về lâu dài vay vốn trung và dài hạn cực kỳ khó khăn. Thị trường cũng phải giải quyết được những bài toán này nếu không doanh nghiệp không thể vay được và thị trường vẫn sẽ ngưng trệ như hiện nay" - ông Cường nói.

Được biết, thời gian qua với những dự án có nhiều tiềm năng như vị trí đẹp, có tính thanh khoản cao, các ngân hàng thậm chí còn chủ động "bắt tay" với doanh nghiệp để cho vay vốn và cũng ký các khoản cam kết cho khách hàng vay mua nhà luôn như Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV).

Với cách làm này, các dự án bất động sản vừa có vốn và người mua cũng có tiền để ký hợp đồng mua.

"Những dự án này, ngân hàng chủ động tìm kiếm và là mắt lưới sàng lọc khá chặt chẽ cho dự án. Đây cũng là cơ sở để khách hàng chọn lựa dự án để đầu tư bởi không ngân hàng nào dại gì lại đi "kết hôn" với những dự án không đảm bảo cả" - ông Cường nói.

Ở một khía cạnh khác, với việc nới lỏng lãi suất, cho vay một số dự án của các ngân hàng dưới con mắt của các chuyên gia kinh tế thì cũng cần xem xét kỹ, liệu ngân hàng đó đã từng cho vay hay góp vốn đầu tư những dự án trước đây hay không?

Cần thay đổi quy định nhanh chóng

Theo ông Cường, hiện có một xu hướng nhỏ với các dự án bất động sản đã xây dựng cũng đang trông chờ vào chỉ đạo mới của Bộ Xây dựng khi cơ quan này đang đề xuất việc "xé" nhỏ căn hộ diện tích lớn.

Tuy vậy, việc chia nhỏ căn hộ sẽ khó khăn bởi thủ tục pháp lý chưa rõ ràng (quy định hiện hành cho phép căn hộ thương mại phải có diện tích bằng hoặc lớn hơn 45m2) và không dễ gì để thay đổi kết cấu nhà.

Với những động thái trên thị trường bất động sản gần đây thì giới quan sát cũng đánh giá cao các doanh nghiệp bất động sản phía Nam hơn do mạnh tay chuyển đổi sản phẩm và thậm chí bán rẻ tới 50% giá thị trường nhằm cắt lỗ. Còn các doanh nghiệp phía Bắc thì mới chỉ dừng lại ở mức tìm cách chuyển đổi mục đích kinh doanh như cho thuê, thuê mua chứ vẫn không chịu giảm giá bán nhiều.

Theo Tổ Quốc
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.