Bốn phụ nữ, có một bà là con dâu, hai người là cháu nội, một người là cháu dâu của nhà yêu nước Võ Đa. Nếu nơi suối vàng biết con cháu mình bị ngược đãi, chắc ông cụ buồn lắm… Hiện nay, cả nước còn 528 vụ khiếu kiện phức tạp kéo dài làm đau đầu các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Nếu giải quyết kiểu như ở tỉnh Bình Thuận thì có nguy cơ làm gia tăng khiếu kiện phức tạp, kéo dài…

Lách luật để tước đoạt đất của dân

Năm 2007, sau khi mở đường 706B, UBND tỉnh Bình Thuận thu hồi hàng nghìn héc-ta đất hai bên đường. Trong số các hộ bị mất đất có 4 gia đình: Bà Bùi Thị Tha 53.160m2, bà Võ Thị My 9.147m2, bà Nguyễn Thị Thân 26.720m2, bà Võ Thị Hường 21.348m2. Đất bà Tha và bà My được giao cho Trung tâm Quỹ đất, trên đó rất nhiều cây điều trồng trước năm 1990, nhưng không bồi thường cả về cây và đất, 8 năm nay không được chăm sóc nên hàng loạt cây điều bị chết. Còn đất của bà Thân và bà Hường thì UBND tỉnh bán cho một công ty kinh doanh bất động sản, chỉ bồi thường cây, không bồi thường đất. 4 hộ này cùng một gia quyến.

Bà Tha là con dâu cụ Võ Đa. 3 người kia là con gái và dâu của bà Tha, họ đều neo đơn, điều kiện kinh tế, sức khỏe bị hạn chế nên ủy quyền cho bà Võ Thị Hường đại diện khiếu nại. Bà Hường gửi rất nhiều đơn cho cả 4 người, khiếu nại chán lại tố cáo nhưng 3 trường hợp bà Tha, bà My và bà Thân, càng gửi đơn, càng nhận được sự im lặng đáng sợ. UBND tỉnh Bình Thuận nhiều lần có văn bản chuyển đơn của ba hộ trên đến Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) nhưng Sở này cứ im lặng. Còn khiếu nại của bà Hường bị UBND tỉnh bác theo Quyết định số 1142 ngày 27/5/2010 với lí do bà Hường lấn chiếm rừng vào năm 2005.

Kết luận này trái với thực tế khách quan. Bà Hường và bà Thân sử dụng 48.808m2 đất có nguồn gốc của ông nội (tức cụ Võ Đa) để lại. Năm 1973, chiến tranh ác liệt, đất bị bỏ hoang. Năm 1985 họ tiếp tục sử dụng lại, nhiều nhân chứng biết rõ điều này. Tuy nhiên, khi bồi thường cây, được xác định là trồng vào năm 2003? Vì sao đất lấn chiếm năm 2005 mà cây lại trồng năm 2003? Do khoản 6 Điều 50 Luật Đất đai quy định điều kiện để được cấp sổ đỏ là: “Đất không có các loại giấy tờ… nhưng đã sử dụng ổn định trước ngày 1/7/2004″. Chính quyền nói đất lấn chiếm vào năm 2005 tức sử dụng sau 1/7/2004 nhằm “lách” điều luật trên để tước đoạt đất của họ. Tháng 5/2014, Ban Nội chính Trung ương chuyển đơn bà Hường tố cáo UBND tỉnh Bình Thuận thu hồi đất trái luật, UBND tỉnh có công văn “Giao sở TN&MT chỉ đạo Trung tâm Phát triển Quỹ đất tính toán… báo cáo UBND tỉnh xem xét hỗ trợ theo quy định” nhưng nửa năm rồi vẫn im lặng. Cho thấy việc khiếu kiện trở thành phức tạp kéo dài ở đây, một phần là do Sở TN&MT coi thường chỉ đạo của UBND tỉnh, vô cảm, thờ ơ trước mất mát của dân.

Đường 706B rộng 52m, dài 17km, ngốn hết 6 – 7 trăm tỉ đồng, hoàn thành đã 7 – 8 năm rồi nhưng không có xe chạy, lãng phí rất lớn. Chính con đường này là nguyên nhân khiến rất nhiều người dân kêu trời vì đất thu hồi không được bồi thường.

Tỉnh nói một đằng, Bộ phán một nẻo?

Sau 8 tháng thanhj tra, ngày 24/7/2012 Bộ TN&MT có Báo cáo số 2581 về kết quả xem xét khiếu nại của bà Võ Thị Hường theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Báo cáo này trái với thực tế, cho rằng: “Đất mà bà Hường khiếu nại là đất rừng phòng hộ… năm 1998, rừng bị chết, đất bỏ trống, bà Hường đến khai phá sử dụng… nên không đủ điều kiện để được bồi thường theo quy định tại Điều 7, Điều 8 Nghị định số 197/2004/NĐ-CP… Tuy nhiên bà Hường đã bỏ nhiều công sức, tiền bạc để khai phá cải tạo, quá trình sử dụng đất không bị ngăn cấm, xử lí… nên cần được xem xét hỗ trợ công khai phá, cải tạo đất theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định số 197/2004″. Khoản 8 Điều 8 Nghị định trên hướng dẫn: “Hộ gia đình… sử dụng đất, không có các loại giấy tờ quy định tại khoản 1, 2, 3 Điều này nhưng đất đã sử dụng ổn định từ 15/10/1993 đến thời điểm có quyết định thu hồi mà tại thời điểm sử dụng đất không vi phạm quy hoạch, không vi phạm hành lang bảo vệ các công trình… có xác nhận không tranh chấp là được bồi thường”. Điều 6 Nghị định 197/2004 hướng dẫn: “Người bị Nhà nước thu hồi đất có đủ điều kiện quy định tại Điều 8 Nghị định này…”. Bà Hường sử dụng đất từ 1985 – 1986, nguồn gốc do ông nội bà tạo lập từ thời thuộc Pháp, kể cả kết luận sai thời điểm sử dụng như báo cáo của Thanh tra Bộ TN&MT thì đất bà Hường vẫn đủ điều kiện quy định tại Điều 8 Nghị định này. Thanh tra Bộ nói sai thực tế, sai với quy định của Luật Đất đai để ủng hộ chính quyền địa phương rồi dẫn chứng Ban Quản lí rừng (QLR) đã kí hợp đồng với một số người trồng và chăm sóc rừng… những tài liệu này bị nghi là ngụy tạo để đối phó với công luận hoặc để lấy tiền Nhà nước.

Năm 2008, bà Hường khiếu nại, Tổ công tác 1128 Sở Nội vụ có văn bản yêu cầu cung cấp quyết định giao đất nhưng Ban QLR không có để cung cấp. Đầu năm 2009 trước ống kính truyền hình VTV1, Trưởng ban QLR Phạm Ngọc Thông cho biết Ban QLR chưa hề được giao đất ở đây để trồng rừng. Còn Chủ tịch UBND phường Phú Hai thừa nhận đất bà Hường đã sử dụng ổn định. Cuối năm 2011, phóng viên của 4 tờ báo được cựu Trưởng ban QLR Nguyễn Văn Bảy và cựu Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Sinh cho biết vị trí bà Hường khiếu nại chưa hề có rừng. Những người sử dụng đất khu vực này cũng nói ở đây là đất sản xuất, không phải đất rừng.

Cần đối thoại với tỉnh và bộ

Sau nhiều bài viết trái ngược với quan điểm của tỉnh và Bộ TN&MT rằng đất của 4 hộ nói trên sử dụng phù hợp với quy định tại Điều 50 Luật Đất đai năm 2003, Báo Người cao tuổi đã hai lần có công văn đề nghị UBND tỉnh ra quyết định giải quyết khiếu nại của bà Tha, bà Thân, bà My để họ thực hiện quyền công dân theo luật định. Riêng vụ bà Võ Thị Hường, cần tổ chức đối thoại công khai. Nhưng tỉnh tìm cách né tránh và chỉ đạo Thanh tra mời đại diện Báo Người cao tuổi để thông tin rằng UBND tỉnh đã giải quyết lần đầu, Bộ TN&MT tiếp tục giải quyết, Chính phủ đã đồng ý và chỉ đạo triển khai thực hiện… Nhưng kết luận như Thanh tra Bộ TN&MT thì bà Hường không thể đồng ý. Thanh tra Bộ nói sai sự thật, sai với quy định của pháp luật, nhưng một sự việc mà tỉnh “phán” sai một đằng, Bộ “phán” sai một nẻo thì người dân biết nghe ai?

Tại cuộc họp báo cuối quý III/2013, sau khi nêu vấn đề và bị phản ứng, phóng viên đề nghị chính quyền và cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận đối thoại với Báo Người cao tuổi. Đại diện UBND tỉnh cho rằng luật không bắt buộc chính quyền phải đối thoại với nhà báo…

Sau 5 năm với hàng chục bài viết cùng một quan điểm rằng đất của 4 hộ sử dụng phù hợp với quy định của pháp luật, họ không lấn chiếm rừng, thực tế ở đó không có rừng. Báo Người cao tuổi kiến nghị với chính quyền tỉnh Bình Thuận và Bộ TN&MT nên đối thoại với người dân có sự tham gia của báo chí, luật sư để làm rõ sự thật và quyết đi đến tận cùng công lí.

Trần Mỹ (NCT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.