Chiều 14 - 6, tại nhà No 9B, khu đô thị (KĐT) bán đảo Linh Đàm, quận Hoàng Mai, Hà Nội xảy ra vụ tai nạn thương tâm, khi bé gái rơi từ lan can tầng 11 của tòa nhà xuống dẫn đến tử vong.

Vụ việc đã “dấy” lên sự nghi ngờ về tình trạng “mất an toàn” ở hành lang các căn hộ chung cư, cũng như sự cảnh tỉnh về tình trạng bất cẩn của các bậc phụ huynh…

Tai nạn trẻ em ngã từ tầng cao

Điều đáng nói, đây không phải là lần đầu tiên tại Hà Nội diễn ra các vụ tai nạn thương tâm kiểu này. Trước đó, ngày 18-11-2010, một em bé 4 tuổi, trú ở tòa nhà Artex, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội, rơi từ lan can tầng 11 xuống đất dẫn đến tử vong tại chỗ. Mẹ cháu bé kể lại, thấy con ngủ say nên chị tranh thủ chạy ra chợ mua đồ ăn. Trong lúc vội vàng, chị quên khóa cửa từ phòng khách ra ban công, nơi có đặt chiếc ghế salon. Có thể lúc tỉnh dậy, hoảng sợ vì không thấy ai nên cháu bé đã tìm cách mở cửa kính và trèo ra ngoài để đi tìm bố mẹ, và tai nạn xảy ra.

Một ngày đầu tháng 12 - 2011, chị Trần Thị H, trú tại tầng 9 chung cư No 21, thuộc KĐT Pháp Vân - Tứ Hiệp, quận Hoàng Mai, Hà Nội, đưa con gái lớn đi học trong lúc cháu Đ, con nhỏ của chị vẫn đang nằm ngủ. Tuy nhiên, khi chị H trở về nhà thì hốt hoảng không thấy cháu Đ đâu. Người mẹ vội vàng đi tìm khắp chung cư, cho đến khi sững người phát hiện xác cháu bé nằm dưới lan can tầng hai của tòa nhà.

Được biết, khi đưa con gái đi học, chị H chỉ đóng cửa ra lan can chứ không khóa lại. Tại khu vực lan can, một chiếc ghế nhựa xanh nằm ngay sát thành cao 1,3m. Rất có thể cháu bé đã trèo lên từ đây và bị rơi xuống.

Ngày 1-7-2012, một bé trai ra lan can tầng 9 của tòa nhà Hà Thành Plaza, số 102 phố Thái Thịnh, quận Đống Đa, Hà Nội, không may rơi xuống sảnh tầng 4, dù được bác sĩ cấp cứu nhưng vẫn tử vong. Theo một số người dân sống ở khu vực này, bé trai khoảng 5 tuổi mang ghế ra lan can tầng 9 của tòa nhà chơi, bất ngờ bé trèo lên ghế bám lấy lan can bảo vệ rồi lộn xuống sảnh tầng 4.

Vụ tai nạn gần đây nhất, xảy ra vào khoảng 15g ngày 14 - 6 tại khu nhà No 9B, KĐT bán đảo Linh Đàm. Theo một số nhân chứng, vào thời điểm trên, có tiếng la hét phát ra từ khu nhà No 9B. Sau đó, người dân phát hiện thi thể một bé gái tại ô văng tầng 2 của khu nhà. Nạn nhân là một bé gái 4 tuổi, quê ở Bắc Giang. Cháu bé cùng bà nội lên nhà người thân ở tầng 11 của tòa nhà No 9B chơi, rồi xảy ra sự việc. Được biết, vào buổi trưa, bà nội đi ra ngoài. Nhưng khi bà trở về thì không thấy cháu gái trong nhà nữa mới hốt hoảng đi tìm và phát hiện sự việc đau lòng.

Riêng ở tòa nhà No 9B KĐT bán đảo Linh Đàm, đến nay đã xảy ra 2 vụ tai nạn trẻ em ngã từ tầng cao xuống tử vong, mà bắt nguồn từ sự bất cẩn của người lớn. Trước đây, vào giữa năm 2007, cháu Đặng Xuân P, sống trên tầng 11 của tòa nhà No 9B này, cũng tử nạn khi rơi từ tầng cao xuống. Bé P gặp nạn khi bố mẹ đang về Thái Bình viếng đám tang. Trong nhà chỉ có người giúp việc. Sáng sớm, khi cháu P còn đang ngủ, chị này tranh thủ ra chợ mua thức ăn. Theo nhận định của một số người, có thể khi tỉnh giấc không thấy ai ở nhà nên cháu P đã mở cửa ra lan can tìm người lớn nên xảy ra sự việc thương tâm trên.

Liên tiếp những vụ tai nạn này khiến các gia đình sống trong những khu nhà cao tầng không khỏi giật mình. Ở các vụ tai nạn kể trên, cho thấy sự bất cẩn của người lớn – các bậc phụ huynh đã chủ quan, không lường trước hậu quả có thể xảy ra đối với con em họ, khi để các cháu “ở nhà một mình” lúc đang say giấc. Tỉnh dậy, có cháu đã leo trèo (ghế, sopha) lên lan can – không có song chắn, để tìm người thân hoặc vì nghịch ngợm, hiếu động rồi gặp nạn.

“Thực trạng” nhiều trẻ em tử vong do ngã từ các chung cư cao tầng đang gióng lên hồi chuông báo động về sự bất cẩn của người lớn, trong khi dư luận nghi ngờ các tiêu chuẩn an toàn đối với lan can; ban công; lô gia (tương tự ban công nhưng không nhô ra ngoài mà được xây lõm vào trong) ở các chung cư cũng có “vấn đề”.

Tòa nhà No 9B Khu Bán đảo Linh Đàm, từng xảy ra hai vụ tai nạn trẻ em ngã từ tầng cao xuống tử vong. (ảnh minh họa, nguồn Internet)


“Chuẩn an toàn” chưa được thực hiện nghiêm túc?

Theo quan sát của PV, lan can tòa nhà No 9B cao khoảng 1,3m, nhưng khoảng 60cm ở dưới được xây và ốp gạch men sứ, rất dễ để trèo lên. Đây có thể xem là một “hiểm họa” rất lớn đe dọa tính mạng của nhiều cháu nhỏ, đặc biệt đối với những cháu hiếu động. Cư dân tại đây cũng cho biết, khi xảy ra vụ tai nạn năm 2007, nhiều hộ dân tòa nhà đã phải gia cố thêm các thanh chắn ban công cho an toàn. Tuy nhiên, không phải tất cả các căn hộ đều làm lại. “Sau vụ tai nạn thương tâm xảy ra chiều 14-6-2013, cư dân tòa nhà No 9B đã tổ chức họp bàn. “Lần này chúng tôi dứt khoát yêu cầu nhà nào cũng phải làm lại ban công để đảm bảo an toàn, nhằm ngăn chặn những vụ tai nạn tương tự có thể xảy ra” - bà Nguyễn Thị Hòa, tổ trưởng tổ dân phố nhà No 9B nhấn mạnh.

Theo Quy chuẩn xây dựng Việt Nam về “nhà ở và công trình công cộng - an toàn sinh mạng và sức khỏe” do Bộ Xây dựng ban hành, lan can, ban công của các công trình nhà ở, cơ quan, trường học… từ 9 tầng trở lên phải có tường chắn đảm bảo độ cao tối thiểu là 1,4m. Các tòa nhà cao từ 9 tầng trở lên, trong đó có chung cư, phải đảm bảo lan can chắn các cạnh trống của sàn, ban công, mái (bao gồm cả giếng trời cùng các lỗ mở khác) và các nơi có người đi lại, thậm chí cả ở gara ôtô.

Trao đổi với PV xung quanh những vụ tai nạn thương tâm này, TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho hay: Những quy định trong thiết kế, xây dựng ban công hay lô gia… đảm bảo an toàn đã được quy định khá chi tiết. Thế nhưng, người thiết kế, người thi công công trình có thực hiện đúng hay không mới là điều quan trọng.

“Đối với công trình có trẻ em dưới 5 tuổi sử dụng, thì lan can phải cấu tạo không cho trẻ em dễ trèo qua, và không có lỗ hổng đút lọt quả cầu có đường kính 100mm. Với lan can hoặc lô gia được sử dụng bằng vật liệu kính, thì kính được bảo vệ bởi vật cố định, đảm bảo chắc chắn, không có khe hở nào nhét lọt quả cầu có đường kính 75mm, khó trèo qua để ngăn ngừa rơi ngã. Bên cạnh đó, theo quy định nhà từ 6 tầng trở lên không được thiết kế ban công, chỉ được thiết kế lô gia lan can, lô gia không được hở chân và có chiều cao không nhỏ hơn 1,3m” – TS. Phạm Sỹ Liêm cho biết.

Theo TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam: Những quy định trong thiết kế, xây dựng ban công hay lô gia… khá chi tiết. Nhưng người thiết kế, thi công có thực hiện đúng không mới là điều quan trọng.

“Hiểm họa” vẫn rình rập

Quy định thì vậy, song theo tìm hiểu PV, hiện nay ban công và cửa sổ trên tầng cao của các dự án chung cư tại Hà Nội được thiết kế “mỗi nơi một kiểu”. Có chung cư thiết kế cửa kéo, lõi sắt vỏ nhựa; có chung cư thiết kế theo kiểu mở 45 độ hoặc cũng có khu đều được thiết kế theo dạng bản lề chữ T, mở bung tối đa khoảng 45 độ. Trong đó có nhiều cửa chung cư không thiết kế song chắn. Mặc dù, các khung kính đều là kính cường lực, nên bảo đảm sự an toàn khi có mưa gió. Nhưng chưa thực sự an toàn đối với gia đình có trẻ nhỏ, đặc biệt với những trẻ hiếu động. Sau khi xảy ra những vụ tai nạn thương tâm, tại một số tòa nhà chung cư, nhiều gia đình đã gia cố, lắp thêm các song chắn cửa sổ, gia cố lại ban công cho căn nhà mình để đảm bảo an toàn.

Lan can, ban công, cửa sổ ở các tòa nhà chung cư của Hà Nội được thiết kế “mỗi nơi một kiểu”.


Nhiều tòa nhà ở KĐT Nam Trung Yên (cũng như ở KĐT Trung Hòa - Nhân Chính), ở phía trên lan can, ban công, chỉ được bảo vệ bằng “hàng rào sắt” khá thưa, khoảng cách giữa 2 thanh sắt trung bình 20cm. Không chỉ vậy, hệ thống cửa sổ ở đây chỉ gắn kính trắng mà không hề có lưới sắt hoặc song chắn bảo vệ. Nhiều người dân bày tỏ, không biết hệ thống lan can, cửa sổ ở đây được thiết kế áp dụng theo tiêu chuẩn nào, nhưng họ đều rất lo sợ tai nạn có thể xảy ra.

Đã đến lúc cần phải “thanh tra” tình trạng mất an toàn hành lang các căn hộ chung cư.

“Chúng tôi rất lo lắng bởi không biết về độ an toàn của các loại ban công của toà nhà được thiết kế như thế nào, chỉ thấy tay vịn của lan can cũng như của các cầu thang thoát hiểm rất thấp và thưa. Các gia đình có trẻ nhỏ nếu không có người lớn trông nom thường xuyên, có thể dễ xảy ra tai nạn. Thế nhưng họ không cho phép làm thêm chấn song bên trong cửa kính, dù chúng tôi đã kiến nghị rất nhiều lần” - anh Hoàng, một người dân ở KĐT Nam Trung Yên cho biết.

Sỹ Hào (Pháp luật & Xã hội)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.