Đây là nhận định khá lạc quan của nhiều chuyên gia kinh tế trước quyết định tiếp tục hạ lãi suất huy động xuống 9%/năm từ 11.6 của NHNN.

Nhu cầu về nhà thu nhập thấp rất lớn. Ảnh: Bình An

Với những người xem BĐS là một kênh đầu tư, thì với việc lãi suất đang lùi dần như hiện nay thì gửi tiền tiết kiệm không còn là kênh đầu tư hấp dẫn nữa. Theo thông tin từ các văn phòng nhà đất, từ 1 tháng trở lại đây, sau động thái liên tục hạ lãi suất huy động của NHNN, lượng khách tìm mua nhà đã đông hơn, tuy các giao dịch thành công chưa nhiều.

Nhộn nhịp căn hộ giá dưới 15 triệu đồng/m2

Có thể ghi nhận thực tế này khá rõ ở sàn BĐS Mường Thanh ở Bắc Linh Đàm của chủ đầu tư KĐT Xa La, trong ngày đầu tháng 6 mở bán chung cư CT8A KĐT Đại Thanh với mức giá xấp xỉ 600 triệu đồng/căn. Với diện tích căn hộ từ 44 - 66m2/căn và giá bán từ 14 đến 14,3 triệu đồng/m2 đã bao gồm cả VAT, mỗi căn hộ của dự án này có giá từ 600-900 triệu đồng/căn. Đây là mức giá rất hấp dẫn với những người thu nhập thấp và có nhu cầu về nhà ở. Chính vì vậy, ngay ngày đầu mở bán dự án, sàn BĐS Mường Thanh đã biến thành một cái chợ tấp nập người đặt cọc, người đóng tiền đợt 1 với hơn 120 căn “xuống tiền” ngay tại sàn.

“Lãi suất tiết kiệm hạ, nhu cầu nhà ở cấp thiết trong khi số tiền đóng đợt 1 chưa đầy 100 triệu đồng hoàn toàn phù hợp với khả năng của gia đình tôi. Đợt tiếp theo dự kiến khi chủ đầu tư xây đến tầng 10 mới phải nộp tiếp, vì vậy chúng tôi quyết định rót tiền vào dự án này. Hơn nữa, tôi cho rằng mức giá căn hộ hơn 14 triệu đồng/m2 là mức thấp rồi, khó có thể hạ thêm được nữa” - anh Nguyễn văn Tiến- một khách hàng mua căn hộ CT8A nói.

Quả thực, những diễn biến của thị trường thời gian gần đây cũng cho thấy dường như sẽ có một sự đầu tư trở lại. Các chính sách của Nhà nước đối với thị trường BĐS cũng được nới lỏng hơn. Người vay mua nhà được ưu đãi hơn, đặc biệt là người vay lần đầu, khiến nhiều người thực sự có nhu cầu bắt đầu có ý định vay tiền để mua.

Hiện lãi suất cho vay mua nhà còn 13%/năm. Một số ngân hàng đã đưa ra mức lãi suất khá thấp cùng với nhiều ưu đãi cho lĩnh vực BĐS như HSBC Việt Nam giảm 15,5%/năm, BIDV đã đưa ra mức lãi vay "sốc" là 10%/năm tại một số dự án, VIB là 14,2%/năm trong 3 tháng đầu, Vietcombank là 13%... “Trong khi thị trường BĐS, đặc biệt là phân khúc căn hộ đang có mức giá chào bán được đánh giá là “mềm” nhất từ trước tới nay, phần lớn dưới 15 triệu đồng/m2, như The Sun Garden tại số 89 Phùng Hưng, Hà Đông, chung cư Đại Thanh, An Bình Tower, chung cư Tân Tây Đô,... thì đây là thời điểm thích hợp để quyết định mua vào” - một NĐT cá nhân cho biết. Cũng theo NĐT này, nhóm đầu tư nhỏ của ông đã quyết định ngoài “xuống tiền” một số căn chung cư diện tích nhỏ, giá thấp cũng sẽ bắt đầu săn lùng đất nền giá rẻ. “So với thời điểm cách đây gần 2 năm, giá đất nền các dự án đã giảm hơn 50% như dự án Kim Chung – Di Trạch; Gleximco, Nam An Khánh – Sông Đà Sudico... nên không mua bây giờ có thể lỡ cơ hội” - NĐT này nhận định.

Vẫn là kênh đầu tư an toàn

Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, với dự báo lãi suất huy động và lãi suất cho vay còn tiếp tục giảm, niềm tin của những người giữ đất - gồm cả NĐT dài hạn và NĐT thứ cấp - cũng được củng cố phần nào. Trong bối cảnh các kênh đầu tư khác đều có những khó khăn nhất định như đầu tư sản xuất đang gặp khó đầu ra, vàng chỉ là kênh bảo toàn vốn chứ ít còn khả năng tạo ra lợi nhuận lớn, chứng khoán chưa khởi sắc và đậm tính đầu cơ, rủi ro cao thì sẽ vẫn có nhiều người tìm đến BĐS như một kênh đầu tư ít rủi ro và vì lẽ đó, giá BĐS khó thể giảm sâu.

Đây không chỉ là xu thế của Việt Nam mà cả trên thị trường thế giới. Báo cáo mới nhất nhận định về thị trường BĐS của Knight Frank ở các thành phố chính trên thế giới cũng cho thấy, BĐS vẫn chiếm ưu thế đối với giới đầu tư khi đề cập đến kênh đầu tư an toàn. Theo tổ chức này, dòng chuyển dịch vốn sẽ vẫn tiếp tục tập trung vào các thành phố có rủi ro chính trị thấp, hệ thống pháp luật minh bạch, tính bảo mật tốt và chính sách thuế thân thiện.

Ở Việt Nam, nhiều chủ đầu tư cho rằng, hiện tại việc hạ lãi suất ngân hàng ngay lập tức sẽ chưa tác động nhiều đến DN BĐS nhưng đang tác động dài hạn và tích cực tới tâm lý người mua. Đây là một tín hiệu tốt của thị trường. “Việc “mở và đóng van” đúng sẽ giúp thị trường phát triển lành mạnh, là yếu tố đảm bảo sự phát triển bền vững cho các NĐT đích thực” - ông Nguyễn Hữu Cường - TGĐ Cty BĐS Cường Phát, Chủ tịch CLB BĐS Hà Nội khẳng định.

Còn ông Ngô Đình Hãn - Giám đốc sàn giao dịch bất động sản ACB có phần dè dặt hơn khi cho rằng, dù lãi suất giảm chưa có tác động rõ rệt tới thị trường nhưng chắc chắn nguồn vốn sẽ vận hành vào BĐS nhiều hơn, tạo tính thanh khoản tốt cho thị trường trong tương lai. Tuy nhiên, trong ngắn hạn vẫn phải chờ chính sách này “thấm” vào thị trường, nhanh cũng phải hết quý III/2012.

Như vậy, với sự xuống giá của nhiều phân khúc BĐS trên thị trường nhằm đón đầu xu hướng tiếp tục giảm lãi suất, mở tín dụng hỗ trợ thị trường BĐS, nhiều dự án mới thời gian qua bắt đầu huy động vốn trên thị trường với mức giá khá hấp dẫn..., tất cả cho thấy hứa hẹn một thị trường BĐS sẽ nhộn nhịp trở lại trong ngắn hạn.

Theo Lao động
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.