Ông Lịch cho rằng không thể để vàng thành phương tiện thanh toán, vô tình chúng ta biến những lượng vàng thành những đồng tiền vàng trong khi trên thế giới không ai làm thế nữa.


Cấm vàng miếng cần có lộ trình nhưng phải dứt khoát và xuyên suốt


Theo ý kiến của Đại biểu Trần Du Lịch, không thể để đô la và vàng miếng được kinh doanh mua bán như các loại hàng hóa khác. Vấn đề cất trữ tài sản dưới hình thức vàng của nhân dân cần được tôn trọng và được giao dịch như tài sản, nhưng đây là loại hàng hóa đặc biệt và chúng ta không thể chấp nhận sử dụng vàng như một phương tiện thanh toán.

Hiện nay, vô tình chúng ta biến những lượng vàng, 37,5 gram, 5 chỉ, 1 chỉ thành những đồng tiền vàng trong khi trên thế giới không còn ai sử dụng đồng tiền vàng để thanh toán, nhưng vô hình chung chúng ta làm như vậy.

“Dĩ nhiên như Ủy ban Kinh tế đề nghị chúng ta có lộ trình, giải pháp nhưng về quan điểm phải dứt khoát và xuyên suốt”, ông Lịch nói.

Chúng ta bị mất giá kép – tăng xuất khẩu đồng nghĩa với tăng việc bán rẻ

Đánh giá năm 2010 về kinh tế, Ông Lịch cho rằng có 3 điểm tích cực, GDP đạt 6,78% vượt 0,28% so với kế hoạch. Tuy nhiên, lạm phát không kiềm chế được một con số. Đây là vấn đề cần suy nghĩ để điều hành năm 2011.

Thu ngân sách so với kế hoạch đầu năm rất lớn, nói số tròn là đánh giá 5 tỷ USD trên 100 nghìn tỷ đồng, nhưng bội chi ngân sách vẫn cứ tăng. Do đó, cần xem lại phương thức phân bố và quản lý ngân sách về đầu từ.

Xuất khẩu tăng rất mạnh, tức là 26% vượt xa so với dự kiến, tuy nhiên hàng Việt Nam rẻ trong thị trường thế giới, bởi vì trong các năm qua các đồng tiền của họ đều lên giá so với đồng đô la, nhưng VND lại mất giá liên tục so với đồng đô la, tức là chúng ta mất giá kép, làm cho hàng Việt Nam rẻ trên thị trường thế giới.

Bản chất xuất khẩu của ta là xuất khẩu sản phẩm thô, tài nguyên thô và hàng gia công, tức là chúng ta có yếu tố tài nguyên và xuất khẩu lao động chứ chúng ta tăng xuất khẩu đồng nghĩa chúng ta tăng việc bán rẻ.

“Tăng xuất khẩu là tốt, nhưng Việt Nam không nên đặt vấn đề giảm giá đồng tiền để tăng xuất khẩu” – ông nhận xét.

Từ đầu năm Chính phủ đã phải giải quyết đồng bộ 3 vấn đề, thứ nhất là lạm phát kỳ vọng về tâm lý thị trường, đây là vấn đề nan giải; Thứ hai là tỷ giá, tức là mất giá đồng Việt Nam; Thứ ba là kéo dài quá lâu việc bao cấp một số hàng hóa công cộng, ví dụ giá điện, giá xăng dầu. Đặc biệt là điều chỉnh các loại giá trong điều kiện có lạm phát.

Để kiềm chế lạm phát một con số trong năm 2011, ông Trần Du Lịch cho rằng vấn đề quyết liệt là phải giảm tổng cầu, tức là tăng mức độ vừa phải tổng dư nợ tín dụng và cung tiền. Đặc biệt là phải giảm đầu tư công và giảm công chi. Nếu không, mặt bằng giá mới hình thành trong quý II sẽ khiến CPI khó thể có kiểm soát được ở mức một con số đến cuối năm.

Theo ông Lịch, chúng ta cần nghiên cứu, áp dụng, đổi mới phương thức phân bố và quản lý đầu tư ngân sách để chúng ta từ chuyện cắt giảm nhất thời trong năm nay trở thành những biện pháp căn cơ cho thời gian tới, tránh vòng luẩn quẩn các năm sau lặp lại chuyện này.

Cafeland.vn - Theo Cafef
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland