Thời gian qua, để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản (BĐS), hàng loạt giải pháp đã được Chính phủ và các cơ quan ban ngành có liên quan đề ra. Xung quanh vấn đề BĐS, PV đã có cuộc trao đổi với TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam.
Để tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, hàng loạt giải pháp đã được Chính phủ và các cơ quan ban ngành có liên quan đề ra Ảnh: Hoàng Long
Vừa qua, UBND TP Hà Nội có dự thảo về việc đánh thuế nhằm xử lý các biệt thự bỏ hoang. Ông đánh giá như thế nào về quyết định này?
Trên một số nền đất, biệt thự được xây thô nhưng vì nhiều lý do không thể hoàn thiện, không được quản lý thì mới trở thành đối tượng gây hại, vì nó tiềm ẩn nhiều nguy cơ liên quan đến tệ nạn xã hội. Với những biệt thự này, chúng ta phải nhìn nhận một cách toàn diện hơn, hướng tới xóa bỏ hoàn toàn, nhưng không nên bằng hình thức đánh thuế, bởi nếu chủ đầu tư nộp thuế thì nó vẫn tồn tại. Thực tế, ở nhiều quốc gia trên thế giới, nếu xây dựng dang dở vì lý do nào đó, chủ đầu tư phải thu dọn, báo cáo lại cơ quan cấp giấy phép xây dựng, đồng thời có người trông coi khu vực đó. Nhà xây xong có thể không đưa vào sử dụng ngay nhưng cần được bảo trì, không được để nó xuống cấp. Do đó, chúng ta có thể cảnh báo các chủ đầu tư, nếu 1-2 tháng không thấy tiếp tục công trình thì có thể mua lại. TP cũng rất cần nhưng căn nhà như vậy.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) vượt qua khó khăn, ngân hàng (NH) cũng đã có hàng loạt chính sách ưu đãi về nguồn vốn. Tuy nhiên, DN vẫn kêu rằng khó tiếp cận nguồn vốn. Nguyên nhân ở đâu, thưa ông?
Tôi nhớ có một tờ báo có đăng ý kiến của một ông giám đốc NH tuyên bố dù có tiền cũng không cho BĐS vay, tức là chưa thật sự am hiểu thị trường BĐS. Cũng như thế, nhiều nhà kinh doanh BĐS chưa am hiểu thị trường tiền tệ, tức là 2 bên vẫn thiếu tiếng nói chung.
Quả thực, mức nợ xấu BĐS hiện nay là phải cảnh báo, nhưng cảnh báo không có nghĩa là bỏ qua nó. Phải bình tĩnh xem xét và phân tích, chứ không nên ra lệnh đóng cửa tín dụng cho BĐS. Các chủ đầu tư phải tự mình nghĩ ra giải pháp sáng tạo hoặc tìm tư vấn, hiến kế để có giải pháp sáng tạo, nhằm đến một cầu nào đó, một phân khúc thị trường cụ thể. Sau khi nắm được tính khả thi của phân khúc này, lập kế hoạch trình bày và thuyết phục NH. Nếu hợp lý, NH vẫn phải cho vay vì đó cũng là cách để họ tồn tại.
Trước mắt, các DN cần làm gì để giải phóng lượng hàng tồn kho, thưa ông?
Với những biệt thự thì chỉ có thể ứng phó bằng giảm giá bán. Tôi đã đề cập về việc giảm giá biệt thự từ cách đây 2-3 năm rồi. Để càng chậm thì giá trị giải pháp càng giảm. Như hiện nay, giá rất rẻ nhưng người dân vẫn không có động tĩnh gì. Đây là tâm lý bình thường lúc thị trường suy thoái. Tôi mua được nhưng tôi vẫn chờ giá xuống nữa. Với những căn hộ có diện tích lớn, chưa hoàn thiện thì có thể chia nhỏ để dễ bán hơn. Việc làm này không hề gây quá tải đô thị, thậm chí, có tăng lên cũng phù hợp xu hướng phát triển đô thị hiện đại, còn gọi là phát triển đô thị nén. Tăng mật độ đô thị lên thì ta có những giải pháp khác về hạ tầng. Việc cải thiện hạ tầng luôn đỡ tốn kém hơn việc mở rộng ra nơi khác xa hơn nhưng lại phải nối thêm đường điện, đường nước.
Ông bình luận như thế nào về các giải pháp như thành lập quỹ tín thác BĐS, quỹ tiết kiệm nhà ở?
Quỹ tín thác BĐS là giải pháp tốt. Trung Quốc đã từng đạt thành công nhờ giải pháp này. Tuy nhiên, đây là quỹ góp lại, không phải quỹ nhà nước, do đó, phải hoàn toàn tự chủ, không ai can thiệp, cũng không ai giải cứu khi gặp nguy.
Về quỹ tiết kiệm nhà ở, các nước như Trung Quốc, Singapore gọi là quỹ công tích. Hàng tháng, người lao động góp tiền vào, đạt khoảng 20% giá trị căn hộ định mua thì được mua nhà, 80% còn lại góp dần. Đây là chuyện hay nhưng chỉ mới có Singapore làm được, nhờ hệ thống quản trị quốc gia minh bạch và quy mô quốc gia chỉ là một đô thị. Tức là, quỹ công tích chỉ áp dụng theo mô hình từng đô thị.
Bộ Xây dựng vừa có chủ trương rà soát lại lượng tồn kho BĐS. Ông đánh giá như thế nào về biện pháp này?
Rà soát lượng dự án để nắm tình hình là việc làm cần thiết. Nhưng sau khi rà soát, ứng xử như thế nào mới quan trọng. Đơn cử, Hà Nội có chủ trương thu hồi, đất chưa làm có thể trả lại cho nông dân cày cấy. Nhưng thật ra có cách giải quyết tốt hơn, bởi người dân đã nhận tiền đền bù. Thêm nữa, chúng ta đang có chủ trương tích tụ đất đai. Đây là cơ hội tốt, những đất ấy trở lại nông nghiệp nhưng dưới dạng trang trại, người nông dân mất đất được thuê trở lại làm trong trang trại. Đây có thể là những trang trại nông nghiệp đô thị, sản xuất thực phẩm như rau, thịt, hoa quả.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Theo Nguyễn Nga (ĐĐK)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.