Người có đất, đem bán rồi lại lấy tiền đi… buôn đất, cuối cùng trắng tay; Người làm ăn kinh doanh, buôn bán dành dụm cả đời, mang tiền đi buôn đất, giờ chẳng còn gì; Người được được thừa kế từ đời cha ông bao nhiêu vàng bạc cũng đem đi mua đất, bây giờ sở hữu không biết bao nhiêu nhà chung cư nhưng trong túi chẳng có đồng xu nào; Có cả những trường hợp, mỗi gia đình chỉ có vài chục triệu đồng, đi vay mượn thêm rồi rủ nhau gom góp mua đất, rồi tất cả đều trắng tay… Rất nhiều người Hà Nội bây giờ

Giàu bất thường vì đất…

Cách đây khoảng một năm trở về trước, ở Hà Nội, chỗ nào, nhà nào cũng thấy nói đến chuyện mua đất, bán đất.

Đầu tiên là những người có nhiều đất mang ra bán. Đó là những người ở các làng ven đô, các thị trấn, có vườn tược rộng rãi, đất đai do cha ông để lại. Họ vẫn ở đó, yên bình cho đến khi tốc độ đô thị hóa chóng mặt đã khiến giá đất lên vùn vụt. Thế là, họ liền bán bớt đất để xây nhà, mua xe…

Anh Tú, ở một làng ngoại thành Hà Nội được bố mẹ cho một khu đất rộng gần 1.000m2. Khi giá đất bắt đầu tăng cao, anh liền bán đi một nửa, lấy tiền xây nhà. Thấy giá đất quanh làng cứ tăng lên vùn vụt theo từng tháng, thậm chí từng ngày, anh nghĩ đến việc thế chấp ngôi nhà để lấy tiền buôn đất. Hai năm đầu, vợ chồng anh kiếm được hơn 1 tỷ đồng, một số tiền khổng lồ mà cả đời anh cũng không dám mơ tới.

Chị Thảo, vốn làm đại lý cho một hãng sơn lớn. Việc kinh doanh của chị luôn phát triển ổn định trong nhiều năm và chị cứ nghĩ mình thật may mắn về điều đó. Thế nhưng, khi thấy quanh mình nhiều người chẳng có tài cán, vốn liếng gì nhiều mà cứ giàu lên một cách chóng mặt, chị bắt đầu dao động. Rồi cơn điên loạn của đất đã cuốn chị theo. Thế chấp nhà, xao nhãng chuyện buôn bán của cửa hàng, chị lao đi lùng mua những căn nhà chung cư, những mảnh đất xen kẹt… cứ thế, mua đi bán lại, chị kiếm được khá nhiều tiền. Rủng rỉnh, chị nào mua đá đỏ “chơi”, đi du lịch làm đẹp, có tới 2 chiếc ô tô…

Trường hợp gia đình bà Thủy rất đặc biệt. Gia đình bà vốn sống nhiều đời ở khu phố cổ, có nghề kinh doanh vàng bạc. Không ai biết được nhà bà có bao nhiêu tiền của, chỉ biết rằng, cả 3 đứa con của bà đều đang được đi du học ở Anh. Khi cơn sốt đất đến, lúc đầu bà chẳng đoái hoài gì, vẫn chăm lo công việc truyền thống của gia đình. Rồi không thể đứng ngoài mãi, bà bắt đầu bỏ tiền chung với một người họ hàng, ủy quyền cho người đó mua bán đất. Tiền lớn vốn nhiều, lãi cũng lắm, bà chợt nhận ra rằng, dù có buôn vàng bán ngọc cũng không bằng đất.

Không có của thừa kế, nhưng bà Hòa cũng rủng rỉnh do chồng làm sếp ở một Tổng cục. Chẳng phải ông tham nhũng gì to tát lắm, nhưng mấy chục năm công tác, chồng bà cũng được nhận không ít quà cáp, phong bì do cấp dưới biếu xén. Tích cóp từng cái phong bì, bán đi từng cây thuốc lá, chai rượu ngoại… số tiền mà bà Hòa có được cũng đến cả tỉ bạc. Và rồi, khi cơn lốc nhà đất tràn đến, bà Hòa cũng là một trong những người giàu lên nhanh chóng.

Nhưng “giới” buôn đất nhiều nhất ở Hà Nội có lẽ lại là dân văn phòng. Có một thời gian, đến cơ quan, công sở nào, người ta cũng thấy nói đến chuyện buôn đất. Chẳng có nhiều tiền, họ rủ nhau góp vốn, mỗi người vài chục triệu đồng, vào Hà Đông mua những mảnh đất nhỏ. Thấy có lời một chút là họ bán ngay, chia nhau cũng được ít nhiều. Thu nhập phụ đôi khi cao hơn thu nhập chính khiến họ hết sức phấn khởi. Không khí công sở lúc nào cũng rôm rả. Rảnh rỗi một chút là họ rủ nhau đi mua sắm thời trang, ăn uống tiệc tùng vui vẻ.

Ảnh minh họa

Người Hà Nội nghèo đi vì thị trường nhà, đất đóng băng - ảnh minh họa

Giờ nghèo đi cũng vì đất

Sự điên loạn của thị trường nhà đất đã nhanh chóng mang lại cho rất nhiều người những số tiền khổng lồ, nhưng cuối cùng, nó cũng đã lấy đi gần như tất cả. Những người “tay không bắt giặc” chẳng nói làm gì, bởi “của cesar trả lại ceasar”. Nhưng hơn thế, nó đã lấy đi cả những gì mà nhiều người tích cóp được trong suốt những năm tháng làm ăn chăm chỉ, lương thiện, hay những gì mà cha ông họ đã gửi gắm lại cho con cháu.

Tiền lãi từ đất đã khiến vợ chồng anh Tú như mê muội. Anh mượn luôn sổ đỏ của mẹ mình để thế chấp, cộng với số tiền vay ngân hàng trước đó và số tiền lãi có được từ mấy năm qua để mua 2 ngôi biệt thự ở khu đô thị mới. Đùng một cái, bất động sản chết lịm, các khu đô thị một thời nóng sốt, giờ thành "khu đô thị ma". Cả nhà anh phải đi ở nhà thuê, nhưng ân hận nhất đối với anh là mẹ anh, sau khi đã sống cả đời ở ngôi nhà tổ tiên, giờ phải đến ở nhờ nhà người con rể tận khu chung cư Linh Đàm.

Sự trầm lắng kéo dài của thị trường bất động sản cũng khiến chị Thảo rơi vào cảnh nợ nần chồng chất. Bao nhiêu tiền tích cóp được từ việc buôn bán sơn, rồi thế chấp nhà cửa vay ngân hàng… giờ nằm im trong mấy gian hàng mua ở chợ Hàng Da, bán không được mà cho thuê cũng không xong. Giờ quay trở lại nghề buôn sơn, khách hàng mất đã nhiều, chị phải bắt đầu lại gần như từ đầu, chắt chiu để lấy tiền trả lãi. Còn tiền gốc thì... chờ đến bao giờ bất động sản ấm lại! Mà ngày ấy có vẻ còn quá xa vời.

Bà Thủy, không đến nỗi phải vay nợ nhưng đã phải bán cửa hàng trên phố cổ vốn định để sau này con trai đi du học về thì giao cho nó. Hai đứa em, mới sang học được một năm, bị bà gọi về giúp mẹ kinh doanh vì bà không thể lo nổi kinh phí nữa.

Không khí làm việc ở nhiều cơ quan, công sở sau khi thị trường nhà đất đóng băng, bây giờ thật ảm đạm. Đã thế, kinh tế khó khăn chung, lương giảm, thưởng không có, họ chẳng còn đi nhà hàng hay mua sắm nữa mà tăng cường cạp lồng, cơm hộp. Chính sự chi tiêu tằn tiện này đã góp phần làm cho nền kinh tế Thủ đô càng thêm trầm lắng. Nhà hàng, quán ăn ế khách. Đồ may đo phải giảm giá tối đa…

Người Hà Nội đã giàu lên rất nhanh, nhưng bây giờ cũng đã nghèo đi rất nhiều. Đó là vì ĐẤT.

Theo Tuệ Khanh (VnMedia)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.