Ngày 6-9, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.Hồ Chí Minh đã có buổi giám sát với UBND TP. Hồ Chí Minh về tình hình thực hiện Luật Nhà ở năm 2005 và Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS) năm 2006.
Dù có sự hỗ trợ của Chính phủ, nhưng thị trường bất động sản chưa ấm lên.Ảnh: Hoàng Long
Theo báo cáo của Sở Xây dựng, từ khi có Luật Nhà ở đến quý 1/2013, TP. HCM đã phát triển trên 51.879 triệu m2 sàn nhà ở. Về thí điểm cho tổ chức, cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam, tính đến 31-3-2013 toàn thành phố đã cấp 66 giấy chứng nhận cho tổ chức, cá nhân nước ngoài. Thị trường BĐS đã có nhiều chuyển biến, 464 sàn giao dịch BĐS chuyên nghiệp được hình thành thay thế dần các trung tâm môi giới nhỏ lẻ và có khoảng 13.162 giao dịch BĐS được thực hiện qua sàn với tổng giá trị khoảng 27.357 tỷ đồng.
Triển khai Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS - theo phân tích của ông Nguyễn Văn Danh- PGĐ Sở Xây dựng vẫn còn hơn 10 vấn đề lớn tồn tại, bất cập. Pháp luật về nhà ở và kinh doanh BĐS còn chồng chéo thậm chí mâu thuẫn với pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng làm các cơ quan quản lý khó khăn, lúng túng trong việc áp dụng pháp luật cũng như khó khăn cho việc thực hiện pháp luật của người dân và DN. Thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực nhà ở rườm rà, các chủ đầu tư phải thực hiện nhiều thủ tục làm chậm tiến độ dự án, tốn kém thêm chi phí, làm tăng giá thành nhà ở. Thị trường BĐS phát triển mất cân đối giữa cung- cầu dẫn đến tồn kho BĐS tăng cao, hiện thành phố đang tồn kho 12.447 căn hộ chung cư với tổng giá trị khoảng 22.200 tỷ đồng. Nhiều lĩnh vực quan trọng trong thị trường BĐS đang bị bỏ ngỏ chưa được quản lý hoặc có quá ít quy định pháp luật chi tiết để áp dụng, như vấn đề về quản lý vốn đầu tư, vốn huy động từ khách hàng của chủ đầu tư, quy định bắt buộc các BĐS đủ điều kiện mới được giao dịch. Thị trường BĐS đang thiếu các định chế tài chính phi ngân hàng như quỹ tiết kiệm nhà ở, quỹ tín thác đầu tư BĐS...Các hạn chế này làm hạn chế vai trò chủ động của Nhà nước trong việc quản lý thị trường, khó khăn để phòng ngừa ngăn chặn các hành vi đầu cơ gây bất ổn thị trường. Mục tiêu nắm bắt thị trường, kiểm soát thị trường vẫn là vấn đề khó khăn. Ngoài ra, trong giao dịch mua bán chuyển nhượng BĐS với chủ đầu tư, quyền lợi của người dân cũng chưa được bảo vệ.
TS Trần Du Lịch nhận xét, Luật Kinh doanh BĐS quá dễ dãi, "không có nước nào kinh doanh BĐS lại dễ dàng như ở Việt Nam dẫn đến tình trạng "bát nháo” và người mua nhà lại luôn là bên yếu thế”. Ông Lê Hoàng Châu- Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. HCM phát biểu, trong triển khai cho thấy có tình trạng Nghị định lại cao hơn Luật; ông Châu kiến nghị bổ sung hình thức sở hữu nhà ở có kỳ hạn. Còn theo ông Lê Chí Hiếu- TGĐ Thuduc House, quản lý hiện nay quan điểm tư duy rời rạc, chưa đồng bộ, chưa tư duy theo kiểu thị trường mà tư duy theo kiểu hành chính, nhiều quy định làm tình thanh khoản của thị trường BĐS bị giảm như quy định hạn chế việc phân lô bán nền.

Theo đề xuất sửa đổi Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS của Sở Xây dựng cần sửa đổi một sối nội dung của các Luật để phù hợp với các Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Bộ Luật Dân sự. Đồng thời bổ sung các quy định về vấn đề tài chính cho phát triển nhà ở, xử phạt vi phạm trong đầu tư kinh doanh nhà ở. Về tạo lập BĐS để kinh doanh, cần quy định về đất, về vốn cho đầu tư BĐS, quy định về đầu tư xây dựng BĐS phải theo kế hoạch phát triển BĐS tránh tình trạng đầu tư BĐS theo phong trào, theo đám đông dẫn đến tình trạng lệch cung- cầu và dẫn đến hàng tồn kho như hiện nay. Để bảo đảm quyền lợi của người mua nhà, cần bổ sung quy định chế tài chủ đàu tư rong việc bàn giao nhà ở hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cho người mua nhà; Quy định trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc hoàn tất các thủ tục để người mua nhà được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, đảm bảo quyền sở hữu của người dân.

Bảo Hạnh (Đại đoàn kết)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.