Sau khi vượt qua hơn 800 hồ sơ đăng ký mua nhà ở xã hội tại chung cư Tô Hiến Thành (ảnh - 157/R8 Tô Hiến Thành, P.12, Q.10, TP.HCM), đầu tháng 8/2013, 103 cán bộ công chức đầu tiên của thành phố đã được bố trí vào ở. Tuy nhiên, nhiều người sau khi mua được nhà ở xã hội đã… bỏ trống hoặc mang cho thuê kiếm lời.

Nhân viên quản lý nhà kiêm… “cò” cho thuê

Trong vai người đi thuê nhà, chúng tôi lên trang mạng tìm kiếm Google.com gõ cụm từ “cho thuê căn hộ chung cư (CC) Tô Hiến Thành”, hàng trăm kết quả rao cho thuê hiện ra với giá từ 7 - 10 triệu đồng/tháng. Nhiều căn hộ, người đăng tin khẳng định đã nhận nhà từ lâu nhưng bỏ trống, chưa từng ở. Thế nhưng, khi chúng tôi liên hệ, hầu hết đều cho biết đã có người thuê vì những căn hộ này rất đắt khách, vừa đăng tin là có người thuê ngay.

Không bỏ cuộc, sau nhiều ngày tìm kiếm, liên lạc, chúng tôi gặp được một người đàn ông tên Hữu. Căn hộ ông Hữu rao cho thuê rộng 60m2, hai phòng ngủ, hai nhà vệ sinh… ở lầu 13, CC Tô Hiến Thành. Theo ông Hữu, căn hộ này hiện đang có người thuê nhưng sắp trả nhà. Sau khi đồng ý giá thuê bảy triệu đồng/tháng và thời gian chuyển đến ở, ông Hữu giới thiệu cho chúng tôi gặp một người phụ nữ tên Trúc đang làm việc tại CC này.

Chung cư Tô Hiến Thành. Ảnh: Phùng Huy

Ngày 21/8, chúng tôi đến gặp Trúc tại CC Tô Hiến Thành. Trong bộ đồng phục của Công ty cổ phần dịch vụ địa ốc Sài Gòn - SEJCO (trực thuộc Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn - RESCO), Trúc giới thiệu chúng tôi gặp một người đồng nghiệp tên Tuấn đang ngồi ở bàn tiếp tân. Tuấn dẫn chúng tôi lên xem căn hộ số 1309. Đến nơi, Tuấn điện thoại gọi chủ nhà. Khoảng năm phút sau, một cô gái còn khá trẻ ra mở cửa. Tuy nhiên, cô cho biết mình không phải là chủ nhà mà là người đang thuê nhà. “Mình là người thứ hai thuê căn hộ này với giá bảy triệu đồng/tháng nhưng không ký hợp đồng (HĐ) thuê nhà”, cô này nói.

Theo cô, chủ nhà rất dễ chịu nhưng... không bao giờ chịu ký HĐ thuê nhà. “Anh cứ đặt cọc một tháng rồi dọn vào ở. Ảnh không chịu ký HĐ thuê nhà, nhưng anh yên tâm ảnh không đòi lại nhà đâu. Vì ảnh có nhà bên Q.Bình Thạnh rồi. Lúc đầu em cũng sợ, không ký HĐ lỡ ảnh đòi nhà ngang xương, nhưng em ở gần một năm rồi không có chuyện đó. Cứ đến tháng đóng tiền là xong” - người thuê căn hộ này cho biết. Sau khi xem, chúng tôi tỏ ra hài lòng về căn hộ, nhưng vẫn muốn ký HĐ và muốn gặp chủ nhà để thỏa thuận thêm.

Thấy chúng tôi còn lừng khừng, sợ mất “mối”, vài ngày sau, Trúc điện thoại cho chúng tôi báo có một căn hộ khác ở lầu ba CC Tô Hiến Thành vừa muốn cho thuê với giá 7,5 triệu đồng/tháng. Theo Trúc, căn hộ này là của một cán bộ đang làm việc tại Chi cục Kiểm lâm TP.HCM. “Nhà có đầy đủ nội thất và chủ nhà chịu ký HĐ thuê nhà” - Trúc tiếp thị.

Tôi đồng ý thuê nhưng đề nghị phải ký HĐ với chính chủ nhà. Đáp lại, Trúc cho biết: “Em sẽ cho anh xem giấy bàn giao nhà ở xã hội (NƠXH) của chủ hộ với đầy đủ họ tên, số chứng minh nhân dân, chữ ký… để khi anh ký HĐ đối chiếu xem có đúng chủ hộ không”. Sau khi thỏa thuận xong, tôi khen Trúc “mát tay” và ngỏ ý muốn tìm thêm một căn nữa cho đồng nghiệp.

Trúc (trái) và ông H. gặp người thuê nhà ở một quán cà phê

Thấy “ngon ăn”, vài ngày sau, Trúc gọi điện báo cho chúng tôi có một căn hộ khác ở lầu sáu, chủ nhà đang muốn cho thuê. Trong vai nhân viên của một công ty nhà nước trên địa bàn TP.HCM, ngày 26/8, một phóng viên khác của Báo Phụ Nữ đến gặp Trúc tại CC Tô Hiến Thành. Tại đây, Trúc giới thiệu phóng viên gặp nhân viên tên Tuấn. Vừa gặp Tuấn, phóng viên nói đang có nhu cầu thuê nhà rất gấp. Lập tức, Tuấn cắt ngang: “Ở đây là NƠXH, Nhà nước không cho thuê. Nên có ai hỏi thì nói người quen giữ nhà giùm chứ đừng nói ở thuê”.

Sau đó, Tuấn đưa chúng tôi vào xem căn hộ 607. Theo Tuấn, căn hộ này là của một cán bộ đang làm việc ở Sở Xây dựng TP.HCM. Xem sơ qua, tôi khen nhà đẹp, giá tốt, hẹn hai ngày sau ký HĐ với điều kiện phải xem giấy bàn giao nhà để đảm bảo ký với chính chủ nhà. Tuấn đồng ý đáp ứng các điều kiện.

Chủ nhà, nhân viên quản lý "hiệp đồng" tác chiến

Khoảng 13g ngày 25/8, chúng tôi quay lại CC Tô Hiến Thành. Trúc dẫn chúng tôi đến gặp chủ căn hộ 1309 để bàn việc ký HĐ. Cuộc gặp không diễn ra trong CC mà tại một quán cà phê trong con hẻm bên hông CC Tô Hiến Thành. Một người đàn ông ngồi chờ từ trước trong quán cà phê giới thiệu tên H., đang làm việc tại Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội (thuộc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM). Vừa gặp tôi, ông H. nói ngay: “Theo quy định, NƠXH không được cho thuê, nên tôi không ký HĐ. Những người thuê trước cũng thế, anh cứ dọn vào ở. Mình có tiêu chuẩn thì lấy thôi, chứ nhà thì đã có ở Q.Bình Thạnh”.

Thấy chúng tôi lo ngại, ông H. trấn an: “Anh cứ yên tâm dọn vào ở, tôi không lấy lại nhà đâu, cũng không tăng giá nhà giữa chừng”. Theo ông H., phải vài năm nữa ông mới có nhu cầu chuyển đến CC Tô Hiến Thành ở. Thực tế, hiện ông chưa phải là chủ sở hữu căn hộ này mà chỉ thuê mua thôi. Theo đó, ông chỉ mới đóng 20% giá trị căn hộ, còn lại trả góp hàng tháng trong vòng 10 năm. Do đó, ông không thể ký HĐ với người thuê nhà.

Để chúng tôi yên tâm, Trúc khẳng định: “Nếu anh thuê, kể từ tháng Chín, người ở căn hộ sẽ là tên anh. Em thuộc ban quản lý CC nên anh cứ đóng tiền nhà cho em. Em chuyển cho anh H. Em đảm bảo không có chuyện lừa đảo ở đây”. Theo Trúc, cô là người đại diện cho những chủ hộ để gặp khách thuê. Tất cả các quảng cáo cho thuê hay nhận tiền thuê hàng tháng đều do cô thực hiện một cách bảo mật để “bảo đảm thông tin” cho chủ nhà.

Trong khi đó, theo ông H., để có một suất CC ở đây không phải dễ. Bên cạnh đó, HĐ thuê mua còn ràng buộc trong ba tháng liên tục nếu chủ nhà không đóng tiền nhà và sử dụng không đúng mục đích sẽ bị thu hồi. Đó là lý do ông không bao giờ ký HĐ cho thuê.

Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi: “Nếu có đoàn kiểm tra đến thì sao?”, ông H. mách nước: “Anh cứ nói người nhà của anh H. và bảo tôi đi công tác, rồi điện thoại tôi chạy về ngay”. Ngồi cạnh chúng tôi, Trúc tiếp lời: “Vì đây là NƠXH nên chủ hộ thường không ký HĐ khi cho thuê. Anh cứ yên tâm vào ở, CC này rất văn minh, an ninh vì toàn công chức ở. Đồng thời, đây là CC kiểu mẫu của TP”.

Riêng về việc kiểm tra, theo Trúc, thông thường vào khoảng ngày 26 hàng tháng, đoàn kiểm tra của Sở Xây dựng sẽ đến CC kiểm tra các vấn đề đảm bảo an toàn và mục đích sử dụng từng căn hộ. Do đó, việc chọn lựa khách thuê rất kỹ lưỡng. "Vì anh làm ở công ty nhà nước, lại chỉ có hai vợ chồng và con nhỏ rất giống gia đình công chức nên mới cho anh thuê".

Nghe Trúc nói, ông H. đề nghị: “Ngoài bảy triệu tiền nhà, anh cho thêm 500.000đ để bồi dưỡng cho Trúc, vì có công môi giới”. Tuy nhiên, lấy lý do không được ký HĐ thuê nhà, chúng tôi từ chối thuê căn hộ này. Theo tìm hiểu của chúng tôi, người đàn ông tự giới thiệu tên H. có tên đầy đủ Lê V.H. là chuyên viên của Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TP.HCM.

Sau khi từ chối thuê căn hộ đầu tiên, ngày hôm sau, Trúc hẹn chúng tôi đến xem căn hộ thứ hai mang số 308. Khoảng 16g30 ngày 26/8, chúng tôi có mặt tại CC Tô Hiến Thành. Trúc mở một cuốn sổ ra cho chúng tôi xem biên bản bàn giao nhà cho ông Hà T.D. và ghi lại cho chúng tôi số chứng minh nhân dân. Sau đó, Trúc đề nghị một nhân viên khác của CC dẫn tôi lên xem căn hộ. Căn hộ được trang trí khá bắt mắt với đầy đủ nội thất: tủ, kệ, bếp… Trong phòng ngủ không có giường hay nệm nhưng có tủ quần áo, gối, mùng, mền. Trong nhà vệ sinh có dầu gội, xà bông và máy nước nóng. Bếp chất đầy dầu ăn, mắm, muối, nước tương, nước mắm cho đến nồi cơm điện, ấm nấu nước.

Tuy nhiên, toàn bộ căn hộ còn mới tinh, cho thấy căn hộ không có người ở thường xuyên. Tôi tỏ vẻ ưng ý và cho biết vài ngày sau sẽ sắp xếp gặp chủ nhà ký HĐ. Trước khi tôi ra về, Trúc không quên dặn đi dặn lại: “Sau khi ký HĐ với anh T.D., bọn em sẽ giao chìa khóa nhà cho anh. Tuy nhiên, trước khi dọn nhà, anh đừng nói với ai về việc thuê nhà ở đây, kể cả với mấy anh giữ xe”. Theo tìm hiểu của chúng tôi, chủ căn hộ trên là ông Hà T.D., cán bộ Chi cục Kiểm lâm TP.HCM (thuộc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP.HCM).

Một ngày sau, Trúc điện thoại cho biết đã hẹn được với chủ căn hộ số 607 để ký HĐ. Khoảng 15g ngày 27/8, chúng tôi tiếp tục có mặt tại CC Tô Hiến Thành. Một phụ nữ được giới thiệu tên T., đang làm việc ở Sở Xây dựng. T. cho biết: “Tôi sống cùng gia đình chồng ở Q.12, TP.HCM. Do đang có con nhỏ cần người chăm sóc, chưa tiện dọn đến CC nên cho thuê”.

Giống như những trường hợp trên, T. bày cách ứng phó cơ quan kiểm tra là có ai hỏi thì nói người nhà của T. Đồng thời T. đề nghị, vào những thời điểm đoàn kiểm tra “làm gắt”, T. sẽ thông báo trước một tháng cho chúng tôi dọn ra ngoài ở tạm. Tháng đó, T. sẽ trả lại tiền thuê nhà và hỗ trợ tiền di chuyển. Thấy chúng tôi tỏ vẻ lo ngại. T. trấn an: “Nói vậy thôi chứ không sao đâu, cứ nói người nhà chị T. là được”.

Tôi đồng ý ký HĐ. T. mừng ra mặt, lấy HĐ ra ký kết. Tôi giao bảy triệu đồng. T. nhận tiền, giao chìa khóa nhà cho tôi. HĐ ký kết xong, lập thành hai bản, mỗi bên giữ một bản. Theo tìm hiểu của chúng tôi, chủ căn hộ 607 là bà Trần T.T.T., cán bộ Sở Xây dựng TP.HCM.

Theo hai nhân viên Tuấn và Trúc, hiện CC này có khoảng hơn chục căn hộ đang cho thuê. Ngoài những căn đang cho thuê, nhiều căn hộ hiện người đang ở cũng không phải chủ.

Hợp đồng thuê nhà và chìa khóa căn hộ 607

Cấm mua bán, cho thuê nhà ở xã hội

Theo quyết định 86/2008/QĐ của UBND TP.HCM về quản lý và sử dụng NƠXH trên địa bàn TP.HCM, NƠXH là nhà do Nhà nước hoặc tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng theo cơ chế, chính sách ưu đãi dành riêng cho NƠXH, dùng để bố trí cho các đối tượng là: cán bộ công chức, viên chức, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ, công nhân… đang có nhu cầu bức thiết về nhà ở.

Trong đó, CC Tô Hiến Thành được xây dựng trên đất công. Nguồn vốn xây dựng của Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn. Tức là, có một phần nguồn vốn của Nhà nước. Vì vậy, đối tượng được tham gia mua NƠXH được xét chọn rất nghiêm ngặt.

Trong đó, tiêu chí ưu tiên hàng đầu là có nhu cầu bức thiết về chỗ ở: chưa có nhà ở, mới lập gia đình, diện tích nhà ở bình quân quá thấp; có thành tích xuất sắc trong lao động; được Nhà nước phong tặng huân, huy chương hoặc các danh hiệu cao quý khác; là chuyên viên cao cấp hoặc giữ chức vụ chủ chốt tại đơn vị công tác; là cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học trở lên; công nhân có tay nghề từ bậc năm trở lên…

Do đó, người thuê, thuê mua NƠXH không được tự ý bán hoặc chuyển quyền thuê cho người khác mà không được sự đồng ý bằng văn bản của Sở Xây dựng. Trường hợp vi phạm sẽ bị thu hồi NƠXH.

PV (Phụ Nữ TP.HCM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.