CafeLand - Một vụ xô xát giữa các nhân viên an ninh Siêu thị Big C Đà Nẵng và các bảo vệ của công ty cổ phần Đức Mạnh (DCM - Đà Nẵng) đã xảy ra vào chiều qua 07/7/2016 tại Vĩnh Trung Plaza, cuốn hút hàng trăm người dân hiếu kỳ, làm nghẽn một đoạn dài tuyến đường Hùng Vương (Đà Nẵng).

Đồng thời, hàng chục hộ dân đang thuê mặt bằng kinh doanh trong Siêu thị Big C Đà Nẵng cũng ra đường, căng băng rôn có nội dung kiến nghị Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng nhanh chóng can thiệp vụ việc, để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho họ.

Tranh chấp mặt bằng!

Nguyên nhân sự vụ được phía Big C cho hay, là do mâu thuẫn về việc duy trì hợp đồng cho thuê mặt bằng siêu thị này, giữa Big C với chủ công trình, là công ty Đức Mạnh.

Theo Big C, hợp đồng này đã ký từ năm 2006, với thời hạn thuê mặt bằng 40 năm, và đã kéo dài 10 năm qua, liên tục, không hề có bất kỳ sự trục trặc, gián đoạn nào.

Tuy nhiên, ngày 26/11/2015, phía DMC đã gửi thông báo chấm dứt hợp đồng thuê cho Big C Đà Nẵng, yêu cầu trả lại khu vực thuê muộn nhất vào ngày 31/12/2015.

Big C bác bỏ đề nghị này vì cho đây là quyết định trái pháp luật, không hợp lý khi gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của Siêu thị.

Hai bên qua đó đã nảy sinh những va chạm bất đồng, dẫn đến việc Big C có đơn khởi kiện lên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), đề nghị phán quyết DMC không có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê; phải tiếp tục chấp nhận hiệu lực của hợp đồng; cũng như phải tôn trọng các quyền và lợi ích liên quan của Big C.

Trong khi chờ đợi phán quyết của VIAC, theo yêu cầu của Big C, tòa án Đà Nẵng cũng có văn bản yêu cầu DMC cùng Big C hợp tác áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời, không được đặt rào chắn, phong tỏa mặt bằng và các hành động tương tự khác làm ảnh hưởng đến quyền lợi của nhau.

Đại diện Big C khẳng định, dù đã có các văn bản yêu cầu dừng các hành vi xâm phạm quyền lợi, nhưng liên tục trong thời gian qua, DMC đã có nhiều lần cho người cản trở hoạt động của Big C, như phong tỏa lối xe nhập hàng, đặt rào chắn trên lối đi khách hàng. Thậm chí gần đây, hệ thống cấp nước vào siêu thị còn bị cắt, hệ thống toilet bị khóa... làm phiền hà nhiều khách hàng ở Big C. Đơn cử các khán giả đến với hệ thống rạp CGV tại đây đã bị khó khăn khi không có nước cho khu vực vệ sinh...

Đỉnh điểm xung đột đã xảy ra trong ngày 07/7/2016, khi DMC có văn bản thông báo cho các đơn vị thuê mặt bằng tại BigC về việc thu hồi mặt bằng cho thuê, làm nhiều đối tác BigC hoang mang. Sau đó, nhân viên bảo vệ DMC còn đặt rào chắn ngay lối vào siêu thị, dẫn đến tranh cãi và xô xát.

DMC đã làm sai?

Trong chiều qua 07/7/2016, ông Hồ Kỳ Minh, Phó chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng đã đến hiện trường tranh chấp của 2 đơn vị, xem xét và yêu cầu đại diện phía Tòa án làm việc lại với lãnh đạo DMC và Big C, định rõ phần trách nhiệm của mỗi bên trong sự việc.

Sáng nay 08/7/2016, các bên đã họp kín, xem xét tình hình chấp hành các yêu cầu từ Tòa án về việc tuân thủ các biện pháp tạm thời trong khi chờ phán quyết của Trọng tài.

Theo đại diện Big C, phía DMC đã hoàn toàn sai khi cố tình không tuân thủ những yêu cầu từ đại diện pháp luật, vẫn cố tình gây ra sự cố cản trở hoạt động của siêu thị này. Ngoài ra, DMC còn phải chịu trách nhiệm về những thông tin sai lệch khi thông báo thu hồi mặt bằng cho thuê với các đối tác của Big C, làm thiệt hại trực tiếp đến uy tín và kinh doanh của đơn vị.

Nhìn nhận vụ việc này, luật sư Nguyễn Thiên Thanh (Văn phòng luật sư Nguyễn Thiên Thanh, Đà Nẵng) cho rằng, hành động của DMC là vội vàng, khi đơn phương muốn chấm dứt hợp đồng nhưng không thương thảo với đối tác. Theo nguyên tắc, việc chấm dứt hợp đồng phải có sự thỏa ước giữa đôi bên, nếu đối tác vẫn có nguyện vọng thuê tiếp, DMC phải ưu tiên, chỉ có thể điều chỉnh giá theo thỏa thuận. Một khi DMC chỉ nhất định yêu cầu đối tác tuân thủ ý mình, là vi phạm hợp đồng và buộc phải bồi thường.

“Mức bồi thường không rẻ, nên nếu phía DMC muốn chấm dứt hợp đồng, nên có sự cân nhắc cẩn thận”. Luật sư Thanh nhấn mạnh.

Ngoài ra, do DMC tự ý tiến hành một số vụ việc gây cản trở hoạt động kinh doanh ở Big C, xét theo luật thương mại, đơn vị này sẽ có thể bị Big C kiện và buộc bồi thường kinh tế. Big C có thể căn cứ vào doanh thu kinh doanh bị ảnh hưởng, các tổn thất tâm lý từ khách hàng, người lao động của doanh nghiệp, và các ảnh hưởng vật chất khác khi phải xử lý ách tắc mà DMC gây ra, để yêu cầu một mức bồi thường thỏa đáng.

Ngoài ra, tòa án còn có thể căn cứ hành động không tuân thủ văn bản yêu cầu áp dụng các biện pháp cấp thiết trong khi chờ phán quyết từ Trọng tài, để xử phạt phía vi phạm, là công ty Đức Mạnh.

Theo dư luận, sở dĩ DMC “gây hấn” và đòi chấm dứt hợp đồng với Big C Đà Nẵng, là do có đối tác mới, thương lượng thuê mặt bằng với giá tốt hơn. Đồng thời, một đối tác khác cùng đầu tư vào Vĩnh Trung Plaza cũng nhận thấy có nhiều bất lợi khi Siêu thị Big C hoạt động tại đây. Song rõ ràng, để đạt được các mục đích này, DMC đi đến tranh chấp cùng Big C, thật sự là nước cờ sai. CafeLand sẽ tiếp tục phản ánh câu chuyện này.

Nhạc Duy Hạ
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.