Những điểm bất ổn trên thị trường BĐS, đặc biệt là phân khúc cao cấp đang dần được giải quyết khi khách hàng kiên quyết đòi quyền lợi, thậm chí chấp nhận phân chia thắng thua tại tòa án. Theo các chuyên gia địa ốc, đây là tín hiệu đáng mừng chứng tỏ BĐS đang tự tìm ra bệnh để chữa lành.

Khi khách hàng được là thượng đế

Sau hơn 1 năm tranh chấp, thương thảo, mới đây khách hàng và chủ đầu tư dự án Splendora đã chính thức đưa nhau ra tòa án. Theo đơn kiện được gửi đến Tòa án Nhân dân huyện Hoài Đức, khách hàng yêu cầu An Khánh JVC phải thực hiện đúng hợp đồng mua bán, phải gửi thông báo hoàn tất phần thô của căn nhà và thông báo thời điểm bàn giao phần thô của căn nhà; yêu cầu An Khánh JVC bàn giao phần thô của căn nhà; đề nghị Tòa án Nhân dân huyện Hoài Đức tuyên hủy thông báo nộp tiền đợt 2 và thông báo chậm thanh toán khoản tiền đợt 2.

Vụ việc này đã tạo được sự chú ý của dư luận không chỉ bởi Splendora từng là “ngôi sao” trên thị trường BĐS Hà Nội với slogan nổi tiếng “Nơi ước đến, chốn mong về”, mà vì vụ kiện tụng này có thể kéo dài 3-5 năm bởi có đến 18 khách hàng gửi đơn kiện chủ đầu tư An Khánh JVC.

Dù phần lợi đang nghiêng về chủ đầu tư khi tòa án xử khách hàng thua kiện trong những vụ kiện gần đây, nhưng doanh nghiệp này vẫn đứng trước nguy cơ tiếp tục hầu tòa, chưa kể những khách hàng thua kiện có thể kháng cáo lên tòa án cấp cao hơn.

Một dự án khác tại Hà Nội cũng đang bị cư dân lên tiếng mạnh mẽ là tổ hợp chung cư cao cấp Hancorp Plaza do Tổng công ty Xây dựng Hà Nội làm chủ đầu tư. Các cư dân tại dự án này yêu cầu phân xử rõ ràng tranh chấp tầng hầm, sân chung, đồng thời đòi chủ đầu tư bồi thường 140 tỷ đồng do chậm bàn giao nhà.

Theo hợp đồng mua bán căn hộ giữa 2 bên, thời hạn bàn giao vào quý II-2011, nếu chậm Hancorp phải đền bù cho khách hàng theo lãi suất tiền gửi tiết kiệm. Đến nay đã quá thời hạn 2 năm chủ đầu tư vẫn chưa làm thủ tục bàn giao.

Chung số phận với Splendora và Hancorp Plaza, một dự án cao cấp đình đám khác là Richland Southern (Cầu Giấy) do CTCP Đầu tư và xây dựng Lâm Viên làm chủ đầu tư cũng đang bị khách hàng tố cáo ăn gian diện tích.

Theo đó, ngoài những lùm xùm quanh cách tính giá bán, chủ đầu tư còn ăn gian của khách hàng hơn 100m2 diện tích xây dựng, khi kết quả xác nhận thực tế diện tích sàn xây dựng trên 72,7m2 đất nền cho 3 tầng và mái là 247,7m2 và diện tích sàn sử dụng 205,5m2, trong khi theo hợp đồng mua bán diện tích xây dựng tạm tính là 350,7m2.

Trang mới cho thị trường?

Thực tế, tranh chấp giữa chủ đầu tư và khách hàng trên thị trường BĐS không mới, nhưng việc hàng loạt chung cư cao cấp với giá bán trên trời đồng loạt “lâm bệnh”, bị khách hàng đấu tranh, đã trở thành tín hiệu cho thấy thị trường BĐS đang dần đi đến giai đoạn cuối của chu kỳ khủng hoảng, khi những tranh chấp tại các dự án được xây dựng vào thời điểm thị trường sốt nóng dần được giải quyết đúng sai rõ ràng.

Theo các chuyên gia, những vấn đề của dự án mà chủ đầu tư bỏ qua khi chạy theo thị trường sốt nóng, lợi nhuận cao đang ngày càng lộ rõ. Và để đòi lại quyền lợi một cách dứt điểm, khách hàng hoàn toàn có thể tính đến phương án khởi kiện ra tòa.

Tổ hợp chung cư của dự án Splendora.

Đồng tình với quan điểm trên, nhiều chuyên gia khác cũng cho rằng điểm bất ổn nhất trên thị trường BĐS chính là phân khúc cao cấp. Và khi phân khúc này “phát bệnh”, khách hàng không còn đồng hành, bắt buộc chủ đầu tư phải xem xét lại, hướng đến những cái nhìn thực chất hơn, thậm chí phải đền bù, hay chấp nhận bán lỗ, bán tháo theo quy luật thị trường, đó cũng là khi thị trường BĐS bắt đầu chờ đợi vào sự hồi phục.

Theo đó, các vụ tranh chấp, kiện tụng sẽ chưa dừng tại đây và đó là tín hiệu tốt. Qua giai đoạn này, những ai quan tâm đến thị trường BĐS, cũng như những người có nhu cầu mua nhà hoàn toàn có quyền hy vọng về một giai đoạn mới tốt đẹp hơn của thị trường BĐS.

“Khách hàng ngày càng có vai trò cao hơn, họ có tài chính và được chủ động lựa chọn dự án mà mình tin tưởng. Bởi vậy, thay vì âm thầm chịu đựng như trước kia, họ biết mạnh dạn đứng lên để đòi hỏi sự công bằng cho chính bản thân mình” - GS. Đặng Hùng Võ nói.

Khôi Nguyên (Sài Gòn đầu tư tài chính)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.