CafeLand – Bỏ ra hàng tỷ đồng mua căn hộ với ước muốn an cư thế nhưng rất nhiều cư dân đang khóc mếu vì tình trạng tranh chấp liên tiếp diễn ra tại các chung cư. Những cuộc tranh chấp liên quan đến phí bảo trì, diện tích sở hữu chung riêng cứ kéo dài âm ỉ không có hồi kết.

Hình ảnh vụ xô xát mới đây tại chung cư Era Town.

Tranh chấp chung cư không phải là đề tài mới nhưng nó cũng không bao giờ cũ bởi luôn bùng nổ liên tiếp tại nhiều chung cư. Những cuộc tranh chấp kéo dài không chỉ làm đảo lộn cuộc sống của cư dân mà còn uy hiếp đến sự an toàn của họ. Tranh chấp chung cư có muôn hình vạn trạng nhưng nổi trội hơn cả là tranh chấp liên quan tới khoản phí bảo trì.

Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Cục phó Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản Việt Nam cho biết, Nghị định 99 vừa được Chính phủ ban hành đã quy định rất chặt chẽ về quản lý phí bảo trì chung cư. Theo đó, chủ đầu tư phải thành lập một tài khoản riêng để chuyển khoản tiền 2% phí bảo trì vào đó, đây là tài khoản phong tỏa, bỏ vào không được rút ra, cho đến khi có ban quản trị chung cư thì chuyển giao lại cho đơn vị này quản lý. Chính quyền có trách nhiệm cưỡng chế nếu chủ đầu tư không chịu bàn giao khoản phí bảo trì theo quy định. Trong hợp đồng mua bán nhà chủ đầu tư phải nêu rõ số tài khoản, ngân hàng nơi mở tài khoản để khách hàng biết. “Nếu như trước đây, người mua nhà nộp trực tiếp khoản tiền 2% phí bảo trì cho chủ đầu tư, sau đó thì không thể biết chủ đầu tư làm gì với số tiền đó thì bây giờ họ có thể trực tiếp chuyển 2% vào tài khoản hoặc nhờ chủ đầu tư chuyển giùm, nhưng vẫn giám sát được khoản phí này”, ông Khởi nói.

Tuy nhiên, trên thực tế vấn đề phí bảo trì lại không hề được xử lý suôn sẻ như ông Khởi nói. Phí bảo trì trở thành nguyên nhân của hàng loạt cuộc tranh chấp tại nhiều chung cư khắp cả nước. Đã có những cuộc tranh chấp dẫn đến ẩu đả, đổ máu.

Mới đây nhất là vụ xô xát dẫn đến đổ máu tại chung cư Era Town (phường Phú Mỹ, quận 7) vào sáng 3/1. Được biết, thời điểm này rất nhiều cư dân đã diễu hành, mang băng rôn yêu cầu chủ đầu tư là Công ty Đức Khải tổ chức hội nghị nhà chung cư và bàn giao khoản phí bảo trì ước tính trên 50 tỷ cho ban quản trị. Sau đó vụ diễn hành bị biến thành xô xát khiến một số cư dân bị thương, đổ máu. Trần tình về vụ việc này, ông Phạm Ngọc Lâm, Chủ tịch HĐQT Công ty Đức Khải khẳng định chủ đầu tư không hề liên quan. Ông Lâm cho rằng, vụ xô xát xảy ra giữa các cư dân với nhau và ngoài ý muốn của chủ đầu tư. Theo ông Lâm, nguyên nhân của vụ việc là do một nhóm cư dân khoảng 10 người cố tình “gây chuyện” để đòi khoản phí bảo trì. “Về tổ chức hội nghị nhà chung cư chúng tôi đang tiến hành đúng trình tự quy định, đúng pháp luật. Khoản phí bảo lên đến 50 tỷ không thể giao cho một nhóm người có ý đồ riêng, chúng tôi sẽ có đơn tố cáo những người này vì đã vu khống, làm mất uy tín của chúng tôi”, ông Lâm quả quyết. Ông Lâm cho rằng, nếu chủ đầu tư làm sai thì không chỉ có số ít cư dân mà toàn bộ cư dân tại chung cư Era Town phải lên tiếng.

Thế nhưng, mới đây, lá đơn có chữ ký của hơn 700 cư dân Era Town gửi đến cơ quan chức năng “tố” nhiều sai phạm của chủ đầu tư cho thấy mọi chuyện không hẳn như lời của ông Lâm khẳng định. Theo các cư dân, ngoài việc chậm tổ chức hội nghị nhà chung cư, không bàn giao phí bảo trì thì chủ đầu tư Đức Khải còn có nhiều sai phạm tại chung cư Era Town như điều chỉnh diện tích một số khu sai với thiết kế ban đầu, công trình chưa nghiệm thu, phí giữ xe sai quy định… Về vụ xô xát ngày 3/1, theo nhiều cư dân khẳng định có sự tham gia của bảo vệ tại chung cư Era Town và nhóm “người lạ” chứ không phải giữa cư dân với nhau. Mới đây, Sở Xây dựng TP.HCM đã quyết định thành lập đoàn thanh tra để thanh tra toàn bộ hoạt động tại chung cư Era Town và xử lý dứt điểm tình trạng tranh chấp tại chung cư này.

Sở Xây dựng TP.HCM đã lập đoàn thanh tra xử lý tranh chấp tại chung cư Era Town.

Trước đó, vụ ẩu đả gây chấn động tại chung cư 4S Riverside (Thủ Đức) cũng có liên quan tới khoản phí bảo trì chung cư. Theo đó, chủ đầu tư TNHH Thành Trường Lộc đã xây dựng sai thiết kế một số khu vực nên buộc phải phá dỡ công trình. Tuy nhiên, do chưa đạt được thỏa thuận với cư dân nên khi chủ đầu tư đưa người vào phá dỡ thì xảy ra ẩu đả với cư dân. Nghiêm trọng hơn, nhóm người của chủ đầu tư dẫn vào sử dụng bình xịt hơi cay, búa để tấn công cư dân khiến cho một người bị thương nặng. Được biết, tranh chấp phí bảo trì, diện tích chung riêng tại chung cư này đã kéo dài suốt nhiều năm qua.

Theo thống kê của Sở Xây dựng TP.HCM, trên địa bàn có khoảng 63 dự án nhà ở xảy ra tranh chấp khiếu nại liên quan đến nhà chung cư. Trong một cuộc khảo sát gần đây, có 8/30 chung cư đang có tranh chấp về phí bảo trì, quyền sở hữu chung, riêng. Cụ thể là tranh chấp về cách xác định diện tích căn hộ, tranh chấp tầng hầm gửi xe, phòng y tế, khu sinh hoạt chung… Trong đó, nổi cộm là vụ tranh chấp chung riêng ở chung cư 584 (quận Tân Phú), chung cư Bàu Cát (Tân Bình)…

Rõ ràng, mặc dù pháp luật đã có quy định rất cụ thể thế nhưng vì nhiều nguyên nhân các cuộc tranh chấp chung cư vẫn liên tiếp diễn ra. Theo một chủ đầu tư, ngoài nguyên nhân chủ đầu tư cố tình lách luật, găm giữ phí bảo trì, hay xây dựng sai thiết kế… thì tranh chấp chung cư có phần nguyên nhân rất lớn nữa xuất phát từ cách vận hành và quản lý của ban quản trị chung cư. “Thực tế có không ít cuộc tranh chấp giữa cư dân và ban quản trị vì cách làm việc không rõ ràng và sử dụng các khoản quỹ chung của cư dân không hợp lý, không ngoại trừ có trường hợp những người trong ban quản trị có ý đồ riêng. Do đó, đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều chủ đầu tư không tin tưởng giao lại khoản phí bảo trì cho ban quản trị”, vị này nói.

Nguyễn Hùng
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.