Với quyết định giảm mặt bằng lãi suất cho vay với các hợp đồng vay cũ về dưới 15%, có vẻ như ngân hàng đã phải chấp nhận "hi sinh" một phần lợi ích của mình. Nhưng không còn cách nào khác, bởi cứ tham mà neo lãi suất cao, không gánh nợ xấu lớn thì cũng đối mặt với nguy cơ DN chết, ngân hàng cũng chết theo.

Không thể vay và không dám vay

Mặc dù lãi suất liên tiếp hạ nhưng cho vay vẫn đang rất khó khăn. Tăng trưởng tín dụng 6 tháng thấp chưa từng có, thậm chí là âm đã khiến cho những giám đốc ngân hàng trước đây vốn kín tiếng, nay cũng phải ca thán về triển vọng ngân hàng sẽ có thể chết cùng với doanh nghiệp nếu tiến độ cho vay không được cải thiện.

“Không cho vay được cái gì hết!” – ông Trần Minh Tuấn, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM đã phải thốt lên như vậy trong một cuộc họp với UBND TP.HCM.

Bất chấp hàng loạt “gói kích cầu” được các ngân hàng, từ nhóm G14 đến cả các ngân hàng trung và nhỏ tung ra suốt từ tháng 4/2012 đến nay, mới chỉ có một tỷ lệ hết sức nhỏ nhoi doanh nghiệp thực vay được vốn, trong đó đáng nói là số doanh nghiệp này đã phải thỏa mãn những điều kiện hết sức khắt khe của ngân hàng. Trong khi đó, hầu hết các doanh nghiệp nằm trong nhóm “đang cố tồn tại” và “sắp chết” đã gần như không có bất cứ cơ hội nào để bàn thảo với ngân hàng. Đó là chưa kể đến tâm trạng nhiều doanh nghiệp hiện nay không muốn vay, đơn giản là “vay không biết để làm gì”, trong bối cảnh hàng tồn kho vẫn tiếp tục chất ứ mà không có cách nào tiêu thụ được.

Cho tới nay, ngoại trừ một số ít ngân hàng như BIDV, Eximbank... đã chịu khó kích cầu cho vay từ suốt bốn tháng qua và do đó cũng đạt được phần nào kết quả, trong đó đáng kể nhất là số công bố 2.700 tỷ đồng mà Eximbank cho vay được với mức lãi suất chỉ có 7%, đa phần các ngân hàng còn lại vẫn giậm chân tại chỗ, kể cả Vietinbank hay Vietcombank. Cùng với số lượng tồn ứ về vốn là khối lượng chồng chất về dư nợ cho vay xây dựng và bất động sản lên đến 348.000 tỷ đồng, chưa kể đến khối tài sản bất động sản khổng lồ mà bản thân các ngân hàng này phải “ôm bom”.

Hiển nhiên, cú “đánh xuống” trần lãi suất huy động với biên độ đến 2% vào đầu tháng 6/2012 của Ngân hàng Nhà nước đã không thể mang lại kết quả như mong muốn.


Trên thực tế, các điều kiện cho vay của khối ngân hàng vẫn hầu như không thay đổi, xu hướng kéo giảm của lãi suất huy động chỉ có thể tác động đến tâm lý một bộ phận người gửi tiền, khiến cho một số khách hàng rút tiền để chuyển sang bất động sản. Nhưng ngược lại, mặt bằng lãi suất cho vay không thực giảm cũng khiến cả các doanh nghiệp nằm trong nhóm được khuyến khích vẫn không thể cải thiện được nhu cầu vốn của mình.

Trong khi đó, một nghịch lý đang diễn ra với xu thế ngày càng quyết liệt hơn. Thay vì trọng tâm hóa cho vay các doanh nghiệp, nhiều ngân hàng lại ồ ạt nhảy sang lĩnh vực cho vay bất động sản đối với cá nhân. Tài sản thế chấp bảo đảm và những điều kiện “siết nợ” trong tương lai cũng được đảm bảo không kém – đó là tính hấp dẫn của cơ chế cho vay mua nhà. Cũng vì thế, mặt bằng lãi suất cho vay đối với đối tượng này đã trở nên thấp một cách lạ lùng, đồng thời gây hiệu ứng kích thích cục bộ cho thị trường bất động sản ấm lại.

Vay mới: Lãi suất 10 - 12%?

Nhưng dù có giải tỏa được cơ chế cho vay để mua phân khúc nhà ở trung bình, các ngân hàng vẫn chỉ mới đạt được một mục tiêu nhỏ trong toàn bộ các mục tiêu lớn của họ. Vấn đề không chỉ nằm ở số tài sản bất động sản cần phải tiêu thụ và số nợ xấu bất động sản cần phải xử lý, mà cả với số vốn dôi dư chưa biết làm sao để cho vay.

Chẳng cần phải là những chuyên gia về ngân hàng, người dân thường cũng có thể dễ dàng tính toán: với mức lãi suất cho vay 17-19%, ngân hàng đã có được biên độ lãi từ 5-7%, nếu thực huy động cao nhất 12%. Đó là chưa kể đến việc một số ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước cho vay tái cấp vốn với mức lãi suất ưu đãi hơn hẳn, tức dưới 10%. Như vậy, cho dù mặt bằng lãi suất cho vay tại các ngân hàng này có giảm về 15%, biên độ thực dương của họ vẫn là 3-5%, trong khi chỉ cần 2% là họ đủ tồn tại một cách khỏe mạnh.

Không còn cách nào khác, chính các ngân hàng không phải chỉ mở hầu bao, mà quan trọng hơn là thái độ mở hầu bao như thế nào. Sau chiến dịch kéo giảm trần lãi suất huy động không thành công, con bài còn lại của Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại cổ phần chỉ là áp trần lãi suất cho vay, và làm sao tạo tâm lý ổn định cho khách hàng vay về việc mặt bằng lãi suất cho vay không những ổn định mà còn có xu hướng giảm tiếp trong thời gian tới, ít nhất trong nửa cuối năm 2012 này.

Cơ chế kéo giảm lãi suất cho vay về dưới 15% đối với các hợp đồng cũ có lẽ cũng chính là việc áp trần lãi suất cho vay. Chỉ có điều, cơ chế này không được thể hiện bằng một cơ chế mệnh lệnh hành chính mà xét đến “hoàn cảnh chung” của các ngân hàng. Trừ vài ba ngân hàng nhỏ và vài ba ngân hàng đang nằm trong diện “tái cấu trúc”, đa số ngân hàng còn lại đều tỏ vẻ có thể đáp ứng được cơ chế áp trần lãi suất cho vay mà không cần đến chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.

15/7/2012 sẽ là thời điểm mà ngành ngân hàng tiến hành đồng loạt giảm lãi suất cho vay đối với các hợp đồng cũ. Chắc chắn động thái này sẽ mang lại sự khởi sắc một phần cho thị trường vay vốn tín dụng. Tuy nhiên điều đó có kích thích mạnh được các doanh nghiệp hay không lại còn tùy thuộc vào thái độ chân thành và thiện chí của chính ngân hàng.

Thời gian không còn nhiều cho các ngân hàng cân đong đo đếm thiệt hơn. Bài toán nóng hổi đối với họ là phải tiếp cận doanh nghiệp càng sớm càng tốt. Vì thế, 15% vẫn có thể chỉ là một cơ chế chốt chặn ở phía trên, trong khi thực tế có thể sẽ chứng kiến những mức lãi suất cho vay thấp hơn hẳn con số đó.

Bằng phép tính nhẩm thông thường, nếu lãi suất cho vay đối với hợp đồng cũ là 14-15%, thì lãi suất cho vay đối với các hợp đồng mới sẽ phải thấp hơn – khoảng 11-12%. Chỉ có như vậy khách hàng cá nhân và doanh nghiệp mới đủ can đảm để thương thảo với ngân hàng.

Theo VEF
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.