Đến nay cả nước có 755 đô thị, đến năm 2025 dự kiến sẽ tăng lên 870 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa đạt 38%. Hệ thống đô thị phát triển mạnh về số lượng nhưng lại yếu về chất lượng. Việc đầu tư triển khai các dự án phát triển đô thị lại tràn lan, chưa theo quy hoạch, kế hoạch, thiếu kiểm soát. Điều ngạc nhiên là hiện có khoảng 20 luật liên quan đến quy hoạch đô thị, xây dựng, đất đai, nhà ở song lại thiếu một luật quan trọng trùm lên mọi luật, đó là Luật Đô thị.
Những thách thức đối với công tác quản lý phát triển đô thị cũng như hàng loạt những bất cập nảy sinh trong quá trình đô thị hóa, đòi hỏi phải sớm cho ra đời Luật Đô thị. Bởi vậy Bộ Xây dựng vừa tổ chức hội thảo tham vấn quốc tế về dự thảo Luật Đô thị. Mặc dù chịu sự giám sát của Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Nhà ở… song sự phát triển của các đô thị, nhất là ở Hà Nội, TP.HCM, lại thiếu hẳn một luật được ví như cây đũa chỉ huy của nhạc trưởng điều khiển, phối hợp hài hòa toàn bộ các hoạt động trong “dàn nhạc” đô thị hóa, vốn hết sức phức tạp, chồng chéo.

Phó Cục trưởng Cục Đô thị (Bộ Xây dựng) nhận xét, hàng chục luật, hàng chồng văn bản pháp quy vẫn không đủ mạnh về pháp lý để có thể tháo gỡ đồng bộ về quản lý đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, giao thông, nhà ở. Chúng ta đang thiếu những quy định kiểm soát chặt chẽ, thanh tra, kiểm tra và xử phạt nghiêm minh. Đặc biệt các luật về quản lý hành chính chưa rõ ràng về quản lý đô thị và quản lý nông thôn. Cấp quản lý hành chính chưa phù hợp với quy hoạch đô thị, với quy mô và tốc độ đô thị hóa. Cái thiếu lớn nhất là thiếu một hành lang pháp lý đủ mạnh để kiểm soát quá trình phát triển quá nhanh của đô thị.


Thành phố Đà Nẵng đã từng đề xuất được đổi tên UBND thành ủy ban hành chính cùng với chức danh thị trưởng thay vì Chủ tịch UBND, cũng chính là xuất phát từ sự bất cập trong công tác quản lý đô thị. Cố vấn cao cấp của tổ chức JICA, Nhật Bản đã chỉ ra ba hạn chế trong quy hoạch và phát triển đô thị tại Việt Nam. Đó là điều chỉnh quy hoạch quá nhiều lần, việc lập các quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết thường “đuổi theo” quá trình phát triển đô thị mà không kịp. Hai là tình trạng mở mang đô thị một cách lộn xộn, tùy hứng và thứ ba là thiếu giải pháp căn cơ lâu dài để tái thiết khu đô thị cũ.


Ở Hà Nội và TP.HCM sự chậm trễ, lúng túng trong việc bảo tồn, giữ gìn những khu phố cổ, các công trình kiến trúc mang đậm tính lịch sử, cũng như cải tạo nâng cấp các chung cư cũ. Các chuyên gia ngân hàng thế giới, Đại học Hambolt, Berlin khuyến cáo, Việt Nam cần lựa chọn chính xác, đúng đắn, hợp lý mà cốt lõi là phải đảm bảo quá trình đô thị hóa sẽ tạo động lực tăng trưởng GDP, giảm đói nghèo và tạo công bằng cho mọi cư dân đô thị. Chính sự phát triển đô thị lộn xộn do thiếu Luật Đô thị, đã để lại những hậu quả ngay trước mắt như ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, gây áp lực quá tải lên mọi lĩnh vực. Một trong những áp lực đáng lo ngại không chỉ trong khu vực đô thị lõi mà còn đang lan rộng ra vùng ven đô. Áp lực nặng nề giữa hai xu thế phát triển và bảo tồn, giữa lợi ích kinh tế và nhu cầu bảo vệ các giá trị văn hóa, lịch sử, truyền thống và bảo vệ môi trường. Không gian đô thị luôn đan xen giữa đô thị và nông thôn theo kiểu “xôi đỗ”, trong đó tính gắn bó truyền thống giữa đô thị - nông thôn đang bị phá vỡ. Sự giằng co giữa hai lối sống nông thôn và đô thị ngày càng quyết liệt, nên giữ lại cái gì bỏ đi cái gì và phát triển cái gì là bài toán không dễ tìm ra lời giải cho các nhà quản lý đô thị.


Sự “lệch pha” giữa quy hoạch đô thị và quản lý đô thị với những gì đang diễn ra, chính là cái giá phải trả cho quá trình đô thị hóa ở nước ta. Ngay cả khi Luật Đô thị được Quốc hội thông qua và đi vào cuộc sống, bộ mặt đô thị cũng chưa thể trở nên đàng hoàng, to đẹp như mong muốn.

Theo ANTĐ
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.