"Tới nay chưa có bộ ngành nào bàn giao lại "đất vàng" cho thành phố" - ông Phan Đăng Long - Phó Ban tuyên giáo Thành ủy HN.

Bộ Tài chính vừa trình Thủ tướng Dự thảo Chỉ thị về việc tăng cường công tác quản lý các trụ sở, công sở. Theo đó, chỉ thị này quy định các đơn vị, bộ ngành khi được đầu tư xây dựng trụ sở mới, phải trả lại trụ sở cũ cho nhà nước.

Ông Nguyễn Tân Thịnh - Phó Cục trưởng Cục quản lý Công sản (Bộ Tài chính) cho biết, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đang phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương rà soát lại danh sách các đơn vị đã được xây dựng trụ sở mới nhưng chưa chịu bàn giao trụ sở cũ để báo cáo Thủ tướng.

Trụ sở của Bộ GTVT nằm trên vị trí đắc địa

"Thực tế không phải bộ, ngành nào được xây dựng trụ sở mới cũng dư thừa diện tích. Có trường hợp phải xây dựng mới vì diện tích trụ sở cũ còn thiếu, phải xây dựng thêm. Có trường hợp xây dựng trụ sở mới để tập trung các cơ quan, đơn vị vào một địa điểm nhằm sử dụng hiệu quả quỹ đất, các trụ sở dôi dư phải bán đấu giá để tạo nguồn vốn đầu tư xây dựng trụ sở mới. Việc xác định khi có trụ sở mới thì có thừa ra trụ sở cũ hay không và lý do chưa bàn giao phải căn cứ vào từng dự án và trường hợp cụ thể", ông Thịnh cho biết.

Theo nhận định của ông Thịnh, tình trạng các bộ ngành có trụ sở mới rồi nhưng chưa bàn giao trụ sở cũ không phải là phổ biến vì các đơn vị được xây dựng mới trụ sở để thay thế cho trụ sở cũ thời gian vừa rồi không nhiều. Thực tế hiện nay, nhiều cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp ở cả trung ương và địa phương vẫn đang phải đi thuê trụ sở làm việc.

Mặc dù vậy, ông Thịnh khẳng định, "trụ sở của các cơ quan nhà nước là tài sản nhà nước. Việc quản lý, sử dụng đối với tài sản này phải tuân theo Luật quản lý, sử dụng TSNN".

Việc này được diễn ra trong bối cảnh Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013 vừa có hiệu lực thi hành, nhằm sắp xếp lại, bố trí việc sử dụng trụ sở làm việc sao cho có hiệu quả, tạo quỹ nhà, đất để bố trí cho các cơ quan, đơn vị mới thành lập nhưng chưa có trụ sở hoặc đã có trụ sở nhưng còn thiếu diện tích so với tiêu chuẩn, định mức ở mức làm ảnh hưởng tới việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.

Ông Thịnh hi vọng, khi có quy định mới chắc chắn các Bộ ngành sẽ nghiêm túc thực hiện.

Về phía Hà Nội, vẫn đang đứng trước tình trạng áp lực giao thông vô cùng lớn. Ùn tắc, quá tải vẫn chưa được giải quyết triệt để thì hàng loạt bệnh viện, trường học, trụ sở chậm di dời khỏi thành phố, nếu không muốn nói là chây ì gây khó khăn cho thành phố.

Một số đơn vị bộ ngành, bệnh viện, trường học đã được đầu tư xây dựng bên ngoài khu trung tâm nhưng lại vẫn mở rộng các cơ sở bên trong nội thành. Thực hiện theo chủ trương của Chính phủ, các bộ ngành phải di dời khỏi trung tâm thành phố, thành phố có trách nhiệm giới thiệu quỹ đất mới cho các bộ ngành.

Trái ngược với nhận định của Bộ Tài chính, ông Phan Đăng Long - Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy bức xúc: "Tới nay, hầu hết các bộ ngành đều có trụ sở mới nhưng theo quan sát của tôi tới thời điểm này chưa có bộ ngành nào bàn giao lại "đất vàng" cho thành phố".

Ông Long cho biết, các lý do chưa đủ điều kiện để ở lại, thậm chí còn bố chí các đơn vị của mình, cho thuê để nhôi nhai, chây ì không trả lại là việc làm trái với quy định của pháp luật.

"Điều đó thể hiện bản thân các lãnh đạo bộ ngành không nghiêm túc, coi thường các quy định của Chính phủ. Đó là việc làm đáng chê trách, là gương xấu cho người dân", ông Long nói.

Theo chủ trương của Chính phủ, mới đây, Bộ Xây dựng vừa báo cáo Thủ tướng về tiến độ quy hoạch trụ sở các bộ, ngành Trung ương tại Hà Nội đến năm 2030.

Theo Bộ Xây dựng, sau khi Chính phủ có chủ trương di dời trụ sở bộ ngành, trong thời gian 5 năm, đã có 5 Bộ: Công an, Ngoại giao, Tài nguyên và môi trường, Khoa học công nghệ, Nội vụ, 1 cơ quan thuộc Chính phủ (Thanh tra Chính phủ) đã thực hiện đầu tư xây dựng trụ sở ra bên ngoài các quận nội thành, tập trung chủ yếu ở xung quanh tuyến vành đai 3.

Hiện tại, một số bộ ngành đang tiếp tục xin chủ trương đầu tư xây dựng trụ sở làm việc, nhưng gặp khó khăn về xác định địa điểm, công tác giải phóng mặt bằng và bố trí nguồn vốn để thực hiện đầu tư xây dựng.

Sau khi rà soát, đánh giá về vị trí, đất đai, cơ sở vật chất và hạ tầng hỗ trợ cũng như hiện trạng trụ sở làm việc của 36 cơ quan thuộc đối tượng quy hoạch, Bộ Xây dựng cho rằng, số lượng cơ quan di dời trụ sở làm việc dự kiến khoảng 11 bộ, 1 cơ quan thuộc Chính phủ và 5 cơ quan trung ương các đoàn thể. Hiện tại có 8 bộ, 4 cơ quan ngang bộ, 7 cơ quan thuộc Chính phủ và 1 cơ quan trung ương đoàn thể đã ổn định vị trí.

Trụ sở bộ, ngành trong nội thành có chỉ tiêu về đất tương đối thấp, như Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch có 0,47 ha, Bộ Tài chính có 0,98 ha, bình quân 15 m2/người. Một số bộ, ngành phải chia nhiều địa điểm gây khó khăn cho công tác điều hành. Các dịch vụ công cộng, nhà khách, bãi đỗ xe, cây xanh sân vườn thiếu đất xây dựng. Quỹ đất chật hẹp đã ảnh hưởng tới điều kiện làm việc của cán bộ, công chức và gây trở ngại với khách đến làm việc.

Lam Lam (Đất Việt)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.