Tình trạng thiếu bến bãi đậu xe trên địa bàn TPHCM và sự gia tăng nhanh về số lượng phương tiện giao thông, trong khi hạ tầng giao thông không đáp ứng được, nên các phương tiện đã tùy tiện chiếm dụng mặt đường để lưu đậu hoặc chạy lòng vòng dẫn đến ùn tắc giao thông thường xuyên ở khu vực trung tâm TP, ô nhiễm môi trường do khí thải trong giao thông đã đến mức báo động.

Xe ôtô đậu tràn cả lên lề đường dành cho người đi bộ ở khu vực trung tâm TPHCM do thiếu trầm trọng bãi giữ xe. Ảnh: Bảo Chương

Trong khi đó, các dự án đầu tư bãi giữ xe cho đến nay vẫn án binh bất động do thiếu chính sách ưu đãi của Nhà nước nên khó thu hút nhà đầu tư.

Thành phố đang quá chật chội

Theo quy hoạch được duyệt, hệ thống giao thông tĩnh (bến bãi) tại TPHCM đến năm 2020 khoảng 1.145ha. Tuy nhiên, thực tế bến bãi hiện có trên địa bàn thành phố mới chỉ có gần 77ha, đạt khoảng 6,7% so với chỉ tiêu quy hoạch.

Ngay như khu trung tâm TPHCM tập trung rất nhiều cao ốc văn phòng, khách sạn, nhà hàng... nhưng phần lớn các nơi có diện tích bãi giữ xe nhỏ hơn rất nhiều so với nhu cầu, thậm chí có nơi “quên” luôn bãi giữ xe. Theo kết quả kiểm tra mới đây của Sở Xây dựng TPHCM tại 79 công trình, cao ốc trong khu vực trung tâm thành phố thì chỉ có 14 công trình đủ chỗ để xe, 59 công trình không đủ diện tích để xe và 6 công trình không có chỗ để xe. Nghịch lý là các công trình không đủ, thậm chí không có chỗ để xe đều là những nơi tập trung rất đông người.

Trong khi đó, từ năm 2005, UBND TPHCM quy hoạch 8 địa điểm xây dựng bãi đậu xe ngầm trên địa bàn thành phố: Công trường Lam Sơn, khu vực số 116 đường Nguyễn Du, công viên Chi Lăng, sân vận động Hoa Lư, công viên Bách Tùng Diệp, sân bóng đá Tao Đàn, công viên Lê Văn Tám, bờ sông Sài Gòn (dọc bến Bạch Đằng và đường Nguyễn Huệ). Tuy nhiên, trong số 8 vị trí đã được quy hoạch thì có 3 vị trí (khu vực số 116 đường Nguyễn Du, công viên Bách Tùng Diệp, đường Nguyễn Huệ) hiện đã có chủ trương không xem xét để xây dựng bãi đậu xe ngầm.

Trong số những dự án khả thi, bãi đậu xe ngầm tại công viên Lê Văn Tám khởi động sớm nhất, với công suất thiết kế có thể chứa hơn 2.000 xe máy, 1.250 xe con, 28 xe buýt và xe tải. Từ 8.2010, dự án đã được động thổ, những tưởng dự án sẽ hoàn thành sớm. Nhưng thực tế đến nay, dự án vẫn chưa thể khởi công xây dựng. Trao đổi với PV Lao Động, chủ đầu tư dự án, ông Lê Tuấn – TGĐ Cty cổ phần đầu tư phát triển Không gian ngầm (IUS) – bức xúc cho biết: “IUS đã chuẩn bị sẵn sàng tất cả mọi thứ nhưng đến nay vẫn chưa khởi công xây dựng được. Chỉ riêng phần thiết kế chi tiết đã trình tới trình lui 2 năm nay vẫn chưa được thành phố duyệt. Và đến nay thì vẫn chưa biết đến khi nào các thủ tục mới hoàn tất, để khởi công xây dựng”.

Sự chậm trễ này khiến vốn đầu tư dự án ban đầu từ 70 triệu USD nay đã đội lên hơn 200 triệu USD do trượt giá. Tương tự, Tập đoàn Đông Dương đầu tư 2 dự án bãi đậu xe ngầm Hoa Lư và Sân khấu Trống Đồng đến nay vẫn không triển khai được do vướng mắc việc tính toán giá thuê đất, thiết kế phòng cháy chữa cháy... Tương tự các dự án bãi đậu xe ngầm còn lại hiện nay đều vẫn nằm trên giấy do hầu hết vướng mắc về các thủ tục pháp lý.

Chính sách thiếu đồng bộ

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, với các chính sách của Nhà nước đề ra như hiện nay, các mức miễn giảm tiền cho thuê đất, tiền sử dụng đất đối với các công trình bến bãi nói chung và bãi đậu xe nói riêng chưa được đồng bộ, khó hấp dẫn được các nhà đầu tư, đặc biệt là các quỹ đất được quy hoạch có chi phí bồi thường GPMB cao, dẫn đến việc khó hình thành được hệ thống bến bãi và các dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ trên địa bàn thành phố như mong muốn.

Mới đây, để tháo gỡ những nút thắt này, UBND TPHCM đã có kiến nghị Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải thống nhất một số chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư xây dựng bãi giữ xe như đối với nhà đầu tư tham gia xây dựng bãi giữ xe, tổ chức kinh doanh lĩnh vực trông giữ xe công cộng, UBND TP cho rằng cần được xem xét miễn tiền thuê đất, tiền sử dụng đất. Trong trường hợp không giải quyết miễn tiền thuê đất, tiền sử dụng đất thì xem xét cho phép thí điểm được miễn tiền thuê đất ít nhất là 15 năm kể từ ngày hoàn thành bãi đậu xe đưa vào hoạt động.

Ngoài ra, nhằm khuyến khích các nhà đầu tư tham gia xây dựng, kinh doanh bãi giữ xe, đề xuất các hình thức ưu đãi về thuế như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế môn bài, thuế nhập khẩu đối với các thiết bị công nghệ cao phục vụ hoạt động của bãi giữ xe. Bên cạnh đó, UBND thành phố cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo NHNN không đưa nhóm các dự án bãi đậu xe công cộng vào dự án bất động sản mà cần đưa vào nhóm dự án hạ tầng để được khuyến khích cho vay vốn đầu tư.

Bảo Chương - Trần Phan (Lao Động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.