Giữa một thành phố hiện đại, vẫn tồn tại nhiều căn nhà siêu mỏng, siêu méo chỉ dành cho “người tí hon” sử dụng. Tình trạng này tồn tại trên những con đường huyết mạch, khiến mỹ quan đô thị TPHCM trở nên nhếch nhác, luộm thuộm. Ủy ban nhân dân TPHCM đã phê duyệt ba đồ án thiết kế đô thị của ba trục đường lớn trên địa bàn thành phố là tuyến đại lộ Võ Văn Kiệt, đường Phạm Văn Đồng và xa lộ Hà Nội.

Phá nát bộ mặt đô thị

Ở TPHCM, có lẽ đường Phạm Văn Đồng đi qua các quận: Bình Thạnh, Gò Vấp là con đường có nhiều ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo với nhiều hình thù kỳ lạ nhất. Ngay tại bùng binh Nguyễn Thái Sơn, đoạn đầu đường Phạm Văn Đồng đã thấy hai, ba căn nhà siêu mỏng nằm dán vào lưng nhà bên cạnh. Đi dọc tuyến đường này, chúng tôi ước tính có hàng chục căn nhà siêu mỏng, siêu méo. Tại đoạn giao với đường Lê Quang Định, có một ngôi nhà ba tầng nằm án ngữ có chiều rộng chỉ khoảng... 1m, tổng diện tích đất ước chừng 5 - 6m2. Để mở rộng không gian sử dụng, chủ nhà đã cơi nới thêm phần hành lang ở hai tầng phía trên hướng ra đường lộ khiến căn nhà có hình dạng như một cái dù dưới nhỏ trên to.

Ngay tại giao lộ Phan Văn Trị và Phạm Văn Đồng, một số căn nhà hình tam giác với một đầu khoảng 1,5m, phía sau khoảng 4m được xây thành nhà hai tầng. Nhìn từ xa, những căn nhà này giống như các hộp đèn quảng cáo không hơn không kém. Tại khu vực phường 3, quận Gò Vấp, chúng tôi gặp một căn nhà siêu mỏng, mới nhìn qua có hình thù giống như một cây dao bản lớn, phía hông phải căn nhà có bề rộng chừng 1,5m vạt dần về phía bên trái chỉ còn chưa đầy nửa mét. Để cơi nới cho rộng thêm, chủ nhà xây lan can trên tầng 2 và tầng 3 ra phía ngoài để tạo sự thông thoáng, tuy nhiên, với diện tích thực trong nhà, chỉ đủ chỗ cho một người nằm ngủ chứ đừng nói đến việc đi lại sinh hoạt của nhiều người.

Khi xuôi đường Phạm Văn Đồng hướng về Thủ Đức sáng 5-4-2014, đoạn từ cầu Rạch Lăng về đường Nguyễn Xí, thuộc phường 13, quận Bình Thạnh, chúng tôi gặp một nhà siêu mỏng (không thấy gắn số nhà) đang được xây dựng gấp rút trong cái nắng như đổ lửa mà không thấy cơ quan nào kiểm tra, xử phạt. Chủ nhân của một căn nhà siêu mỏng nằm trên con đường này thuộc quận Bình Thạnh (đề nghị không nêu tên và địa chỉ nhà) cho biết: “Sau khi bị giải tỏa, nhà tôi cũng như nhiều căn nhà khác trên con đường này chỉ còn lại vài mét vuông nên mọi người thiết kế, sửa chữa lại trên cơ sở nhà cũ để ở hoặc cho người ta thuê bán nước. Bởi số diện tích còn lại quá nhỏ, bán thì không ai mua mà để không thì phí, trong khi nhiều gia đình không có chỗ ở”.

Tương tự, đi dọc đại lộ Võ Văn Kiệt đoạn từ quận 1 về huyện Bình Chánh, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng khi thấy trên trục đường này có nhiều căn nhà cao tầng được xây theo hình hộp diêm với bề ngang chỉ 1 - 2m. Tình trạng nhà siêu mỏng không chỉ xảy ra tại các con lộ mới mở mà ngay giữa trung tâm thành phố, ở đường Ngô Văn Năm, phường Bến Nghé (quận 1) cũng xuất hiện căn nhà siêu mỏng. Một căn nhà hai tầng “lép kẹp” nằm nép mình vào bức tường của khu cao ốc phía sau khiến người ta có cảm giác nghẹt thở bởi độ mỏng của nó. Mặc dù được chủ nhân mở rộng theo hình thang và được “dựa lưng”, nhưng nhìn căn nhà hai tầng này mỏng manh như nét kẻ lông mày của người phụ nữ, không hiểu người ta sẽ ăn, ngủ, nghỉ, sinh hoạt ra sao trong không gian chật hẹp như thế! Hay khu vực đường Bà Huyện Thanh Quan giáp với đường Rạch Bùng Binh (quận 3) cũng có gần chục căn nhà siêu mỏng. Có căn có chiều rộng tầng trệt chưa đầy 1m và chỉ vừa để đủ một cái bàn bán cà phê, có nhà có diện tích khiêm tốn giống như một ki ốt bán hàng tạp hóa hoặc bán quán ăn.


Một căn nhà siêu mỏng được xây dựng trên đường Phạm Văn Đồng trưa 5-4-2014

Vì sao nhà diêu mỏng vẫn mọc

Hiện tượng nhà siêu mỏng, siêu méo với nhiều hình hài kỳ dị không phải là chuyện quá mới trong quá trình phát triển đô thị ở TPHCM mà xuất hiện ngày một nhiều, đặc biệt là tại các dự án mở đường, phóng hẻm vừa làm mất mỹ quan đô thị vừa không mang lại sự an toàn cho chính những người sinh sống trong các ngôi nhà này. Trong khi vấn nạn nhà siêu mỏng, siêu méo đang làm đau đầu các cơ quan chức năng thì dự thảo quy chuẩn xây dựng về quy hoạch đô thị và thiết kế kiến trúc, cảnh quan do Bộ Xây dựng vừa ban hành có đề xuất cho xây nhà trên diện tích 25m2 (trước đây là 45m2, sau đó hạ xuống 30m2) đã dấy lên sự lo ngại về nguy cơ bộ mặt đô thị bị phá nát.

Theo quyết định 135 năm 2007 của UBND TPHCM thì ở vị trí mặt tiền, lô đất đủ quy chuẩn xây dựng phải có diện tích từ 36m2 trở lên và không có cạnh nào nhỏ hơn 3m. Những lô đất nhỏ hơn chuẩn này - nếu ở mặt tiền đường thì chia làm các dạng sau: lô đất có diện tích dưới 15m2, chiều rộng nhỏ hơn 3m chỉ được cải tạo theo hiện trạng cũ, không xây mới. Nếu từ 15m2 đến dưới 36m2 và không có cạnh nào nhỏ hơn 3m thì được cải tạo, sửa chữa theo quy mô số tầng hiện hữu, hoặc xây mới không quá hai tầng. Trong khi đó, quyết định 45 năm 2009 của UBND TPHCM có quy định, nếu lô đất có diện tích từ 15m2 đến dưới 36m2, có chiều rộng mặt tiền và chiều sâu so với chỉ giới xây dựng từ 3m trở lên thì được phép cải tạo sửa chữa theo quy mô số tầng hiện hữu hoặc xây dựng mới tối đa hai tầng.

Xét theo những quy định này thì hầu hết những ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo trên tuyến đường Phạm Văn Đồng đều không đủ tiêu chuẩn. Theo Sở Xây dựng TPHCM, trên toàn tuyến đường Phạm Văn Đồng có 136 trường hợp nhà, đất còn diện tích nhỏ hơn 15m2 sau khi giải phóng mặt bằng, trong đó quận Gò Vấp có 44 trường hợp, Tân Bình 5, Bình Thạnh 48 và Thủ Đức 39. Tuyến đường Phạm Văn Đồng là một trong ba tuyến đường lớn và đẹp nhất của TPHCM, có chiều dài hơn 12km giải quyết nhu cầu giao thông ở cửa ngõ Đông Bắc TPHCM, nối sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đi qua các quận Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh, Thủ Đức và kết nối với các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai nhưng khi đi trên con đường này, chứng kiến những ngôi nhà có hình thù kỳ dị mọc lên nhan nhản dễ khiến người ta có cảm giác nó chưa được “đẹp” và xứng tầm như tiêu chí đưa ra.

Tình trạng những căn nhà “mỏng như lá lúa” xuất hiện nhan nhản trên các tuyến đường mới mở cho thấy sự thờ ơ của các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo. Vì cuộc sống và lợi nhuận, nhiều người dân sẵn sàng bám trụ để sinh sống và làm ăn bất chấp không gian chật chội, nguy cơ bị sụp đổ nhà siêu mỏng, siêu méo do sửa chữa, cải tạo lại trên nền cũ nên khó mà chắc chắn, đó là chưa kể các tuyến đường mở rộng đều bị khoét sâu nên phần đất tiếp giáp nhà dân cũng dễ bị lún, sụt nguy hiểm. “Không ai muốn căn nhà của mình trở thành siêu méo, siêu mỏng, gây mất mỹ quan thành phố đâu cô. Nhưng vì hoàn cảnh bị giải tỏa, chúng tôi không biết đi đâu đành phải sửa chữa lại để sống và phải thích nghi thôi” - cô Nguyễn Thị Vân, 51 tuổi, có nhà bị giải tỏa trên tuyến đường Phạm Văn Đồng chia sẻ.

Với các đồ án thiết kế đô thị của ba trục đường lớn trên địa bàn thành phố vừa được UBND TPHCM phê duyệt, thì vấn đề nhà siêu mỏng, siêu méo sẽ được giải quyết, trong đó với những lô đất không thể xây dựng hợp khối công trình do vướng hẻm hoặc công trình phía trong đã hoàn thiện... thì Nhà nước thu hồi đất; rẻo đất nhỏ thì tổ chức thành nút giao thông nội bộ, bố trí bảng tin của phường, khu phố, bảng tin ý nghĩa tên phường hoặc biểu tượng của cụm dân cư; những thửa đất có chiều sâu nhỏ hơn 2m gần bến xe buýt hay các khu nhà tập thể, chung cư thì trồng cây tạo bóng mát, làm nơi giữ xe đạp, xe máy cho khách chung cư hoặc khách đi xe buýt, bố trí vòi nước uống công cộng, họng cứu hỏa, ghế nghỉ, trạm điện thoại... Tuy nhiên, hiện các căn nhà siêu mỏng, siêu méo đã mọc lên kiên cố thì việc xử lý những vi phạm này như thế nào vẫn còn là vấn đề nan giải.

Thanh Thủy (Công an TP.HCM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.