UBND Tp.HCM vừa hoàn tất dự thảo đề án xây dựng chính quyền đô thị để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Mô hình chính quyền 3 cấp hiện nay tại Tp.HCm đang bộc lộ nhiều bất cập và thiếu hiệu quả.

Theo cơ quan này, với diện tích gần 2.100 km2, gồm 19 quận và 5 huyện với dân số gần 10 triệu người, Tp.HCM là một trong 40 đô thị đông dân nhất thế giới. Hiện thành phố này cũng là trung tâm kinh tế - xã hội, đầu mối giao thông quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.

Tuy nhiên, mô hình tổ chức chính quyền địa phương hiện nay đang ngày càng bộ lộ nhiều bất cập so với yêu cầu quản lý và phát triển đô thị, đặc biệt là mô hình quản lý 3 cấp (thành phố, quận huyên và xã phường) cho thấy kém hiệu quả do quá cồng kềnh, trùng lắp nhiều chức năng, trách nhiệm không rõ ràng…

Đặc biệt, với mô hình chính quyền hiện tại khiến cho nhiều hoạt động không thực quyền mà chỉ mang tính hình thức, không có cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của mỗi cấp.

Bên cạnh đó, sau 4 năm tiến hành thí điểm không tổ chức hội đồng nhân dân cấp quyện, huyện, phường theo nghị quyết của Quốc hội, nếu không sớm tiến hành mô hình chính quyền đô thị theo hưởng tổ chức chính quyền cơ sở với cơ chế tự chủ cao hơn, cơ quan đại diện quyền lợi của nhân dân có quyền hạn và trách nhiệm tương xứng với mô hình dân chủ đại diện, thì việc thí điểm trên kết thúc mà cũng không tạo ra được mô hình tổ chức mới hiệu quả và dân chủ hơn.

Trước thực tế đó, UBND Tp.HCM đề ra mục tiêu xây dựng hai cấp chính quyền địa phương tại thành phố, trong đó riêng địa bàn nội thành hiện hữu là một cấp, mỗi cấp có cơ cấu của một cấp chính quyền đầy đủ, với hội đồng nhân dân đầy đủ thực quyền quyết định các vấn đề theo phân cấp, có địa vị pháp lý là một “pháp nhân công quyền”.

Hai cấp chính quyền sẽ được phân thành cấp thành phố trực thuộc Trung ương và cấp cơ sở. Cấp cơ sở bao gồm cấp xã, phường, thị trấn và thành phố hoặc thị xã. Riêng địa bàn đô thị của 13 quận nội thành chỉ có một cấp chính quyền.

Cơ cấu chính quyền ở mỗi cấp sẽ gồm hội đồng nhân dân và UBND nhưng không tổ chức ở cấp quận ,huyện, phường. Thay vào đó chỉ có cơ quan hành chính đại diện của cấp trên, xây dựng theo mô hình chuỗi đô thị được tổ chức theo mô hình chính quyền địa phương 1 cấp hoặc 2 cấp tuỳ theo đặc điểm, tình hình của địa bàn đã đô thi hay đang đô thị hoá và nông thôn.

Trên cơ sở chính quyền Tp.HCM - thành phố trực thuộc Trung ương và chính quyền 4 đô thị thành lập mới, với đề xuất là lập thành 4 thành phố Đông, Tây, Nam và Bắc.

Trong đó, Thành phố Đông bao gồm quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức, diện tích 211,72 km2, dân số trên 890 nghìn người, có quy mô gấp 1,5 lần so với 13 quận nội thành cũ. Thành phố Đông sẽ lấy khu đô thị Thủ Thiêm làm trung tâm với các chức năng chính là thành phố của các dịch vụ tài chính, ngân hàng, công nghệ cao, giáo dục đào tạo, văn hoá, giải trí…

Thành phố Nam bao gồm toàn bộ quận 7, huyện Nhà Bè và điều chỉnh một phần diện tích của phường 7, quận 8 cùng diện tích 2 xã Bình Hưng, Phong Phú của huyện Bình Chánh. Diện tích tự nhiên của Thành phố Nam là 169,29 km2, dân số trên 470 nghìn người.

Đây sẽ là trung tâm phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, kinh doanh cảng.

Thành phố Tây bao gồm toàn bộ quận Bình Tân hiện tại cùng một phần diện tích của phường 7, phường 16 quận 8 và các xã An Phú Tây, Tân Kiên, Vĩnh Lộc A của huyện Bình Chánh. Diện tích tự nhiên của Thành phố Tây là 109,8 km2, dân số trên 810 nghìn người.

Mục tiêu của Thành phố Tây cũng là trở thành trung tâm dịch vụ, công nghiệp và là khu tái định cư của người dân từ các quận 6, 11 và Tân Bình.

Cuối cùng là Thành phố Bắc gồm toàn bộ quận 12 và huyện Hóc Môn với diện tích khoảng 162 km2, dân số trên 860 nghìn người với mục tiêu trở thành trung tâm phát triển dịch vụ, du lịch sinh thái và nông nghiệp công nghệ cao.

Trên địa bàn nông thôn, sau khi tổ chức thành 4 thành phố mới, diện tích còn lại khoảng 1.300 km2 sẽ tổ chức thành các xã và thị trấn.

Theo đại diện lãnh đạo thành phố, xây dựng đề án chính quyền đô thị tại Tp.HCM là việc chưa có tiền lệ nên quá trình triển khai đề án sẽ làm chặt chẽ, có bước đi thích hợp, không duy ý chí và đảm bảo không làm xáo trộn nhiều đến đời sống người dân cũng như vận hành bộ máy chính quyền.

Hiện thành phố cũng đã tích cực lấy ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, các tổ chức, cá nhân, chuyên gia trên địa bàn trước khi chính thức trình Chính phủ phê duyệt.

Bảo Anh (VnEconomy)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.