Đề nghị sử dụng quỹ đất công và các dự án “treo” vừa bị thu hồi để xây nhà ở xã hội.

Đó là thông tin được đưa ra tại chương trình “Lắng nghe và trao đổi” ngày 10-11 do HĐND TP tổ chức. Theo báo cáo của ông Nguyễn Văn Danh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, nhu cầu về nhà ở xã hội (NƠXH) của TP tới năm 2015 là khoảng 17.500 căn. Hiện nay, toàn TP mới chỉ giải quyết được khoảng 30% nhu cầu về NƠXH cho cán bộ, công chức. Theo quy định mới, đối tượng được mua, thuê mua NƠXH hiện đã được mở rộng nên áp lực về NƠXH ngày càng cao.

Cũng theo ông Danh, ngoài những vướng mắc về chính sách kêu gọi đầu tư, vốn thì quỹ đất công để đầu tư xây dựng NƠXH của TP còn ít và manh mún. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm không đồng tình và cho rằng cần phải rà soát lại các quỹ đất thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn TP. Theo bà Tâm, quỹ đất công để xây NƠXH không thiếu, vấn đề là phải xem lại quản lý nhà nước về quỹ đất này như thế nào.

Ông Huỳnh Văn Thanh, Trưởng phòng Quản lý sử dụng đất, Sở TN&MT, bổ sung thêm hai nguồn quỹ đất để làm NƠXH gồm 150 dự án chậm triển khai và hơn 100 khu đất công trên địa bàn TP. Đại diện Sở TN&MT kiến nghị cần xem xét lựa chọn một số khu đất tại hai nguồn quỹ đất này để bổ sung thêm vào quỹ đất làm NƠXH.

Hiện nay, nhiều người dân đã được mua, thuê mua NƠXH cho rằng mức lãi suất cho vay 6% vẫn là quá sức với người lao động, nhất là quy định phải trả trước 20% giá trị nhà. Tuy nhiên, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh TP.HCM Trần Đình Cường cho biết rất khó giảm lãi suất cho vay. Riêng về thời hạn cho vay thì tùy vào từng ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, ông Cường tính toán, từ năm thứ 11 trở đi, người vay phải trả theo lãi suất thương mại nhưng lúc đó cũng không còn đáng ngại vì số dư nợ đã giảm xuống, tiền lãi sẽ ít đi.

Theo Ngân hàng Nhà nước, một vướng mắc phổ biến khi tiến hành thủ tục giải ngân là khách hàng phải thế chấp tài sản hình thành trong tương lai nhưng các tổ chức công chứng không chấp nhận công chứng loại hợp đồng này. Nguyên nhân, theo ông Trần Văn Bảy, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, các nghị định và thông tư hướng dẫn cho phép nhà ở hình thành trong tương lai được thế chấp. Tuy nhiên, Luật Nhà ở và BLDS quy định một trong những điều kiện để nhà ở được tham gia giao dịch là phải có giấy chứng nhận quyền sở hữu mà NƠXH hiện chưa hình thành nên chưa có giấy chứng nhận. Để tháo gỡ vướng mắc này, Sở Tư pháp đã có văn bản trình UBND TP kiến nghị Bộ Tư pháp và các bộ, ngành trung ương tháo gỡ.

Ông Bảy cũng thông tin Cục Đăng ký Quốc gia về giao dịch bảo đảm đã có hướng dẫn, thay vì công chứng hợp đồng thế chấp tài sản hình thành trong tương lai thì chuyển sang hình thức là công chứng hợp đồng thế chấp quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng. Tuy nhiên, để căn cơ hơn thì phải sửa Luật Nhà ở, trong đó có thiết kế các điều khoản độc lập để điều chỉnh trực tiếp vấn đề này. “Sở Tư pháp sẽ theo sát các tổ chức hành nghề công chứng để tháo gỡ các hợp đồng thế chấp tài sản hình thành trong tương lai” - ông Bảy nói.

Việt Hoa (Pháp luật TP.HCM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.