CafeLand - Trên địa bàn Tp.HCM hiện có 1.386 dự án phát triển nhà ở. Trong đó có 426 dự án đã hoàn thành, 184 dự án đang xây dựng, 689 dự án đang ngưng thi công và 85 dự án bị thu hồi. Như vậy chỉ có khoảng 50% số dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, 50% còn lại là dự án đang ngưng và bị thu hồi.

Thông tin trên được ông Trần Trọng Tuấn cho biết trong hội thảo “Pháp luật điều chỉnh hoạt động kinh doanh bất động sản – Những hạn chế, bất cập và giải pháp hoàn thiện” do trường Đại học Luật Tp.HCM tổ chức sáng ngày 14/3.

Có nhiều ý kiến cho rằng trong dự thảo luật kinh doanh bất động sản lần này nên tập trung nâng cao năng lực và tính chuyên môn của nhà đầu tư, trong đó có năng lực về vốn. Ảnh: Thanh Thịnh

Ngưng dự án vì thiếu năng lực

Theo ông Tuấn, từ khi Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực đến nay trên địa bàn Tp.HCM có 12.852 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Trong đó 4.428 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản nhà ở; 8.424 doanh nghiệp dịch vụ.

Như vậy, bình quân mỗi năm trên địa bàn thành phố cho khai sinh ra hơn 2.000 doanh nghiệp bất động sản trong nước và khoảng 115 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Con số này cho thấy có một lực lượng doanh nghiệp hùng hậu đang tham gia vào thị trường.

Tuy nhiên, theo thống kê tổng hợp thì hiện nay trên địa bàn Tp.HCM có 1.386 dự án phát triển nhà ở. So với số tổng số doanh nghiệp kinh doanh bất động sản là 12.852 thì số dự án này chỉ chiếm khoảng 10%. Sự khập khiễng này phản ánh sức sống cũng như năng lực của doanh nghiệp trên thực tế. Do vậy luật kinh doanh bất động sản lần này cần tập trung nâng cao năng lực và tính chuyên môn của nhà đầu tư, trong đó có năng lực về vốn.

Cần có vốn pháp định?

Theo ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch Hiệp hội bất động sản Tp.HCM, quy định tổ chức, cá nhân khi kinh doanh bất động sản phải thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã phải có vốn pháp định và đăng ký kinh doanh bất động sản theo quy định của pháp luật là mâu thuẫn với khoản (1.b) điều 92 Luật Nhà ở quy định điều kiện của các bên tham gia giao dịch về nhà ở. Vì trên thực tế nhiều cá nhân hoặc tổ chức mua, bán cho thuê nhà ở không phải nhằm mục đích kinh doanh mà chỉ phục vụ cho nhu cầu riêng nên chỉ cần thực hiện nghĩa vụ nộp thuế theo quy định, không cần bắt buộc phải thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã và phải có vốn pháp định.

Nhưng theo ông Trần Trọng Tuấn, cần phải có quy định về vốn pháp định để đảm bảo năng lực của nhà đầu tư trong việc triển khai dự án. Vấn đề là chính phủ có quy định như thế nào về vốn pháp định và cơ chế giám sát kiểm tra và trách nhiệm pháp lý đối với những người có liên quan đến việc thực hiện vốn pháp định đó.

Bên cạnh đó, dự thảo luật lần này nên cải tiến thủ tục hành chính theo hướng rút gọn thời gian thủ tục, rõ ràng minh bạch về trách nhiệm các bên của quản lý nhà nước, của doanh nghiệp, của khách hàng trong quá trình đầu tư đó.

“Trong quá trình thực hiện chức năng của mình, chúng tôi đã rà soát tổng hợp các thủ tục pháp lý liên quan từ khi thành lập doanh nghiệp đến khi có đủ điều kiện khởi công thì quy trình pháp lý hiện nay phải trải qua 8 bước với thời gian ít nhất là 21 tháng, nhiều nhất là 27,5 tháng. Nhưng đây mới chỉ là “phần cứng” thuộc trách nhiệm của các cơ quan nhà nước. Còn để có hồ sơ cho cơ quan nhà nước chủ đầu tư còn phải chuẩn bị hồ sơ và chỉnh sửa nếu hồ sơ sai sót. Đây là một trong những rào cản rất lớn đối với doanh nghiệp”, ông Tuấn lấy ví dụ.

Thanh Thịnh
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.