Việc xây nhà không phép tại huyện Bình Chánh lỗi trước hết thuộc về người dân bởi sự cả tin vào lời hứa của “cò đất”. Tuy nhiên, để xảy ra tình trạng nhà không phép mọc nhiều như nấm, vai trò các cấp chính quyền không thể nói là vô can.

Những ngôi nhà không phép “mọc” ngay bên cạnh bảng cấm

Chuyện mua đất nông nghiệp và xây nhà trái phép ở huyện Bình Chánh xảy ra hàng ngày. Dân biết, chính quyền cũng biết, song tình trạng vi phạm quản lý đất đai và xây dựng trái phép vẫn diễn ra. Tại xã Vĩnh Lộc A, để tránh tình trạng người dân mua đất ruộng xây nhà trái phép, UBND xã đúc hơn 20 tấm bảng cấm bằng bê tông, dựng ở các điểm nóng đất chia lô phân nền. Nhưng người ta vẫn bán đất và xây dựng nhà ngay bên cạnh… bảng cấm.

Dân bỏ tiền mua đất xây nhà gần bảng cấm, tại sao? Ông T một người dân quê Hà Tĩnh cho biết, khi mua phải bỏ một khoản tiền lớn để “cò” lo lót cho việc mua đất, xây nhà và không bị đập bỏ. “Nếu “cò” không cam kết những điều khoản này thì chả ai dại gì mua đất xây nhà để bị đập bỏ. Chuyện “cò” “bao thầu” việc mua đất, xây nhà là có thật. Hàng nghìn ngôi nhà ở khu vực này tồn tại hàng chục năm như thế” - ông T. phân trần.

Ông H - người Bình Định, có nhà ở xã Vĩnh Lộc B sắp bị đập bỏ - kể, do được một số người làm nhà trước mách “nếu xin được số nhà do UBND huyện Bình Chánh cấp để gắn lên nhà xây dựng trái phép thì nghiễm nhiên được hợp pháp hóa. Một số nhà được cấp như vậy, chi cho “dịch vụ” là 11 triệu đồng”, tôi mới bỏ ra gần 300 triệu đồng để kiếm một chỗ ở, không ngờ bây giờ mất trắng.

Để lập lại trật tự trong xây dựng và quản lý đất đai tại huyện Bình Chánh, ông Nguyễn Hữu Tín - Phó Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh - đã chỉ đạo thành lập đoàn công tác để xử lý tình trạng xây dựng không phép. Theo đó, UBND thành phố yêu cầu đến ngày 15/8 phải hoàn thành công tác kiểm tra, tháo dỡ, đồng thời không để phát sinh tình trạng xây mới, ai ngăn cản đoàn công tác xử luôn.

Hiện tại xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B, có 521 căn nhà xây dựng trái phép nằm trong danh sách phải cưỡng chế, buộc tháo dỡ và trả lại hiện trạng đất ban đầu. Mỗi tuần 2 xã này thực hiện 2 đợt cưỡng chế, mỗi đợt khoảng 8-10 căn.

Ông Phan Bửu Thọ - Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc A - khẳng định, việc cưỡng chế, tháo dỡ nhà xây không phép tại đây đang được thực thi quyết liệt theo quy định hiện hành và không có “vùng cấm” đối với đối tượng nào.

Như vậy, hàng nghìn căn nhà xây trái phép ở Bình Chánh sẽ bị đập bỏ, hàng nghìn tỷ đồng của người dân bỏ ra mua đất, xây nhà sẽ trôi sông. Vậy ai chịu trách nhiệm với sự thiệt hại này? Chính quyền huyện và các xã có nhiều nhà xây trái phép đều thừa nhận trách nhiệm một phần do “quản không xiết” trước tình trạng xây dựng nhà trái phép nở rộ.

Được biết, cơ quan cảnh sát điều tra, công an huyện Bình Chánh vừa khởi tố 3 đối tượng là “cò” đất và “trùm” xây nhà trái phép tại địa bàn Bình Chánh, gồm: Lê Đạt Khương (49 tuổi, ngụ quận 8); Trần Quốc Thạnh (35 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh, Giám đốc Công ty TNHH xây dựng TM và DV Kiến Quốc), người được ông Khương thỏa thuận giao xây dựng 14 căn nhà trái phép với giá 150 triệu đồng/căn; Trần Thị Lệ Khuyên (53 tuổi, ngụ quận 10) đã bị bắt về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Để xảy ra tình trạng xây nhà trái phép tại Bình Chánh không chỉ có 3 đối tượng vừa bị khởi tố mà còn những đối tượng khác chưa bị vạch mặt, trong đó, vai trò của các cấp chính quyền không thể vô can?
Trần Thế (Báo Công thương)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.