Nhu cầu cao, cung ít là thực trạng nhà lưu trú cho công nhân ở TP Hồ Chí Minh, nơi có gần 900 nghìn lao động đến từ khắp cả nước. Nhưng nghịch lý hiện nay là những dự án nhà ở đã hoàn thành hiệu quả sử dụng lại không cao, công nhân chê không vào ở. Vì sao có tình trạng trên và làm sao để có nhiều dự án nhà ở thực sự là chỗ “an cư” cho người lao động.

Đưa vào sử dụng hơn 5 năm, nhưng khu lưu trú công nhân KCX Tân Thuận (quận 7) vẫn vắng, không có công nhân vào ở. Ảnh: Trung Kiên

Nhà lưu trú chưa sát nhu cầu thực tế

Nằm sát khu chế xuất (KCX) Tân Thuận (quận 7) có những khu nhà trọ liên kề, san sát nhau để phục vụ nhu cầu thuê nhà ở của công nhân. Khi đến tìm hiểu ở đây, chúng tôi được biết hầu như các phòng cho thuê đều không còn chỗ trống, công nhân đều ở kín chỗ. Nắm bắt nhu cầu thuê nhà lớn, nhiều chủ hộ ở đây đã di dời gia đình đến nơi ở khác, cải tạo lại nhà thành những phòng ở để cho thuê. Mức giá cho thuê phổ biến từ 700 đến 1,5 triệu đồng/tháng. Nhiều dãy phòng trọ chỉ được xây dựng tạm bợ với vật liệu tôn, ván ép, diện tích từ 6 đến 10m2… Hơn nữa, giá điện nước ở đây luôn được áp với mức cao.

Khác với những khu nhà trọ lụp xụp, những dãy nhà cao tầng của khu lưu trú công nhân thuộc KCX Tân Thuận còn nhiều phòng trống vì không có công nhân ở. Dù mức giá thuê chỉ từ 110 đến 130.000 đồng/người/tháng. Tại mỗi tầng đều có khu xem ti-vi; mỗi bloc nhà có tiệm tạp hóa, quán cà phê; cả khu có một phòng hát karaoke… nhưng hiện nay, khu lưu trú này số công nhân vào ở chỉ đạt tỷ lệ từ 50 đến 60%.

Nhà lưu trú khu công nghiệp (KCN) Hiệp Phước (Nhà Bè) có sức chứa 540 công nhân cũng có tình trạng tương tự. Đưa vào hoạt động từ tháng 3-2010 đến nay, tại khu nhà lưu trú số phòng có công nhân ở chỉ đạt 20-30%. Khu nhà ở công nhân của Công ty giày da Huê Phong (quận Gò Vấp) được xây dựng khá khang trang với quy mô 500 phòng đáp ứng cho hơn 3.500 người ở, nhưng chỉ có khoảng 1000 người ở, nhiều công nhân của công ty đã ra ngoài thuê nhà ở với mức giá cao hơn, chất lượng thấp hơn.

Vì sao có thực trạng công nhân chê nhà ở lưu trú? Qua tìm hiểu chúng tôi nhận thấy có nhiều nguyên nhân. Những khu nhà lưu trú cho công nhân có giá dịch vụ kèm theo cao, thường quy định, giờ giấc sinh hoạt, vui chơi giải trí không phù hợp với đặc thù của công nhân, đối tượng chủ yếu từ các tỉnh thành khác thích lối sống thoải mái, vui chơi sau giờ làm việc. Tại nhà lưu trú KCX Tân Thuận, công nhân sinh sống ở đây phải trả tiền điện, nước theo giá kinh doanh. Anh Nguyễn Tuấn Khang, quê ở huyện Yên Thành, Nghệ An, thuộc Công ty Nidec Copal, KCX Tân Thuận cho biết:

- Sau giờ tăng ca, chúng tôi thường muốn ra ngoài vui chơi, ăn uống. Trong khi ở khu lưu trú phải gò bó theo những quy định đóng cổng trước 23 giờ, không được nấu, ăn uống trong phòng, không tiếp khách, công nhân có gia đình không được ở… Công nhân ở đây đều thích ra ngoài thuê nhà để được tự do hơn. Ở khía cạnh khác, nhiều công nhân cho rằng, khu lưu trú không có hoạt động giải trí nào ngoài mấy bàn bi da, cờ tướng, lại xa khu buôn bán nên rất bất tiện, không gắn với nhu cầu thực tế của đời sống công nhân.

Các dự án nhà lưu trú đã hoàn thiện thì ít người ở, nhưng nhà ở phù hợp với công nhân lại thiếu trầm trọng. Theo Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, hiện nay có 37.165 doanh nghiệp với 892.960 công nhân, trong đó có đến 625.072 công nhân ngoại tỉnh. Tuy nhiên, chỉ có 56 doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân với diện tích 72.837m2, đáp ứng khoảng 16.000 chỗ ở, chiếm một tỷ lệ rất thấp (5,6%). Như vậy, hiện có đến gần 95% công nhân đang phải ở trong các khu nhà trọ bên ngoài.

Tăng tiện ích - xây dựng phù hợp để thu hút người vào ở

Vấn đề đặt ra là làm sao việc xây dựng nhà lưu trú công nhân sát với nhu cầu thực tế để thu hút công nhân, tránh lãng phí.

Công nhân Nguyễn Thanh Sơn làm việc tại Công ty Nidec Copal KCX Tân Thuận cho biết: "Trong công ty tôi phần lớn là công nhân trẻ, trong lứa tuổi lập gia đình. Khi có gia đình thì không được phép tiếp tục ở nhà lưu trú. Do đó, phần lớn công nhân ở nhà lưu trú một thời gian, khi chuẩn bị lập gia đình đều ra thuê trọ ở bên ngoài. Khi lập gia đình rồi có nhiều khó khăn, nếu phải thuê nhà ngoài lại càng gánh thêm nhiều chi phí sinh hoạt. Chúng tôi mong rằng ban quản lý cần mở rộng đối tượng được ở nhà lưu trú thì sẽ thu hút nhiều công nhân vào ở".

Bên cạnh những khu nhà lưu trú cho công nhân chưa phù hợp, công nhân "chê" thì có những nơi lại thiếu nhà cho công nhân ở. Cuối tháng 8-2012, KCN Hiệp Phước đã tổ chức khánh thành nhà lưu trú công nhân Khối 2 và nhà giữ trẻ dành cho con công nhân lao động KCN Hiệp Phước. Đây là công trình nhà lưu trú mới gắn liền với các công trình có tính dịch vụ, hỗ trợ. Cùng với việc xây dựng Trung tâm sinh hoạt, nhà lưu trú công nhân, KCN Hiệp Phước còn xây dựng nhà giữ trẻ dành cho con công nhân với khả năng tiếp nhận 150 cháu. Đây là nhà trẻ công lập đầu tiên, khang trang, đạt chuẩn dành cho con công nhân KCX – KCN của TP Hồ Chí Minh. Ông Nguyễn Tấn Định, Phó trưởng ban Quản lý KCX, KCN TP Hồ Chí Minh cho rằng, việc xây dựng nhà lưu trú gắn với các công trình y tế, trường học như ở KCN Hiệp Phước là một mô hình mới, cần được nhân rộng vì qua đó sẽ thu hút nhiều công nhân vào ở nhà lưu trú. Gia đình công nhân khi được ở nhà lưu trú, trẻ em được học hành tại chỗ sẽ giúp cho công nhân yên tâm làm việc.

Ngày 10-9 vừa qua, Công ty Nissie (KCX Linh Trung I, Thủ Đức) đã khánh thành và đưa vào sử dụng tòa nhà lưu trú số 3 cho công nhân. Công nhân vào ở đây chỉ đóng phí dịch vụ điện nước 20.000 đồng/người/tháng nhưng được sử dụng đầy đủ các tiện nghi như: Nước nóng lạnh, máy giặt, phòng đọc sách, phòng karaoke, phòng net (khoảng 40 máy tính), phòng tập thể dục thẩm mỹ, sân bóng chuyền và siêu thị mi-ni phục vụ công nhân mua sắm. Ngoài ra, trong tòa nhà lưu trú mới này công ty đã dành ba phòng để lập các nhóm giữ trẻ là con công nhân. Đại diện của Công ty Nissie cho rằng, việc lắp đặt các thiết bị tiện nghi trong nhà lưu trú, cho phép công nhân ở nhà lưu trú, xây dựng khu vui chơi, trường mầm non, trạm y tế sẽ giúp công nhân được hưởng lợi, qua đó, họ ổn định ở nhà lưu trú và gắn bó lâu dài với công ty. Việc làm trên cũng khắc phục được tình trạng xây nhà lưu trú nhưng không có công nhân vào ở như nhiều khu nhà lưu trú ở TP Hồ Chí Minh hiện nay.

Bên cạnh việc tăng cường các tiện ích kèm theo, quy định thông thoáng khai thác tốt các khu nhà lưu trú hiện có, bài toán đẩy mạnh thu hút đầu tư vào dự án nhà ở cho công nhân đang là vấn đề cấp bách, cần thiết. Theo báo cáo của UBND TP Hồ Chí Minh, đến nay đã triển khai xây dựng phần thô được 10.150m² (đạt 20% chỉ tiêu), nâng tổng diện tích sàn xây dựng của 10 dự án nhà lưu trú công nhân đạt 104.25m². Thành phố phấn đấu đến năm 2015, đáp ứng được nhà ở lưu trú cho khoảng 100.000 công nhân (50% nhu cầu).

Theo Trung Kiên (QĐND)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.