Tại TP HCM, việc đăng ký, cấp giấy chứng nhận đối với nhà đất của cá nhân ách tắc, chậm trễ...
Sau hơn 1 năm Thành phố Hồ Chí Minh hợp nhất hệ thống Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thành phố và 24 văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất quận - huyện thành hệ thống Văn phòng đăng ký đất đai 1 cấp, công tác đăng ký đất đai phát sinh nhiều vướng mắc. Việc đăng ký, cấp giấy chứng nhận đối với nhà đất của cá nhân ách tắc, chậm trễ.
TP HCM vẫn còn nhiều vướng mắc trong đăng ký đất đai (Ảnh minh họa: gdla.gov.vn)
Ông Nguyễn Văn Bình, người dân ở Phường 4, Quận 8 đã đến nơi tiếp nhận và trả hồ sơ, tại Ủy ban nhân dân Quận 8 nhiều lần để xin tách sổ đối với hơn 60m2 đất gia đình ông đang ở. Tuy nhiên, cán bộ tiếp nhận hồ sơ quận này nhiều lần trả lời rằng ông thiếu giấy tờ này, giấy tờ khác.
Khi hợp nhất thành Văn phòng đăng ký đất đai một cấp vào ngày 1/7/2015, khối lượng lớn hồ sơ của 24 chi nhánh chuyển về đã gây ra lúng túng, bị động cho hệ thống. Vì vậy, 3 tháng đầu sau hợp nhất, số lượng hồ sơ trễ hẹn có lúc lên đến 60%. Riêng 6 tháng đầu năm nay, tổng số hồ sơ 24 chi nhánh giải quyết sang tên đổi chủ hoặc thay đổi hiện trạng nhà là trên 136 nghìn trường hợp.
Thống kê của Văn phòng đăng ký đất đai Thành phố Hồ Chí Minh, sau 1 năm hợp nhất, khối lượng hồ sơ giải quyết của các chi nhánh quận, huyện là rất lớn và ngày càng tăng, trong khi đội ngũ viên chức, người lao động thì không thể tăng tương ứng được.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai Quận 8 cho biết, lượng hồ sơ mà Văn phòng đăng ký đất đai quận tiếp nhận trong 1 năm qua khoảng 2.400 hồ sơ. Mặc dù đơn vị phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường quận bố trí người để làm nhiệm vụ, nhưng việc chậm trễ hồ sơ của người dân theo quy định là khó tránh khỏi.
Lý giải nguyên nhân của tình trạng này, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Nghị định 43 có một số điểm chưa hợp lý như: Xác định thẩm quyền chứng nhận trên Giấy chứng nhận gốc khi bổ sung tài sản, cấp mới Giấy chứng nhận, chứng nhận trên Giấy chứng nhận gốc khi đổi chủ.
Sở cũng đã đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường điều chỉnh quy định pháp luật để không còn tình trạng khi giải quyết hồ sơ trong trường hợp thực hiện quyền mà người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản được lựa chọn 2 hình thức thực hiện thủ tục có giá trị pháp lý như nhau với thẩm quyền, hình thức và quy trình khác nhau.
Trong thời gian thành phố chưa ban hành quy định về quy trình giải quyết thủ tục và cơ chế liên thông, phối hợp giữa các cơ quan theo Điều 62, Nghị định 43, hiện nay một số quận, huyện vẫn còn giữ theo cách làm cũ, chưa thống nhất thực hiện theo các quy định mới của Luật Đất đai năm 2013, dẫn đến một số bất cập về thời gian giải quyết hồ sơ.
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong quá trình tổ chức thực hiện, Sở đang gặp một số khó khăn. "Chúng tôi cũng đang chờ sửa Nghị định 43, để tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố tháo gỡ những khó khăn, góp phần ổn định cuộc sống của người dân thành phố," ông Thắng nói.
Để tháo gỡ khó khăn trong công tác đăng ký đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Ủy ban nhân dân thành phố đề nghị với Bộ Tài nguyên và Môi trường sửa đổi quy định pháp luật theo hướng cho thành phố được thí điểm giao cho Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận, huyện ký cấp Giấy chứng nhận mới khi có sự thay đổi và sử dụng con dấu của chi nhánh khi ký cấp Giấy chứng nhận.
Các ngành chức năng và chính quyền 24 quận, huyện của thành phố Hồ Chí Minh cũng cần đẩy mạnh triển khai phần mềm ISO điện tử về ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đất đai để giải quyết thủ tục nhanh chóng và minh bạch cho người dân./.
Thành Trung (VOV)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.