CafeLand – Trong tuần qua, thị trường nhà đất ghi nhận một số thông tin nổi bật đáng chú ý sau: Nếu luật sửa như vậy, không ai dám giao nhà; Sai phạm được dung túng, chủ đầu tư làm liều; Bất động sản trở thành “khối u ác tính” giết chết PVL; Gói tín dụng 30.000 tỷ đồng: Mở nhưng cửa vẫn hẹp;…

“Nếu luật sửa như vậy, không ai dám giao nhà”

“Tôi không thể hình dung được chuyện gì sẽ xảy ra nếu Nhà nước bỏ đi quy định buộc phải đăng ký sở hữu nhà ở. Chắc chắn tranh chấp và hiện tượng lừa đảo sẽ xảy ra rất nhiều, gây ra những hệ lụy và xáo trộn lớn trong đời sống của người dân”.

Phó tổng giám đốc Công ty Luật SMiC Lê Thành Vinh tỏ rõ sự lo lắng về vấn đề thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở - một nội dung quan trọng và đang thu hút nhiều ý kiến trái chiều trong dự thảo Luật Nhà ở, đang được trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp này.

“Trừ trường hợp nhận thừa kế, đối với giao dịch nhà ở từ mua bán, tặng cho đến trao đổi, xét trong bối cảnh hiện tại, tôi cho rằng thời điểm chuyển quyền sở hữu vẫn nên là thời điểm đăng ký, chứ không nên là thời điểm thanh toán tiền, càng không nên là thời điểm bàn giao”, ông Vinh nói.

Sai phạm được dung túng, chủ đầu tư làm liều?

Có một chỗ an cư ổn định lâu dài là nhu cầu tất yếu mà ai cũng mong muốn. Người có thu nhập cao thì dễ, còn đối với người có thu nhập trung bình thì sự lựa chọn không nhiều. Với một số ưu điểm, trong đó nổi bật là giá rẻ, thì chung cư mini có khi là sự lựa chọn có vẻ hợp lý. Thế nhưng, thực tế lại không hẳn như vậy...

Không khó để có thể nhận biết dấu hiệu nhà chung cư (CC) mini vì "mọc" lên giữa khu dân cư là những ngôi nhà cao vọt với áo quần phơi tứ bề. Khác với các CC thương mại, CC mini thường xuất hiện trong các ngõ, ngách, tập trung nhiều nhất ở các quận: Cầu Giấy, Đống Đa, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân… Chính vì ở trong nội đô, giá cả phù hợp với người lao động có mức thu nhập trung bình nên phần lớn CC mini xây đến đâu là có người đặt tiền mua đến đó.

Trong vai người đi tìm mua căn hộ CC mini, phóng đã tiếp cận được với nhiều chủ công trình; đôi khi tiếp xúc với cả các "cò" là người bảo vệ cho tòa nhà (đồng thời cũng là người môi giới mua bán căn hộ)… Rất tự tin, ông chủ tên H. ở tòa nhà số 300 đường Mỹ Đình, phường Mỹ Đình 1 (quận Nam Từ Liêm) khẳng định: Căn hộ xây ở tầng sai phép sẽ tách được sổ hồng, nhưng phải làm đợt sau, khi chủ đầu tư đã làm xong các thủ tục nộp phạt để được tồn tại. Chủ đầu tư sẽ hỗ trợ người mua nhà 10 triệu đồng để tách sổ. Để được xây sai phép thì phải "bôi trơn".

Bất động sản trở thành “khối u ác tính” giết chết PVL

Với số vốn điều lệ “khủng”, sự chống lưng của công ty mẹ lớn, PVL “hùng hổ” bước vào thị trường bất động sản TP.HCM. Thế nhưng, lĩnh vực này lại đang dần giết chết PVL.

Công ty cổ phần địa ốc Dầu khí (PVL) là thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, có vốn điều lệ 500 tỷ đồng. Với số vốn điều lệ “khủng”, sự chống lưng của Tập đoàn dầu khí, PVL “hùng hổ” bước vào thị trường bất động sản TP.HCM với 2 dự án Petro Vietnam Landmark (phường An Phú, quận 2) và Petrovietnam Green House (phường Linh Tây, quận Thủ Đức). Những tưởng, PVL sẽ trở thành một “đại gia” trong giới kinh doanh địa ốc trong tương lai. Thế nhưng, giờ đây chính bất động sản đang giết chết PVL.

2 dự án được coi là “nổi tiếng” nhất của doanh nghiệp này và cũng gắn với nhiều tai tiếng là Dự án Petrovietnam Landmark và Petrovietnam Green House. Cũng chính từ 2 dự án trên, lãnh đạo của PVL “dính phốt”.

Giao dịch bất động sản: Chủ đầu tư làm sai, ngân hàng phải đền

Ngân hàng phải là trung gian quan trọng trong các giao dịch bất động sản, nhưng trong các dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), vai trò của bên thứ ba này còn mờ nhạt.

Vấn đề thu hút sự quan tâm đặc biệt của các đại biểu Quốc hội và dư luận xã hội tuần qua là Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) được Quốc hội xem xét cho ý kiến tại kỳ họp đang diễn ra tại Hà Nội.

Góp ý với các dự thảo này, nhiều đại biểu Quốc hội kiến nghị Ban soạn thảo cần nâng cao vai trò của ngân hàng trong các giao dịch mua bán nhà ở, bất động sản hình thành trong tương lai để đảm bảo an toàn và tính pháp lý của các giao dịch.

Treo giấy tờ nhà: Hàng trăm hộ cam chịu sống nhờ bằng tên tuổi người khác

Mua đất nền có giấy tờ đầy đủ rồi xây nhà đúng luật pháp, hoàn thành nghĩa vụ với nhà nước thế nhưng vẫn phải chịu cảnh sống chui lủi vì mãi không được cấp giấy chủ quyền. Câu chuyện xảy ra tại phường Tân Chánh Hiệp, quận 12, TP.HCM.

Dự án này do Công ty cổ phần Hiệp Tân làm chủ đầu tư, thực hiện trên cơ sở bản đồ quy hoạch tổng thể được phê duyệt từ năm 1998. Hiện hàng loạt các công trình phúc lợi có trong bản đồ quy hoạch đã được phê duyệt của dự án đến nay vẫn chỉ nằm trên giấy.

Suốt 15 năm qua, hàng trăm hộ tại phường Tân Chánh Hiệp phải sống trong tình trạng có đất, có nhà nhưng không được cấp sổ hộ khẩu, không có số nhà. Điều đó khiến cho người dân ở đây vô cùng khốn khổ mỗi khi thực hiện các giao dịch liên quan đến giấy tờ pháp lí. Không còn cách nào khác, họ đành chạy vạy, nhờ vả người thân quen đứng tên giúp đỡ.

Gói tín dụng 30.000 tỷ đồng: Mở nhưng cửa vẫn hẹp

Gói tín dụng 30.000 tỷ đồng mới đây lại được nới lỏng thêm đối tượng vay và cho vay trong bối cảnh chỉ mới giải ngân hơn 12% sau gần 1 năm triển khai. Liệu việc "mở" hơn này có giúp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đang dậm chân hiện nay?

Những rào cản khác đối với gói 30.000 tỷ là những rủi ro của chính sách không được xem xét một cách đầy đủ. Theo quy trình cấp tín dụng thông thường thì ngân hàng luôn xem xét thận trọng khả năng trả nợ của khách hàng. Với những người thu nhập thấp thì tài sản thế chấp không đáng kể nên họ chỉ có thể thế chấp chính căn nhà họ đang mua. Tuy nhiên, cơ chế xử lý khi khách hàng không trả được nợ chưa được đề cập một cách rõ ràng.

Như vậy, thông tư mới tuy đã nới lỏng điều kiện cho vay nhưng một loạt vướng mắc khác lại chưa có hướng khắc phục. Việc những NHTM nhà nước cho vay chủ yếu mang tính “nghĩa vụ”. Do đó dù mở rộng ra đối tượng là các NHTM cổ phần khác cũng chưa chắc có hiệu quả. Do đó dù có mở như dự thảo thông tư mới thì cánh cửa của gói 30.000 tỷ vẫn còn hẹp.

Nộp tiền tỷ khách hàng vẫn bị 'treo' nhà

Nhiều người đã đóng hơn 90% giá trị căn hộ tại TP HCM nhưng vẫn phải đi ở trọ, trả nợ ngân hàng vì chủ đầu tư đã thế chấp dự án, bán công ty gây nên tình trạng sở hữu chồng chéo hoặc bị xiết nợ và không còn tiền để tiếp tục xây dựng.

Ông Thanh mua căn hộ Thảo Loan Plaza thuộc khu Trung Sơn, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP HCM với giá hơn 2 tỷ đồng được 2 năm nay. Khách hàng đã đóng 98% giá trị căn hộ, theo hợp đồng, chủ đầu tư là Công ty Thảo Loan phải bàn giao nhà vào quý II/2012, giao chậm 3 tháng sẽ bị phạt. Thế nhưng hơn 24 tháng qua, tiền tỷ đã trả mà ông Thanh vẫn phải ở trọ, trả lãi vay ngân hàng trong khi dự án đình trệ, đổi chủ đầu tư liên tục.

Thịnh Châu (TH)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.