CafeLand – Thị trường nhà đất tuần qua ghi nhận một số diễn biến đáng chú ý sau: Doanh nghiệp bất động sản có thể chết vì hàng tồn kho; Chính thức kiến nghị nới điều kiện vay gói 30.000 tỷ; Cảnh báo vốn dồn dập vào bất động sản; Nhập hộ khẩu TP. Hồ Chí Minh phải có 16 m2/người;….

Doanh nghiệp bất động sản có thể chết vì hàng tồn kho

Thống kê báo cáo tài chính của 60 doanh nghiệp trong ngành bất động sản đang niêm yết cho thấy tổng số hàng tồn kho đang tương đương với vốn chủ sở hữu. Trong đó nhiều doanh nghiệp hàng tồn kho đang chiếm một tỷ trong rất cao trong tổng tài sản. Với hiện trạng này nhiều doanh nghiệp sẽ còn phải vật lộn với đống hàng tồn kho cùng với gánh nặng nợ vay rất lớn.

Chính thức kiến nghị nới điều kiện vay gói 30.000 tỷ

Bộ Xây dựng vừa có tờ trình Thủ tướng Chính phủ kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số giải pháp về tín dụng nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.

Bộ cũng kiến nghị Chính phủ bổ sung thêm một số ngân hàng thương mại cổ phần theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước được phép tham gia cho vay gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 02 của Chính phủ.

Cảnh báo vốn dồn dập vào bất động sản

Các chuyên gia kinh tế khẳng định, nguy cơ thị trường bất động sản thừa cung, nợ xấu tăng hoàn toàn có thể xảy ra trong vài năm tới, nếu vốn dồn dập đổ vào không được kiểm soát.

TS Nguyễn Minh Phong cảnh báo, mục tiêu của Bộ Xây dựng là giải quyết hàng tồn kho, trong khi nhiều chương trình tín dụng cho bất động sản lại “kích thích” phát triển thị trường. Nếu thị trường bất động sản được bơm vốn, thiếu sự kiểm soát, sẽ bùng phát trở lại, gây “sốt”, làm náo loạn thị trường như thời gian trước.

Điều gì có thể ngáng chân gói 50.000 tỷ?

Sau khi tổ chức tại Tp.HCM, Ngân hàng Xây dựng và Tập đoàn Thiên Thanh mới đây đã tiếp tục giới thiệu gói tín dụng liên kết 4 nhà quy mô 50.000 tỷ đồng tại Hà Nội. Dự kiến hai đầu mối này sẽ tiếp tục tiếp thị tại Đà Nẵng trong tháng 5 tới.

Ngoài việc giảm thiếu chi phí sử dụng vốn, giá vật liệu cạnh tranh hơn khi tham gia chuỗi liên kết, giá bất động sản của dự án trong mô hình này khi đến tay người tiêu dùng cũng kỳ vọng có thể giảm thêm nhờ bớt các chi phí trung gian, chi phí “giao dịch dưới gầm bàn”. Nhưng, đây cũng chính là điều có thể ngáng chân tính hiện thực của mô hình liên kết 4 nhà nói trên.

Hoang mang các “nghiên cứu thị trường bất động sản”

Vài năm nay, có tình trạng nhiều đơn vị cùng lúc công bố nghiên cứu về thị trường bất động sản: Từ Bộ Xây dựng tới các Sở Xây dựng, doanh nghiệp trong và ngoài nước… Tuy nhiên, có khi cùng thời điểm, nhưng mỗi đơn vị lại đưa ra một kết quả khác nhau, khiến khách hàng không khỏi hoang mang.

Giá bất động sản đã ngừng giảm: "Lời ru buồn" cho người cần nhà

Vài ngày qua, một lần nữa dư luận lại có chuyện để bàn tán khi đại diện Bộ Xây dựng khẳng định "Xu hướng giảm giá bất động sản đã ngừng".

Nổi cộm, là thái độ… ngán ngẩm trước "điệp khúc" giá giảm (thậm chí tăng). Cũng là điều dễ hiểu, bởi thực tế gần 3 năm nay, những phát ngôn mang tính "lên dây cót" thị trường đã trở nên rất quen thuộc. Nhưng sở hữu bất động sản nhà ở với đa số người lao động thu nhập trung bình vẫn là điều xa xỉ.

Nhập hộ khẩu TP. Hồ Chí Minh: Phải có 16 m2/người?

Theo đề xuất của Sở Xây dựng, diện tích ở tối thiểu để được nhập hộ khẩu tại TP.HCM sẽ tăng lên hơn ba lần so với quy định hiện tại.

“Diện tích nhà ở bình quân để cá nhân được đăng ký thường trú thuộc trường hợp thuê, mượn, ở nhờ tại TP.HCM trong giai đoạn từ đây đến hết năm 2015 là 16-17 m2/người”.

Thịnh Châu (TH)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.