CafeLand – Mở rộng đối tượng và tăng thời hạn vay gói 30 nghìn tỷ; Gom ngàn tỷ, ba đại gia khuấy sóng nhà đất; Chủ dự án “cầm đèn chạy trước ôtô”; Khung giá đất ở tăng lên 162 triệu đồng/m2 theo dự thảo nghị định; Sếp phó Đất Lành: 'Không tin có nhà giá 8 triệu đồng/m2'; … là những thông tin thị trường nhà đất được nhiều bạn đọc quan tâm trong tuần vừa qua.

Mở rộng đối tượng và tăng thời hạn vay gói 30 nghìn tỷ

Chính phủ vừa ban hành nghị quyết sửa đổi bổ sung Nghị quyết 02 ngày 7/1/2013 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường giải quyết nợ xấu.

Theo đó, thời gian hỗ trợ đối với khách hàng là hộ gia đình, cá nhân tối đa là 15 năm (thay vì 10 năm như trước) khi vay vốn để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội và thuê, mua nhà ở thương mại.

Về đối tượng được vay vốn, cũng được bổ sung gồm: Cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, công nhân, người lao động có thu nhập thấp nhưng khó khăn về nhà ở, khi mua nhà ở thương mại tại các dự án phát triển nhà ở, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị trên địa bàn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt có tổng giá trị hợp đồng mua bán (kể cả nhà và đất) không vượt quá 1,05 tỷ đồng.

Cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động tại đô thị đã có đất ở phù hợp với quy hoạch đang khó khăn về nhà ở nhưng chưa được Nhà nước hỗ trợ dưới mọi hình thức, được vay vốn ưu đãi để xây dựng mới hoặc cải tạo sửa chữa lại nhà ở của mình. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định cụ thể mức vay vốn tối đa của các đối tượng này, đảm bảo nguyên tắc thấp hơn số tiền mà mỗi hộ gia đình, cá nhân được vay để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội tại các dự án phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn.

Chủ dự án “cầm đèn chạy trước ôtô”

Chia nhỏ căn hộ, chuyển đổi công năng dự án để đón đầu nhu cầu của thị trường là những cách linh động của nhiều doanh nghiệp để vượt qua thời điểm thị trường địa ốc khó khăn. Nhưng có nhiều chủ đầu tư đã chọn cách “tiền trảm hậu tấu”, chuyển đổi khi chưa được cấp phép, gây rủi ro cho khách hàng.

Dù mới được UBND quận 2 đồng ý điều chỉnh quy hoạch 1/500 nhưng chủ đầu tư Khu nhà ở cao tầng phường Bình Trưng Tây diện tích 11.519m2 (tên thương mại Homyland 2) – Công ty Cổ phần Xây dựng - Giao thông - Thương mại Bảo Sơn đã tự ý “chẻ nhỏ” căn hộ từ trước đó.

Cụ thể, dù đến năm 2014 mới có văn bản chính thức chấp thuận cho phép điều chỉnh quy hoạch 1/500 nhưng ngày 26/6/2013 dự án này đã được tổ chức mở bán đợt 1, gồm 150 căn với giá từ 16 triệu đồng/m2. Tại thời điểm đó, môi giới đã giới thiệu dự án gồm 425 căn hộ thay vì 313 căn hộ như quy hoạch ban đầu.

Việc thay đổi số lượng căn hộ đồng nghĩa với việc chủ đầu tư phải điều chỉnh giấy phép xây dựng nhưng tính đến thời điểm hiện tại, dự án đang trong quá tình hoàn thiện. Vậy có nghĩa là chủ đầu tư đã “linh động” điều chỉnh thiết kế dự án trước khi được cho phép?

Gom ngàn tỷ, ba đại gia khuấy sóng nhà đất

Ba đại gia nổi tiếng trong giới BĐS liên tiếp tung ra các dự án nhằm khuấy động thị trường, điều này cho thấy lĩnh vực này vẫn hấp dẫn các nhà đầu tư, đặc biệt là những đại gia lắm tiền nhiều của.

au Vinpearl Nha Trang và Đà Nẵng, đại gia Phạm Nhật Vượng đang chuẩn bị để vào tháng 11 tới đây, Vinpearl Resort Phú Quốc sẽ chính thức khai trương. Với 750 phòng và 30 biệt thự, đây không những là khách sạn lớn nhất của Vingroup,mà còn là dự án lớn nhất và 5 sao đầu tiên ở Phú Quốc.

Đại gia Đào Hồng Tuyển cũng đang tiếp tục củng cố thêm khối tài sản khổng lồ của mình. Tập đoàn Tuần Châu liên doanh với Tập đoàn Amata (Thái Lan) xây dựng dự án khu đô thị công nghiệp công nghệ cao tại Quảng Ninh với tổng mức đầu tư lên tới 2 tỷ USD.

Một đại gia khác, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch CTCP Tập đoàn FLC cũng đang đổ mạnh nguồn vốn vào thị trường BĐS. Chỉ trong thời gian ngắn, hàng loạt dự án BĐS lớn được tập đoàn này công bố. Trong đó phải kể tới 2 thương vụ mua bán sáp nhập đình đám là dự án 36 Phạm Hùng với 198 tỷ đồng và FLC Garden City tích rộng gần 8ha tại xã Đại Mỗ.

Dự án chung cư 129: Công trình sai phạm vẫn "tự tin" xin được giấy phép

Mặc dù công trình đã thi công đến tầng thứ 9 nhưng Công ty TNHH MTV 129 - chủ đầu tư dự án chung cư 129 tại địa chỉ 51 phố Nhân Chính, Thanh Xuân vẫn đang trong quá trình gửi hồ sơ lên Bộ Xây dựng, UBND thành phố Hà Nội, Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch – Kiến trúc để xin điều chỉnh.

Ngày 19/7/2014 dự án chung cư 129 bị UBND phường Nhân Chính đình chỉ thi công vì vi phạm trật tự xây dựng. Cụ thể, từ tầng 2 đến tầng 8 xây dựng tăng diện tích ban công kích thước 3,02x0,75 = 2,26 m. Đổ kín 6 ô thông tầng tại mỗi sàn từ tầng 2 lên tầng 8, dẫn đến diện tích mỗi sàn tăng lên 93m. Thay đổi hình dáng cấu tạo của 4 góc của công trình.

Trao đổi về những vi phạm trật tự xây dựng này, ông Nguyễn Văn Trọng – Phó giám đốc công ty TNHH MTV 129 cho biết: "Chưa có giấy phép xây dựng mới theo thay đổi nhưng chúng tôi khẳng định chăc chắn chúng tôi xin được.". Với tuyên bố đầy "tự tin" như vậy, phải chăng Chủ đầu tư - Công ty TNHH MTV 129 cố tình thi công sai với giấy phép xây dựng số 60/GPXD – SXD vào ngày 14/ 11/2013, để sau đó làm các thủ tục xin điều chỉnh để hợp thức hóa công trình xây dựng sai phép?

70 hộ dân khu tái định cư Dọc Bún: Khát nước và thiếu điện

Mặc dù đã bỏ gần cả trăm triệu đồng đóng phí cơ cơ sở hạ tầng nhưng đổi lại, điện không có thắp, cơm phải đi mua nước lọc về nấu vì nước quá bẩn. Câu chuyện này đang tiếp diễn hàng ngày tại khu tái định cư Dọc Bún, La Khê, Hà Nội.

Gần 70 hộ dân khu tái định cư Dọc Bún, La Khê chưa một ngày được dùng nước sạch để sinh hoạt kể từ khi chuyển về khu tái định cư. Suốt thời gian chuyển đến khu vực này, cả mấy chục gia đình phải mua nước, kéo điện thuê.

Dù đã cố gắng lắm để xây bể lọc nước nhưng nước sau khi đã qua mấy lần lọc vẫn đầy váng màu vàng đục, mùi hôi tanh. "Khi tôi bơm nước lên thì ngửi thấy đầy mùi bùn, màu vàng đậm. Chúng tôi phải khắc phục bằng cách cho qua nhiều lần lọc. Cách đây mấy trăm mét lại có một nghĩa trang, không biết có ô nhiễm không nhưng bà con không yên tâm", anh Dương Huy Quân, người dân ở đây nói.

Không chỉ phải mua nước, gần 70 gia đình khu tái định cư Dọc Bún còn "cắn răng" đi mắc điện thuê. Nếu giá điện thông thường là gần 1.600 đồng một số thì họ phải trả đến 2.100 đồng. Giá đã cao nhưng với người dân, có điện cũng đã là hạnh phúc lắm rồi. "Hiện nay, điện hoàn toàn không có, phải đi dùng nhờ, phải tự đi mua dây kéo về. Chúng tôi phải trả hai ngàn mốt một số. Kể cả giá gì đi chăng nữa nhưng họ cho dùng nhờ cũng là biết ơn lắm rồi", ông Nguyễn Văn Thạch bộc bạch.

Khung giá đất ở tăng lên 162 triệu đồng/m2 theo dự thảo nghị định

Bộ Tài nguyên & Môi trường đang lấy ý kiến địa phương về dự thảo Nghị định Khung giá đất với mức giá đất ở cao nhất lên đến 162 triệu đồng/m2, cao gấp 2,4 lần so với quy định hiện hành.

Theo dự thảo, Khung giá đất gồm 11 khung giá cho các loại đất và được xây dựng dựa trên 7 vùng kinh tế của đất nước gồm: Vùng Trung du và Miền núi phía Bắc, Vùng Đồng bằng sông Hồng, Vùng Bắc Trung bộ, Vùng Duyên hải Nam Trung bộ, Vùng Tây Nguyên, Vùng Đông Nam và Vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Mức giá tối đa và tối thiểu của từng loại đất cụ thể như sau:

Khung giá đất trồng cây hàng năm gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hàng năm khác đạt mức tối đa 250.000 đồng/m2 ở Vùng Đông Nam Bộ, tối thiểu 5.000 đồng/m2 ở Vùng Bắc Trung Bộ và Vùng Tây Nguyên;

Khung giá đất trồng cây lâu năm đạt mức tối đa 300.000 đồng/m2 ở Vùng Đông Nam Bộ, tối thiểu 5.000 đồng/m2 ở Vùng Tây Nguyên.

Sếp phó Đất Lành: 'Không tin có nhà giá 8 triệu đồng/m2'

Mức giá 8 triệu đồng/m2 với nhà giá rẻ, theo ông Nguyễn Văn Đực - Phó giám đốc công ty địa ốc Đất Lành - là không tưởng vì đây thường là giá vốn cho mỗi m2 sau khi xây dựng.

Tôi không tin có nhà giá rẻ giá 8 triệu đồng/m2. Nếu có, tôi sẽ đề nghị chủ đầu tư tự hạch toán các chi phí đầu vào như tiền đất, xây dựng, lãi suất ngân hàng và tin rằng sẽ không ai chứng minh được các chi phí này sẽ thấp đến mức có thể cho ra nhà ở thương mại giá rẻ 8 triệu đồng/m2. Doanh nghiệp làm nhà giá rẻ, lợi nhuận thu về đều dựa trên việc tính toán chi ly từng tý, từng tý một.

Với mức giá bán ra khoảng 13 - 14 triệu đồng/m2, chủ đầu tư còn chưa lãi nhiều, thì kể gì tới mức 8 triệu. Thậm chí, đã có những doanh nghiệp bán nhà giá rẻ để thu hồi vốn đầu tư. Ví dụ, họ mua mảnh đất giá 200 tỷ đồng, nếu hạch toán toàn bộ số tiền này, sản phẩm nhà sau khi xây xong phải bán 13 - 14 triệu đồng/m2 mới có lãi. Nhưng thay vì làm thế, họ chấp nhận hạch toán miếng đất đó chỉ 100 tỷ, bán với giá 11 - 12 triệu/m2 nhà sau khi xây xong. Doanh nghiệp này đứng trên quan điểm thà chấp nhận lỗ mà bán giá đó để thu hồi lại 100 tỷ, thoát khỏi thị trường, còn hơn để số tiền 200 tỷ nằm đắp chiếu. Có nhiều vấn đề mà những người bên ngoài không thể hiểu được hết câu chuyện đằng sau.

Thịnh Châu (TH)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.