CafeLand – “Nói giá đất tăng gấp đôi là chưa thấu đáo Luật Đất đai”; Sôi động làn sóng mua bán, sáp nhập dự án bất động sản; Năm nay, diện tích bình quân nhà ở sẽ đạt 21,5m2 mỗi người;… là những thông tin thị trường nhà đất nổi bật được nhiều bạn đọc quan tâm nhất trong tuần.

Hình minh họa

“Nói giá đất tăng gấp đôi là chưa thấu đáo Luật Đất đai”

Thời gian qua, dư luận khá ồn ào về việc Chính phủ quyết định tăng gấp đôi giá trần của khung giá đất ở tại đô thị. Trao đổi với PV, ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, nếu người nào nói “giá đất tăng gấp đôi” là chưa thấu đáo các quy định tại Luật Đất đai.

Tôi cho rằng, những lo ngại trên là không có cơ sở, thể hiện sự chưa thật sự thấu đáo các quy định của Luật Đất đai 2013, cũng như quy luật thị trường bất động sản. Tại khoản 2, Điều 114 (Bảng giá đất và giá đất cụ thể) của Luật Đất đai 2013 có quy định: “Bảng giá đất của Nhà nước được sử dụng vào các mục đích, gồm: tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất ở hoặc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở đối với phần diện tích trong hạn mức đất ở của hộ gia đình, cá nhân; tính thuế sử dụng đất; tính phí và lệ phí trong quản lý, sử dụng đất đai; tính tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; tính tiền bồi thường cho Nhà nước khi gây thiệt hại trong quản lý và sử dụng đất đai; tính giá trị quyền sử dụng đất để trả cho người tự nguyện trả lại đất cho Nhà nước đối với đất trả lại là đất đã trả tiền một lần cho cả thời gian sử dụng”.

Từ những quy định trên, có thể khẳng định rằng, bảng giá đất của Nhà nước không liên quan gì đến tiền sử dụng đất, tiền thuê đất mà nhà đầu tư phải nộp cho Nhà nước và cũng không liên quan gì đến tiền bồi thường cho người bị Nhà nước thu hồi đất.

Sôi động làn sóng mua bán, sáp nhập dự án bất động sản

Năm 2014, thị trường bất động sản (BĐS) hồi phục, cũng là lúc làn sóng mua bán và sáp nhập (M&A) khá sôi động với các thương vụ “khủng”. Đặc biệt, trong năm qua, "đấu trường" M&A không chỉ là sân chơi của các nhà đầu tư (NĐT), DN nước ngoài mà còn có sự góp mặt của các DN trong nước. Thậm chí, phần lớn các DN thâu tóm nhiều dự án không phải là các đại gia trong làng BĐS mà là những tên tuổi mới nổi.

Theo các chuyên gia, BĐS Việt Nam vẫn được đánh giá rất hấp dẫn, có nhiều tiềm năng tăng trưởng, do đó có sức hút mạnh với các NĐT, tập đoàn kinh tế lớn từ nước ngoài. Nghiên cứu của Công ty RCA - đơn vị chuyên tư vấn về M&A cho thấy, từ năm 2011 đến nay, hoạt động chuyển nhượng BĐS ngày càng gia tăng. Trung bình mỗi năm có khoảng 15 thương vụ được thực hiện. Các công ty trong nước vẫn chiếm lĩnh thị trường với tỷ lệ bên mua là 63% và cũng có tới 54% bên bán.

Trong năm qua, hầu hết những tên tuổi M&A quen thuộc đều là các DN nội như Novaland, Him Lam hay Đất Xanh. Thêm vào đó, những tên mới như Vingroup… liên tục công bố những thương vụ mua lại cổ phần của các DN BĐS lớn trong nước. Vingroup đã thâu tóm thành công dự án TP Xanh hơn rộng 17ha tại Mỹ Đình I bằng việc mua lại 99% CP của Công ty CP BĐS Hồng Ngân; mua lại dự án ở “vị trí vàng” 54 Nguyễn Chí Thanh để phát triển dự án Vinhomes.

Bất động sản nhúc nhích: Người mua đừng theo phong trào

Ông Lê Hoàng Châu - chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM - cũng khuyến cáo các chủ đầu tư chỉ nên tập trung vào khách hàng có nhu cầu thật sự, thay vì chạy theo các nhà đầu tư lớn.

Ông Châu nói: “Một trong những điểm tích cực của thị trường BĐS hiện nay là hầu hết các dự án được triển khai bởi những nhà đầu tư chuyên nghiệp, có thực lực trải đều ở hầu hết các phân khúc thị trường với lợi nhuận kỳ vọng vừa phải, chỉ 5-12%.

Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp đã sẵn sàng hợp tác đầu tư, bán lại dự án giúp thị trường được cơ cấu lại theo chiều hướng tích cực hơn, với hàng loạt dự án “chết” trước đó đã sống lại, quyền lợi khách hàng được đảm bảo. Và đặc biệt, thanh khoản của thị trường BĐS đã tốt hơn, thậm chí có sản phẩm người mua đã có lời dù không nhiều, do giá có dấu hiệu nhích lên”.

TP HCM khởi công gói thầu đầu tiên tuyến đường sắt đô thị số 2

Ngày 15/1, tại quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh, Công ty Cổ phần Xây dựng và Kinh doanh Địa ốc Hòa Bình đã khởi công gói thầu CP1 - Tòa nhà văn phòng và các công trình phụ trợ tại Depot Tham Lương thuộc dự án đường sắt đô thị số 2 (Bến Thành-Tham Lương).

Gói thầu CP1 do Công ty Cổ phần Xây dựng và Kinh doanh Địa ốc Hòa Bình làm nhà thầu thi công chính toàn bộ phần kết cấu kiến trúc với quy mô 1 tầng hầm, 8 tầng khối tháp; tổng giá trị hợp đồng xây dựng gói thầu hơn 173 tỷ đồng, thời gian thi công 480 ngày.

Ông Bùi Xuân Cường, Trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh (chủ đầu tư dự án) cho biết CP1 là gói thầu đầu tiên được khởi công của dự án tuyến metro số 2, có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo điều kiện và niềm tin để đẩy nhanh tiến độ các gói thầu đang trong quá trình chuẩn bị.

BĐS hồi phục: Cuộc giải cứu bất thành ở phía Tây Hà Nội

Đại lộ Thăng Long những ngày cuối năm, một bên giới nhà giàu nô nức đón giáng sinh và năm mới, còn bên kia, các dự án vẫn im lìm. Một bức tranh ảm đạm xám xịt về những biệt thự tiền tỷ hoang lạnh, những dự án um tùm cỏ mà các ông chủ ra sức giải cứu nhưng bất thành.

Cùng với sự xuống dốc của thị trường BĐS, các dự án đô thị phía Tây Hà Nội một thời từng là niềm mơ ước của các “đại gia” địa ốc nay trở thành dự án “chết”, cùng với đó là hàng chục nghìn tỉ của nhà đầu tư đang bị “chôn” vào đất mà không biết bao giờ lấy lại được.

Theo một thống kê chưa đầy đủ, trên địa bàn Hà Nội đã triển khai khoảng 370 dự án khu đô thị, phần lớn tập trung ở các vùng ven đô phía Tây như: Hoài Đức, Đan Phượng, Quốc Oai, Thạch Thất, Chương Mỹ... Nhiều dự án quy mô hàng ngàn tỉ đồng, đang giậm chân tại chỗ hoặc chủ đầu tư có dấu hiệu tháo chạy, gây khốn đốn cho người dân trong vùng dự án và chính quyền sở tại.

Năm nay, diện tích bình quân nhà ở sẽ đạt 21,5m2 mỗi người

Diện tích bình quân nhà ở toàn quốc phấn đấu đạt 21,5m2 sàn/người là mục tiêu được Bộ Xây dựng đặt cho năm 2015.

Chỉ tiêu này sẽ tăng 0,9m2 sàn/người so với kết quả đạt được là 20,6m2 sàn/người của năm 2014. Năm 2014, tổng diện tích sàn nhà ở toàn quốc tăng thêm 92 triệu m2 so với năm 2013, diện tích bình quân nhà ở toàn quốc cũng tăng 1m2 sàn/người so với năm 2013 (trong đó diện tích bình quân nhà ở tại đô thị khoảng 23m2 sàn/người, tại nông thôn khoảng 19,5m2 sàn/người).

Đáng chú ý, cả nước đã phát triển thêm khoảng 0,8 triệu m2 nhà ở xã hội (tương đương khoảng 12.000 căn hộ), đưa tổng diện tích nhà ở xã hội toàn quốc đạt khoảng 1,8 triệu m2.

Bất động sản du lịch Đà Nẵng: Lạc quan hơn với xu thế sáp nhập

Sau nhiều năm “đóng băng”, mảng địa ốc du lịch Đà Nẵng, chủ yếu ở khu vực ven biển, có thể có biến động nhất định trong năm 2015 nhờ chủ trương thúc đẩy mua bán, sáp nhập đang được địa phương thúc đẩy.

Một thành viên ban chấp hành Hiệp hội Bất động sản Đà Nẵng nhìn nhận, hoạt động của thị trường bất động sản nơi đây không khởi sắc trong năm 2014. Các đơn vị khai thác như Savills, CBRE, Đất Xanh, DanaLand… dù cố gắng có nhiều hoạt động “hâm nóng”, vẫn không làm tình hình khả quan hơn. Lượng giao dịch thấp, giá chào bán không ngừng hạ… là hiện tượng phổ biến.

Hơn 5 năm qua, Đà Nẵng phải chấp nhận “trả giá” khá nhiều về chiến lược hình thành và phát triển. Một nhà môi giới Hà Nội có vài dự án nhỏ bên bờ biển Đà Nẵng nhìn nhận, giai đoạn “bùng nổ” trước đây, toàn bộ đất nền ven biển thành phố này đều “bị sốt”. Một lượng lớn lô đất quy hoạch đã nhanh chóng được “cắm sổ” bởi các nhà đầu tư từ Hà Nội và phía nam. Trục ven biển Sơn Trà – Điện Ngọc được truyền thông biến thành tâm điểm các dự án nghỉ dưỡng 5 sao. Nhưng đến nay, phần lớn giao dịch này đều… nguyên trạng. Nghĩa là vốn và cơ hội đầu tư của các nhà đầu tư không khởi sắc.

Thịnh Châu (TH)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.