CafeLand – Tuần qua, thị trường nhà đất có những thông tin nổi bật đáng chú ý sau: Đòi phân lô bán nền dự án trung tâm thương mại; Địa ốc Đà Nẵng: Cần định lại tâm lý thị trường; “Không nên cho người nước ngoài mua nhà đơn lẻ”; TS. Alan Phan: Nhà đầu tư đang “gom” tiền cho cuộc chơi mới; 2.300 tỷ đồng mở rộng ga quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất;…

Đòi phân lô bán nền dự án trung tâm thương mại

Tập đoàn Rạng Đông lại tiếp tục “gây sốc” khi xin cho phân lô bán nền dự án trung tâm thương mại ngay giữa TP Phan Thiết.

Dư luận tại Bình Thuận chưa hết xôn xao về vụ Tập đoàn Rạng Đông vừa mua lại sân golf Phan Thiết đã xin chuyển làm khu đô thị thì tập đoàn này lại tiếp tục gây sốc tiếp.

Trong thời gian công ty trên rục rịch làm dự án trung tâm thương mại, giá đất tại khu vực lân cận tăng chóng mặt, lên đến gần 20 triệu đồng/m2. Nhiều người dân TP Phan Thiết tranh nhau mua các lô đất bao quanh khu dự án và xây nhà chờ cơ hội làm ăn khi trung tâm thương mại hiện hình.

Tuy nhiên, từ ngày khởi công đến nay công ty chỉ dựng một trụ quảng cáo ghi Rạng Đông Plaza. Theo năm tháng, khu đất mọc đầy cỏ dại, trở thành nơi quen thuộc của thú nuôi. Nhiều người dân đi qua khu dự án đều tỏ ra khó hiểu khi giữa lòng một đô thị lại có bãi hoang rộng lớn như vậy.

Địa ốc Đà Nẵng: Cần định lại tâm lý thị trường

Theo các chuyên gia, hiện đang có rất nhiều dự án đầu tư bất động sản lớn đã “trực chỉ” hướng đầu tư vào miền Trung, dự báo chặng cuối năm 2014 sẽ có thêm nhiều thông tin “nở rộ lạc quan”. Song đằng sau hướng mở cơ hội này, không ít nhà đầu tư địa ốc vừa và nhỏ vẫn tỏ ra băn khoăn?

Lý do đơn giản được các nhà đầu tư này chỉ ra, là họ rất khó định vị được tâm lý thị trường để đầu tư cũng như nắm bắt cơ hội từ người có nhu cầu nhà ở tại Đà Nẵng, qua đó mạnh dạn nắm lấy cơ hội kinh doanh hay không.

Một lãnh đạo ngành tài nguyên môi trường Đà Nẵng thừa nhận, chính những nhập nhèm thông tin, và định vị ưu thế với tập đoàn lớn như Sun Group, đang tạo nên “1 vòng kim cô” quanh thị trường nơi đây. Ông này phân tích, đơn cử với vụ việc ban lãnh đạo Thiên Thanh bị khởi, cơ quan chức năng mới đặt ra câu hỏi tiềm lực tập đoàn này thế nào và suy xét lại thực lực đầu tư các dự án ở Đà Nẵng và miền Trung. Nếu không có sự vụ khởi tố ấy, rõ ràng cái bóng như rất bí ẩn của tập đoàn này sẽ vẫn ngự trị tại thị trường nơi đây và làm trì trệ những dự án “đất vàng” như sân vận động Chi Lăng.

“Không nên cho người nước ngoài mua nhà đơn lẻ”

“Chúng tôi đề xuất điều này có thể Bộ Xây dựng không vừa ý, song chúng ta không nên mở rộng cho người nước ngoài được mua nhà đơn lẻ, biệt thự tại Việt Nam”.

Đó là ý kiến của Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM Lê Hoàng Châu trước đề xuất mở rộng đối tượng cho Việt kiều, người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam đang được Bộ Xây dựng đưa vào dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi và Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi.

Theo đó, thay vì chỉ được sở hữu nhà chung cư trong thời hạn 50 năm, Bộ Xây dựng muốn cá nhân, tổ chức người nước ngoài tới đây sẽ được sở hữu không hạn chế về số lượng và loại hình nhà ở thương mại trong dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án khu đô thị mới, dự án bất động sản du lịch.

Được biết, một trong những mục tiêu quan trọng của việc nới lỏng này là nhằm tháo gỡ khó khăn, giải phóng hàng tồn kho và tạo điều kiện cho thị trường bất động sản phát triển trong tương lai.

TS. Alan Phan: Nhà đầu tư đang “gom” tiền cho cuộc chơi mới

TS. Alan Phan cho rằng hiện đang có một dòng tiền với những chủ đầu tư mới và họ đang chuẩn bị cho một cuộc chơi mới.

Tôi cho rằng có hai điều phải suy nghĩ về thị trường bất động sản hiện nay.

Thứ nhất, thị trường vẫn chưa có một giải pháp hay một điểm sáng gì, thực sự nó chưa bắt đầu hồi phục.

Tuy nhiên, hiện có một dòng tiền từ nước ngoài cũng như từ trong nước đang đổ vào để mua những dự án mà những nhà đầu tư lúc trước đầu tư, giờ lỗ và phải bán tháo.

Đây là dòng tiền “cá mập” đang lợi dụng và đi vơ vét những “xác chết”. Những nhà đầu tư mới này họ bắt đầu mua bằng giá thấp hơn giá lúc trước các chủ đầu tư bỏ ra để thực hiện dự án.

TPHCM kiến nghị không bán Nhà khách Chính phủ

Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh vừa kiến nghị Chính phủ dừng bán đấu giá khu đất Nhà khách Chính phủ (số 1 Lý Thái Tổ, quận 10), đồng thời Sở Ngoại vụ TPHCM dự tính giao cho một doanh nghiệp du lịch khai thác ‘khu đất vàng’ này theo hướng giữ lại mảng xanh, bảo tồn các biệt thự có lối kiến trúc xưa.

Trước đó vào năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định đồng ý với Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính cho bán đấu giá quyền sử dụng khu đất Nhà khách Chính phủ tại TPHCM ở số 1 Lý Thái Tổ có diện tích 3,7 héc ta để có kinh phí xây dựng các dự án trọng điểm khác.

Nếu bán đấu giá, dự kiến sẽ thu về hàng ngàn tỉ đồng bởi khu đất này có vị trí đắc địa, nằm giáp ranh với các quận trung tâm như quận 1, 3, 5, 10 và bao bọc bởi các trục đường Lý Thái Tổ, Hùng Vương, Trần Bình Trọng. Ngoài ra, khu đất này còn có 7 căn biệt thự được xây dựng trong những năm 1950 theo lối kiến trúc Pháp nằm xen cài dưới những tán cây cổ thụ có tuổi thọ gần 100 năm, vườn, nhà hàng.

Ông Dũng 'lò vôi' đề nghị Thủ tướng cho phúc tra vụ kiện Chủ tịch tỉnh Bình Dương

Ông Huỳnh Uy Dũng (Dũng 'lò vôi' không đồng thuận với kết luận thanh tra do ông Ngô Văn Khánh - Phó Tổng Thanh tra Chính phủ ký.

Chiều 5.8, ông Huỳnh Uy Dũng – Chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam (Bình Dương) cho biết, ông sẽ gửi đơn lên thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh để đề nghị cho phúc tra kết luận thanh tra số 1549/KL-TTCP, ngày 4.7.2014 do ông Ngô Văn Khánh – Phó Tổng Thanh tra Chính phủ - đã ký vừa mới được công bố tại UBND tỉnh Bình Dương.

Ông Huỳnh Uy Dũng cho rằng: “Toàn bộ khu đất tôi mua từ UBND tỉnh Bình Dương và đã được UBND tỉnh Bình Dương cho phép bằng văn bản cho tôi đầu tư khu ở, cho phép tôi được quyền huy động vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng. Công ty chúng tôi đã nộp đầy đủ nghĩa vụ thuế, tiền sử dụng đất và đã được UBND tỉnh Bình Dương cấp Giấy chứng nhận QSDĐ, với mục đích là đất ở lâu dài. Thời gian qua, chưa cơ quan chức năng nào của tỉnh Bình Dương kết luận tôi sai. Thậm chí, các đoàn kiểm tra gồm các cơ quan chức năng như Sở Xây dựng, Sở TN-MT, đoàn thanh tra liên ngành sau khi đi kiểm tra việc thực hiện quy hoạch tại KCN Sóng Thần 3 cũng khẳng định công ty chúng tôi huy động vốn xây dựng cơ sở hạ tầng là đúng quy định luật pháp”.

2.300 tỷ đồng mở rộng ga quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất

Trong đề án trình Bộ, ACV cho biết dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành hiện mới chỉ ở bước nghiên cứu đầu tư nên việc mở rộng, cải tạo các cơ sở vật chất hiện có của Cảng hàng không Tân Sơn Nhất đóng vai trò quan trọng trong giải quyết nhu cầu hàng không của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Theo đề án này, dự kiến tổng mức đầu tư cho dự án vào khoảng trên 2.300 tỷ đồng, trong đó các gói thầu tư vấn và quản lý dự án sẽ sử dụng quỹ đầu tư phát triển của ACV, các gói thầu xây lắp và mua sắm thiết bị sử dụng nguồn vốn vay thương mại.

Dự án sẽ được phân kỳ đầu tư, trong đó giai đoạn một sẽ mở rộng nhà ga về phía Đông với tổng mức đầu tư khoảng 1.523,7 tỷ đồng, được thực hiện vào tháng 11 năm nay và hoàn thành sau một năm. Giai đoạn hai dự kiến tiến hành liền sau đó với việc mở rộng phần phía Tây, có tổng mức đầu tư là 787 tỷ đồng và sẽ hoàn tất đầu năm 2017.

ACV khẳng định phần diện tích mở rộng này nằm hoàn toàn trong phần đất thuộc Tổng công ty quản lý nên không phải giải phóng mặt bằng với bất cứ hộ dân nào.

Thịnh Châu (TH)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.