VKSND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu vừa kháng nghị phúc thẩm, đề nghị Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM hủy bản án dân sự sơ thẩm của TAND tỉnh này trong vụ tranh chấp 12.000 m2 đất ở khu vực đồi Ngọc Tước (phường 8, TP Vũng Tàu) giữa hai ông Đinh Công Luận, Đinh Văn Duẫn với ông Nguyễn Thành Vinh.

Theo hồ sơ, năm 1988, ông Luận, ông Duẫn và một người bạn mua giấy tay 12.000 m2 đất của người khác. Sau đó, họ đã làm nhà ở, trồng cây… Tháng 10-1992, hai ông Luận, Duẫn viết giấy sang nhượng cho ông Vinh với giá 24 chỉ vàng. Trong giấy không ghi rõ diện tích đất mà chỉ ghi tứ cận. Nhận vàng xong, hai ông giao cho ông Vinh bản chính giấy tờ đăng ký của chủ cũ để ông Vinh sang tên nhưng đến nay chưa được.

Cho rằng ông Vinh sử dụng đất không đúng diện tích như hai bên đã thỏa thuận nên ông Luận, ông Duẫn khởi kiện đề nghị tòa hủy giấy sang nhượng giữa các bên. Ra tòa mỗi bên khai một kiểu. Ông Luận và ông Duẫn khai chỉ bán cho ông Vinh 2.500 m2. Ngược lại, ông Vinh khai đo đạc theo tứ cận trong giấy sang nhượng thì diện tích khoảng 10.000 m2. Mua đất xong, ông Vinh đã nhờ chủ cũ ký giấy chuyển nhượng có công chứng với diện tích 10.000 m2 để sang tên cho ông. Từ đó, ông đã đóng thuế hằng năm. Khi Nhà nước thu hồi đất, ông có danh sách nhận đền bù. Ông Vinh cũng xây hàng rào, làm nhà ở và đã cho một số người thân quen dựng nhà tạm ở.

Xử sơ thẩm, TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của phía nguyên đơn. Theo tòa, giấy sang nhượng đất giữa các bên vi phạm pháp luật, vô hiệu ngay từ khi ký. Giấy này không rõ ràng về nội dung, không ghi rõ diện tích nên các bên không thể thực hiện, dẫn đến tranh chấp. Do chưa giao đất trên thực địa nên các bên phải trả cho nhau những gì đã nhận. Có cơ sở cho rằng phía nguyên đơn chỉ bán 2.500 m2 và tứ cận đất cũng tương đương. Từ đó, tòa đã buộc hai ông Luận, Duẫn phải trả 24 chỉ vàng SJC, bồi thường thiệt hại cho ông Vinh hơn 7,3 tỉ đồng. Ông Vinh và những người khác phải tháo dỡ nhà, trả lại đất cho hai ông Luận, Duẫn. Ngoài ra, hai ông Luận, Duẫn có nhà ở ổn định trên đất đó nên mỗi ông được công nhận 150 m2 đất ở tại vị trí có căn nhà, còn lại là đất nông nghiệp.

Trong quyết định kháng nghị, VKS tỉnh cho rằng bản án sơ thẩm có nhiều vi phạm cả về tố tụng lẫn nội dung.

Cụ thể, vào thời điểm tòa thụ lý vụ kiện, đất của hai ông Luận, Duẫn chưa được công nhận nên tranh chấp không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa. Cạnh đó, tòa xác định thiếu người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, xác định sai tư cách tham gia tố tụng của đương sự, chưa làm rõ các yêu cầu hỗ trợ di dời. Mặt khác, nguyên đơn không yêu cầu về việc công nhận đất nông nghiệp đang tranh chấp, trong đó có 300 m2 đất thổ cư nhưng tòa tự quyết định là vượt quá yêu cầu khởi kiện, vi phạm thẩm quyền giải quyết của tòa... Tòa tuyên ông Vinh phải trả lại hơn 7.800 m2 đất cho phía nguyên đơn nhưng theo đo đạc, diện tích đất mà ông Vinh quản lý chỉ có 6.800 m2

Ngoài ra, VKS còn cho rằng tòa thu thập chứng cứ không đầy đủ, đánh giá chứng cứ không khách quan. Hợp đồng chuyển nhượng đất giữa các bên phải được công nhận chứ không vô hiệu toàn bộ.

Linh Tuyền (Pháp luật TP.HCM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.