Xây dựng một chiến lược phát triển phù hợp, một nền tảng tài chính vững mạnh, xây dựng lòng tin vững bền với khách hàng, các nhà cung ứng chính là hướng đi đúng đắn cho các DN BĐS hiện nay.

Trong hơn 20.000 căn hộ chung cư tồn kho, theo công bố mới đây của Bộ Xây dựng, khoảng 90% có diện tích lớn, từ 90 m2/căn trở lên. Thị trường ở giai đoạn hiện tại, theo một số sàn giao dịch BĐS và cò nhà đất, đa số các căn hộ nhỏ với diện tích khoảng 60-70 m2/căn vẫn rất “đắt hàng”. Loại sản phẩm này luôn có giao dịch, rao bán đến đâu là có người tìm hiểu đến đó, nhưng số lượng lại không nhiều.

Với các căn hộ diện tích lớn, chủ đầu tư đã giảm giá đáng kể, song vẫn ít có giao dịch. Lý do được giải thích là tổng số tiền khách hàng phải bỏ ra khi mua các căn hộ loại này tương đối lớn, không phù hợp với đa số người có nhu cầu ở thực sự, trong khi thị trường không có cửa cho đầu cơ...

Sở dĩ có tình trạng cung và cầu “lệch sóng” này, theo một số người am tường thị trường BĐS, là bởi trước kia giá chênh lệch trên thị trường tương đối lớn với những căn hộ diện tích rộng. Giới đầu tư phát triển nhiều dự án hướng theo phân khúc này. Các đầu nậu, nhà đầu tư thứ cấp cũng sẵn sàng ôm vào để ăn chênh lệch giá. Song, khi thị trường BĐS có sự chuyển hướng, các nhà đầu tư kinh doanh không điều chỉnh kịp, dẫn tới tình trạng ế thừa hàng loạt ở nhiều dự án.


Nhiều khu đô thị vẫn không thể đưa được hàng tồn ra thị trường

Anh Nguyễn Thanh Bình, người chuyên môi giới, đầu tư nhà đất tại Thanh Xuân than thở, trước kia chỉ tính riêng chênh lệch, anh có thể bỏ túi cả tỷ đồng mỗi căn. Nay, với những căn có diện tích lớn, việc bán bằng giá cũng đã khó chứ đừng nói gì tới chờ chênh lệch vài trăm triệu đồng. Anh hy vọng, với chuỗi liên kết của các ngân hàng, chủ đầu tư, bên cung ứng vật liệu xây dựng… tới đây anh sẽ có thêm nguồn vốn để tiến hành thay đổi thiết kế căn nhà. Anh dự tính sẽ nhờ ngân hàng bơm vốn, thuê thiết kế chia nhỏ những căn hộ lớn để có thể bán nhanh hơn.

Không chỉ anh Bình, nhiều tổng công ty lớn, nhiều dự án BĐS cũng đang chờ các ngân hàng xây dựng gói tín dụng phù hợp để phục hồi thị trường. Nhiều dự án BĐS trong tình trạng ế đọng sản phẩm cũng đang chờ ngân hàng liên kết giải ngân để có vốn thay đổi thiết kế, chia nhỏ diện tích căn hộ để phù hợp hơn với thị trường, với nhu cầu của người sử dụng.

Chị Phạm Thị Liên (Hoàng Cầu, Đống Đa), một khách hàng mua nhà thuộc dự án Xa La (Hà Đông) đang đầy hy vọng sẽ sớm được nhận nhà trong thời gian tới, khi nghe thông tin về gói tín dụng liên kết của các ngân hàng. Vốn dự án của chị đã bị chậm tiến độ hàng năm trời. Chủ đầu tư hẹn bàn giao nhà hết lần này đến lần khác mà chưa thực hiện được. “Kiện thì chả biết kiện ai và kiện đến bao giờ. Chỉ được cái giục đóng tiền là nhanh và đúng hẹn lắm. Với gói tín dụng này, chủ đầu tư sẽ không còn viện vào lý do thiếu vốn để bắt khách hàng đóng tiền hoàn thiện nhà được nữa và chúng tôi cũng có thêm lý do để yêu cầu chủ đầu tư sớm hoàn thiện nhà, bàn giao cho khách hàng”, chị Liên bức xúc.

Quả đúng là từ trước tới nay, người mua nhà chỉ biết đóng tiền cho DN và không bao giờ biết tiền của mình có được đưa vào dự án hay không? Nhà thầu làm cho chủ đầu tư cũng không biết chủ đầu tư có trả tiền hay không?... Việc các ngân hàng tham gia vào chuỗi liên kết xây dựng sẽ có thêm một “bảo đảm vàng” cho những người mua nhà. Ông Nguyễn Vĩnh Trân, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư Nam Long cho rằng, việc liên kết 4 nhà là một ý tưởng tốt, nhưng mỗi bên tham gia phải tự nguyện thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Trong đó, người bán, nhà cung ứng phải đưa ra giá cả như thế nào cho phù hợp; ngân hàng phải giải ngân vốn đúng tiến độ với lãi suất phù hợp; chủ đầu tư, nhà thầu phải triển khai dự án đúng tiến độ.

Việc triển khai gói tín dụng liên kết phải một thời gian nữa mới có thể có những kết quả bước đầu. Song, các nhà đầu tư, DN không thể quá trông chờ vào gói tín dụng này. Bởi nhìn một cách tổng thể, gói tín dụng này chỉ là một phương thức để “cấp cứu” cho thị trường BĐS và lãi suất không hề có ưu đãi. Xây dựng một chiến lược phát triển phù hợp, một nền tảng tài chính vững mạnh, xây dựng lòng tin vững bền với khách hàng, các nhà cung ứng chính là hướng đi đúng đắn cho các DN BĐS hiện nay.

Hà Đăng (Thời báo ngân hàng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.