Theo các chuyên gia tài chính bất động sản, phải giải quyết được nợ xấu thì mới có thể kích cầu được tín dụng bất động sản và làm ấm thị trường nhà đất. Nhưng các chủ đầu tư rất khó tiếp cận vốn ngân hàng để triển khai dự án dở dang cũng như dự án mới

Nợ xấu đang là rào cản lớn đối với tín dụng bất động sản

Ngoài gói vốn 30.000 tỷ đồng được 4 ngân hàng thương mại nhà nước triển khai cho khách hàng có thu nhập thấp mua nhà với lãi suất 6%/năm, thì hầu hết các ngân hàng đang tập trung đẩy mạnh cho vay mua bất động sản.

Đặc biệt, khách hàng cá nhân có nhu cầu thực sự về nhà ở được các nhà băng săn đón bằng cách ưu đãi lãi suất vay.

Thế nhưng, không phải vì thế mà tín dụng bất động sản có thể tăng. Đáng chú ý là, với các chủ đầu tư, việc tiếp cận nguồn vốn vay của ngân hàng để triển khai các dự án dở dang cũng như dự án mới là rất khó khăn.

Phát biểu tại Hội thảo “Triển vọng phục hồi của thị trường bất động sản” do Báo Đầu tư phối hợp với Công ty Cushman & Wakefield tổ chức giữa tuần trước tại TP.HCM, ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc CTCP Địa ốc Đất Lành cho rằng, dù chấp nhận mức lãi suất cho vay cao, nhưng chủ đầu tư kinh doanh, phát triển bất động sản rất khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, nhất là trong bối cảnh tình hình nợ xấu gia tăng hiện nay.

Hiện các nhà băng tập trung tín dụng cho người mua nhà, song theo nhận định của các chuyên gia lĩnh vực địa ốc, chính nợ xấu đang là rào cản lớn đối với tín dụng bất động sản. Các ngân hàng tỏ ra thận trọng khi xem xét cho vay, nên dù lãi suất đã được ưu đãi về mức bằng 0% trong thời gian đầu, nhưng vẫn khó khuyến khích được người vay. Do đó, điều quan trọng nhất được không ít ý kiến đưa ra tại hội thảo trên là giải quyết nợ xấu trước khi có các giải pháp tài chính kích thích người mua.

Ông Chris Brown, Tổng giám đốc Công ty Cushman & Wakefield (Vietnam) cho rằng, tỷ lệ nợ xấu của ngành ngân hàng cao hơn con số 6% được báo cáo tại Việt Nam, mà hầu hết là nợ xấu của lĩnh vực bất động sản. “Đây là điều rất không có lợi cho nền kinh tế và thị trường bất động sản. Nếu ngân hàng và các nhà đầu tư không nhanh chóng giải quyết các khoản nợ xấu này, thì thị trường bất động sản khó có khả năng phục hồi. Càng chậm giải quyết nợ xấu, quá trình giải quyết càng khó, thị trường sẽ càng tệ, bởi nợ xấu tăng sẽ cản dòng chảy tín dụng vào thị trường bất động sản”, ông Chris Brown nói.

Giải pháp tài chính được đưa ra để kích cầu hiện nay mới có gói vốn 30.000 tỷ đồng dành cho người thu nhập thấp mua nhà ở với lãi suất 6%/năm. Tuy nhiên, theo Vụ trưởng Vụ Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước), ông Nguyễn Viết Mạnh, gói tín dụng này không hề đặt mục tiêu giải cứu thị trường bất động sản, mà nhằm giải quyết nhu cầu nhà ở cho người có thu nhập thấp.

Ông Mạnh cho rằng, hiện các ngân hàng đã dành nguồn vốn nhiều hơn cho lĩnh vực bất động sản, nhất là khi “room” cho vay đối với lĩnh vực không khuyến khích không còn phải hạn chế trần như trước đây, lãi suất cho vay hiện đã giảm xuống mức đáng kể, tạo điều kiện tốt cho cả doanh nghiệp và khách hàng cá nhân vay vốn mua nhà để ở.

Theo GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ tài Nguyên và Môi trường, thị trường bất động sản không thể phục hồi, nếu nợ xấu chưa thể giải quyết dứt điểm. Còn chính sách hỗ trợ phân khúc nhà giá rẻ, điển hình như gói 30.000 tỷ đồng, cũng chỉ là một trong những giải pháp giúp làm tăng niềm tin cho thị trường, chứ không thể kỳ vọng sẽ phục hồi thị trường nhà đất trong một sớm một chiều.

Thùy Vinh (Báo Đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.