Báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê Trung Quốc cho thấy trong tháng 2-2012, giá nhà đất tại gần 2/3 các TP lớn bị sụt giá. Riêng tại những thị trường từng được xem là “nóng” nhất cả nước ở hai TP lớn là Bắc Kinh, Thượng Hải đã giảm 10% và dự báo sẽ còn giảm thêm từ 10% đến 20% nữa trong năm nay.

Đặc biệt, giá nhà mới xây giảm tại 27 TP so với một năm trước đây. Rất nhiều TP bỏ hoang, một loạt căn hộ vừa xây xong, sắp được đưa ra thị trường phải đối mặt với tình trạng ế ẩm. Ở hoạt động của các cơ quan môi giới nhà đất, khối lượng nhà bán ra giảm 14% trong hai tháng đầu năm, khiến doanh thu giảm tới 20,9% so với cùng thời kỳ năm ngoái.


Giá nhà đất giảm khiến giá vật liệu xây dựng cũng giảm theo. Cổ phần của các tập đoàn xây dựng Trung Quốc trên các sàn chứng khoán nội địa cũng liên tục bị mất giá. Những hiện tượng trên đang khiến nhiều nhà đầu tư tại Trung Quốc lo ngại vì nguy cơ vỡ bong bóng bất động sản tại Trung Quốc sẽ gây tác động dây chuyền tới đà tăng trưởng của nền kinh tế thứ hai thế giới.


Giới phân tích cho rằng, đây chính là kết quả từ chính sách thắt chặt tiền tệ chống lạm phát của Chính phủ Trung Quốc trong hơn 2 năm qua nhằm đưa thị trường bất động sản quay trở lại giá trị thực chất. Từ năm 2010, chính quyền Trung Quốc đã ban hành một số biện pháp để giới hạn các hoạt động đầu cơ địa ốc, như hạn chế người dân sở hữu cùng lúc nhiều căn nhà hay đánh thuế nhà đất tại một số TP, tăng lãi suất tín dụng để giới hạn các dịch vụ mua bán bất động sản.


Trước những tín hiệu không mấy lạc quan từ thị trường bất động sản Trung Quốc, nhiều người đặt câu hỏi, liệu bất động sản Trung Quốc có đi theo vết xe đổ của Mỹ? Điều đáng quan tâm nhất là quy mô bất động sản Trung Quốc lớn hơn Mỹ. Được biết, khoản đầu tư vào nhà đất của Mỹ trong thời kỳ đỉnh cao (năm 2005) chỉ tương đương với 6% GDP nhưng trong năm 2012 hoạt động đầu tư bất động sản của Trung Quốc chiếm tới 13% GDP. Đây cũng chính là lý do vì sao Bắc Kinh đang đứng trước một bài toán nan giải.


Một mặt, chính quyền trung ương muốn tránh không cho ngành địa ốc bị chững lại, đe dọa toàn “cỗ xe” kinh tế quốc gia, vì biết rằng ngành xây dựng là một trong những cột trụ của con tàu kinh tế Trung Quốc. Mặt khác, Bắc Kinh chưa thể nới lỏng các biện pháp điều tiết thị trường bất động sản đã áp dụng để kềm chế cơn sốt nhà đất, khiến phần lớn người dân Trung Quốc không có chỗ ở.


Trước sự lo ngại về nguy cơ đổ vỡ thị trường bất động sản Trung Quốc, các nhà cầm quyền nước này vẫn tỏ ý sẽ không chấm dứt việc điều tiết thị trường bất động sản. Trong kỳ họp Quốc hội diễn ra vào đầu tháng 3-2012, Thủ tướng Ôn Gia Bảo tiếp tục lên tiếng cảnh báo về “sự hỗn loạn của thị trường” từ việc giá nhà đất liên tục bị đẩy lên do các nhà đầu cơ.


Ông Ôn Gia Bảo tái khẳng định chính sách của Chính phủ Trung Quốc trong tương lai là tiếp tục thắt chặt kiểm soát thị trường nhà đất, tạo thêm cơ hội cho người dân có thể mua nhà. Chính những lời cam kết này đã làm dịu đi một số lo ngại và tạo hy vọng thị trường nhà đất sẽ sớm được cân bằng.

Theo SGGP
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.