Các ngân hàng thương mại sẽ chấm dứt huy động vàng từ ngày 1-5. Vậy từ đó về sau, người dân sẽ gửi vàng ở đâu? Có thể các ngân hàng thương mại sẽ đứng ra huy động vàng cho Ngân hàng Nhà nước

Ngày 14-4, giá vàng đóng cửa ở mốc 43,32 triệu đồng/lượng (bán ra), buổi chiều mua vào chỉ còn 43,12 triệu đồng/lượng, giảm 330.000 đồng/lượng so với ngày đầu tuần. Đây cũng là mốc thấp nhất của giá vàng trong 3 tháng qua.

Ngân hàng “săn” khách gửi vàng

Dù giá vàng khá thấp nhưng ghi nhận từ thị trường cho thấy giao dịch khá trầm lắng. Đại diện Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) cho biết lượng người đến mua vàng rất ít. Giá vàng không còn lực hấp dẫn và đã qua thời “làm mưa làm gió” như trước đây.
Giới phân tích còn dự báo giá vàng trong nước sẽ khó biến động mạnh cho đến ngày 25-5 khi Nghị định 24 về quản lý kinh doanh vàng có hiệu lực. Bằng chứng là giá thế giới trong tuần qua biến động khá mạnh, có phiên tăng giảm hơn 20 USD/ounce (khoảng 500.000 đồng/lượng) nhưng trong nước chỉ điều chỉnh nhỏ giọt.
Trái với sự trầm lắng của giá vàng trên thị trường, lĩnh vực huy động vàng của các ngân hàng (NH) thương mại lại khá sôi động. Từ nhận gửi vàng tiết kiệm, các NH đang dần chuyển sang giữ hộ vàng có trả lợi tức cao để tiếp tục giữ chân khách hàng. Hiện mức lãi suất gửi vàng qua phát hành chứng chỉ ghi danh ngắn hạn của một số NH lên tới gần 4%/năm.
Nhiều NH đang huy động vàng bằng chứng chỉ, nhận giữ hộ vàng có lợi tức cao như Đông Á, Eximbank, ACB, Nam Á, SCB… Chị Mai Thanh, nhà ở quận 7 - TPHCM, kể: Gần đây chị liên tục nhận được điện thoại của nhân viên chi nhánh một NH trên đường Khánh Hội, quận 4 hối thúc đến gửi vàng. Nhân viên này cho biết: Gửi vàng ở NH này an toàn, lãi suất cao và được tư vấn các kênh đầu tư khác…

Tìm chỗ gửi vàng
Nhân viên Eximbank kiểm đếm vàng gửi tiết kiệm. Ảnh: HỒNG THÚY

Ngày 1-5, khi Thông tư 11 của NH Nhà nước có hiệu lực, các NH thương mại sẽ phải ngưng huy động vàng, không được cho vay vàng và chuyển vàng thành tiền. Đón đầu quy định này, một số NH đã chuyển sang dịch vụ giữ hộ vàng với lợi tức trả cho khách hàng không khác gì lãi suất gửi vàng tiết kiệm.
Một chuyên gia kinh tế cho rằng cách thức các NH đang làm là để đối phó với quy định của Nhà nước khiến huy động vàng trở nên méo mó. Hiện vàng đã bị cấm làm phương tiện thanh toán nên chỉ được xem là một thứ tài sản có giá trị của người dân.

Gửi vàng ở đâu?

Sau ngày 1-5, nếu NH Nhà nước kiểm soát, giám sát việc huy động vàng của các NH, người dân sẽ gửi vàng ở đâu? Thực tế, nhu cầu tích trữ vàng như một tài sản bảo toàn đồng vốn của người dân đã có từ nhiều năm nay. Dù thị trường vàng không còn sôi động bởi giới đầu tư, lướt sóng đã tìm đến kênh khác hấp dẫn hơn nhưng người dân mua vàng tiết kiệm vẫn luôn có.
Theo NH Nhà nước, hiện lượng vàng trong dân khá lớn, từ 300-500 tấn. Một đề án huy động vàng cũng được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình hé mở tại buổi trả lời báo giới nhân dịp năm mới, theo hướng các NH thương mại sẽ làm đại lý cho NH Nhà nước trong việc huy động vàng. Với hình thức này, Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào thị trường mà thông qua các tổ chức trung gian, ở đây là các tổ chức tín dụng.

Tại Nghị định 24 mới ban hành cũng có đề cập việc NH Nhà nước sẽ thực hiện can thiệp, bình ổn thị trường vàng bằng cách mua bán vàng miếng trên thị trường trong nước và tổ chức huy động vàng theo quy định của Chính phủ. Nghị định 24 được đánh giá là một bước ngoặt về quản lý thị trường vàng, làm giảm độ “sóng” của vàng qua việc cấm thanh toán bằng vàng, quy về một đầu mối sản xuất vàng. Tuy nhiên, khi đã khẳng định quyền tích trữ, mua bán vàng của người dân, Nhà nước cần tạo ra các kênh bảo đảm an toàn để người dân có thể gửi vàng.

Ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch HĐQT SJC, cho rằng vướng mắc hiện nay trong đề án huy động vàng là lãi suất huy động bao nhiêu để người dân thấy hấp dẫn mà gửi. Bởi nếu cao quá, NH Nhà nước chưa làm gì để sinh lời số vàng huy động này đã phải trả lãi cho người gửi, còn thấp quá sẽ khó thu hút.
Theo ông Trần Thanh Hải, Tổng Giám đốc Công ty CP Kinh doanh và Đầu tư vàng Việt Nam (VGB), khi đã huy động vàng trong dân thì xem vàng như ngoại tệ, NH Nhà nước sẽ kinh doanh vàng qua tài khoản để bảo hiểm rủi ro do giá vàng thế giới biến động. Thế nhưng, việc hoán chuyển từ vàng tài khoản thành ngoại tệ và ngược lại là không đơn giản, nhất là những lúc thị trường biến động mạnh.

Đừng để dân cầm vàng mà chạy!

Một chuyên gia trong ngành vàng đề xuất: NH Nhà nước cần có hình thức huy động vàng hay hơn thay vì để người dân cầm vàng chạy từ NH này sang NH khác như hiện nay. Chẳng hạn, Nhà nước có thể phát hành các loại kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ vàng, trái phiếu vàng… Đến ngày đáo hạn, người dân chỉ việc đem số chứng chỉ này đến NH lấy lãi hoặc cầm cố ở NH để lấy tiền khi cần.

“Nhà nước phải tạo ra một kênh đầu tư an toàn cho người dân mà không phải vàng vật chất. Các loại tín chỉ vàng, trái phiếu vàng… thực chất là chứng khoán hóa vàng giống như cổ phiếu. Đồng thời, thị trường thứ cấp - nơi giao dịch các loại tín chỉ, kỳ phiếu, trái phiếu… này - cũng cần được tạo điều kiện phát triển” – chuyên gia này nói.

Theo Người Lao động
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.