Tiểu thương chợ Đầm Tròn, TP Nha Trang (Khánh Hòa) nói mình phải đóng tiền bằng cả một gia sản mới được kinh doanh trong chợ này, giờ xây chợ mới họ như bị mất “gia sản”.

Tiểu thương xem phương án sắp xếp tại dự án chợ Đầm Nha Trang của Công ty CP Sông Đà Nha Trang - Ảnh: Phan Sông Ngân

Sau nhiều lần khiếu nại, ngày 21-8 tập thể tiểu thương chợ Đầm Tròn nhận được văn bản trả lời của UBND TP Nha Trang. Trong văn bản này, UBND TP Nha Trang thừa nhận 23 năm trước đây, những người được bố trí kinh doanh trong chợ Đầm Tròn phải đóng góp một số tiền lớn.

“Tiền thế chân” bằng cả gia sản lớn

Câu chuyện hình thành việc kinh doanh của tiểu thương trong Chợ Đầm Tròn được văn bản nói trên của UBND TP Nha Trang thuật lại: cách đây gần 23 năm, UBND tỉnh Khánh Hòa có thông báo kết luận về phương án sắp xếp các ngành hàng tại chợ Đầm.

Theo đó, ngày 4-12-1992, UBND TP Nha Trang có quyết định giải tỏa Cửa hàng bách hóa tổng hợp chợ Đầm (thuộc Công ty Thương nghiệp TP Nha Trang). Toàn bộ cửa hàng này được chuyển giao cho ban quản lý chợ Đầm quản lý, bao gồm: giá trị bất động sản; tài sản và thiết bị trên đất; 127 cán bộ, CNV nhận khoán; 7 cơ quan quốc doanh thuê địa điểm; 86 hộ tư nhân kinh doanh bên ngoài cửa hàng.

Đến tháng 5-1993 theo phương án UBND tỉnh phê duyệt, UBND TP Nha Trang có quyết định thành lập hội đồng giám sát, sắp xếp, bố trí lô sạp trong chợ Đầm Tròn và sau đó tổ chức cho các hộ kinh doanh bốc thăm nhận lô sạp kinh doanh.

“Hộ kinh doanh tại các lô sạp cố định đều phải ký hợp đồng thuê địa điểm kinh doanh với ban quản lý chợ Đầm và có trách nhiệm nộp các khoản theo quy định đã ghi trong hợp đồng. Còn việc lắp dựng, sửa chữa lô sạp phải theo phương án sắp xếp của ban quản lý chợ Đầm, do tiểu thương chủ động thực hiện và thanh toán tiền trực tiếp cho đơn vị thi công” - văn bản của UBND TP Nha Trang nêu chi tiết.

Vấn đề đáng quan tâm nhất ở đây là các khoản đóng góp của bà con đã bỏ ra để được kinh doanh trong chợ Đầm Tròn. Theo đơn khiếu nại của tập thể tiểu thương, 23 năm trước bà con phải nộp từ 3,2-4 triệu đồng/lô sạp (tùy theo vị trí của lô sạp).

Những người “được nộp tiền” để bố trí các lô sạp kinh doanh trong chợ Đầm Tròn chính là những cán bộ, CNV được giải quyết các chế độ, chính sách theo nghị định 176 khi ấy của Chính phủ để trở thành tiểu thương trong chợ này.

Theo bà Tống Thị Sang, tiểu thương chợ Đầm Tròn, năm 1992 bà nộp 3,480 triệu đồng mới được giao một lô sạp. “Tôi công tác 14 năm, bậc lương 6/6, khi giải quyết nghỉ việc để chuyển thành tiểu thương tôi chỉ lãnh được 1,782 triệu đồng. Nói như vậy để thấy giá trị tiền nộp để nhận sạp khi đó là lớn lắm” - bà Sang kể.

Tương tự, sau 12 năm làm cán bộ nhà nước, bà Phạm Thị Huệ Anh được lãnh 1,223 triệu đồng giải quyết nghỉ việc nhưng khi ấy để được bố trí một lô sạp bán hàng mỹ nghệ tại khu tầng lửng trong chợ Đầm Tròn, bà đã nộp tới 4 triệu đồng.

Theo nhiều tiểu thương, khoản tiền nộp sạp khi đó là cả một gia sản lớn, có thể mua được một ngôi nhà nhỏ trong TP Nha Trang.

Ngoài khoản tiền “thế chân” kể trên, sau khi được giao lô sạp kinh doanh tại chợ Đầm Tròn, theo các tiểu thương và lãnh đạo ban quản lý chợ Đầm, hằng tháng, hằng năm tiểu thương còn phải nộp tiền thuê mặt bằng, thuế và nhiều loại phí dịch vụ khác…

Khu nhà ba tầng của dự án chợ Đầm Nha Trang còn đang xây dang dở (chụp trưa 21-8-2015) - Ảnh: Phan Sông Ngân

Nộp tiền tiếp để được vào chợ mới

Số tiền tiểu thương đã nộp lớn như thế nhưng đến thời điểm chuẩn bị triển khai dự án chợ Đầm của Công ty cổ phần Sông Đà Nha Trang thì ban quản lý chợ Đầm chỉ ký lại hợp đồng với tiểu thương hai lần, trả tiền theo từng tháng, có thời hạn gồm: từ tháng 1 đến tháng 6-2015 và từ tháng 7 đến tháng 9-2015.

“Hết thời hạn thuê địa điểm kinh doanh, tiểu thương chịu trách nhiệm tháo dỡ và di dời lô sạp của mình” - văn bản UBND TP Nha Trang viết.

Sơ đồ phương án sắp xếp kiôt, lô sạp tại tầng 1 của dự án chợ Đầm Nha Trang - Ảnh: Phan Sông Ngân

Đó cũng là câu trả lời cho khiếu nại của 287 tiểu thương chợ Đầm Tròn về kiến nghị đối với việc họ đã đóng góp mua lô sạp trước đây và yêu cầu bồi thường khi giải tỏa, di dời khỏi chợ Đầm Tròn.

Còn theo phương án bố trí, sắp xếp kinh doanh trong dự án chợ Đầm của Công ty cổ phần Sông Đà Nha Trang vừa mới niêm yết, các hộ tiểu thương đang kinh doanh tại chợ Đầm, khi vào thuê, mua kiôt, lô sạp để di dời vào kinh doanh trong chợ mới thì được hỗ trợ 1 triệu đồng/hộ.

Còn tiền thuê lô sạp trong chợ Đầm mới thì tính theo mét vuông tùy vị trí, tầng chợ, có giá 70.000 -300.000 đồng/m2/tháng. Nếu muốn ổn định tiểu thương phải nộp khoản tiền lớn một lần, thuê mua kiôt, lô sạp từ 5-48 năm, tức phải nộp một khoản tiền ban đầu rất lớn.

Tiểu thương chợ Đầm Tròn không đồng tình vì hơn 22 năm trước đây họ mất cả một gia sản lớn để có được nơi kinh doanh, giờ vì xây chợ mới họ lại phải mất tiếp một khoản tiền lớn nữa để được tiếp tục kinh doanh mua bán.

Tiểu thương xem niêm yết về dự án chợ Đầm Nha Trang - Ảnh: Phan Sông Ngân

Giá trị sang nhượng 400-800 triệu đồng/lô sạp

Các lô sạp kinh doanh ở chợ Đầm Tròn được quyền sang nhượng. Theo quy định tại nghị định 02/2003/NĐ-CP của Chính phủ và quyết định của UBND tỉnh Khánh Hòa (số 15/2004/QĐ-UB) thì “sau khi ký hợp đồng với ban quản lý chợ Đầm, các hộ tiểu thương có quyền sang nhượng điểm kinh doanh cố định hoặc cho thương nhân khác thuê lại điểm kinh doanh cố định đang còn trong thời hạn hợp đồng (không phải sang nhượng, cho thuê phần diện tích đất, nhà chợ Tròn)…”.

Theo ông Huỳnh Văn Đệ - trưởng ban quản lý chợ Đầm Tròn, giá trị sang nhượng các lô sạp trong chợ Đầm Tròn ở thời điểm trước khi xây chợ mới là 400-800 triệu đồng/sạp lô sạp. Thế nhưng, chủ các lô sạp đó không những không nhận được gì mà phải đóng tiền để được vào chợ mới.

Phan Sông Ngân (Tuổi Trẻ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.