Nhiều năm qua Nhà nước vẫn cấp phép kinh doanh, vẫn thu thuế nghĩa là trên thực tế, Nhà nước không phản đối việc kinh doanh tại nhà ở.

Việc Bộ Xây dựng hướng dẫn “những tổ chức, cá nhân không sử dụng nhà ở vào mục đích để ở sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính đến 30 triệu đồng” gây xôn xao dư luận bởi hàng triệu người có thể rơi vào trường hợp này.

Có hướng dẫn vẫn rất khó thực hiện

Trong văn bản gửi Bộ Xây dựng, Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận nêu rõ tại khoản 4 Điều 52 Nghị định 23/2009 quy định phạt từ 20 triệu đến 30 triệu đồng đối với hành vi sử dụng nhà ở trái mục đích quy định. Tuy nhiên, trên cả nước nói chung và ở tỉnh Bình Thuận nói riêng, đa số các tổ chức, cá nhân thường sử dụng nhà ở vào mục đích hỗn hợp (kết hợp kinh doanh dịch vụ hoặc kết hợp sản xuất), đặc biệt dọc theo các trục phố lớn, trục đường chính đô thị. Với thực tế ấy, Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận cho rằng nếu xử lý vi phạm hành chính theo quy định thì phải xử lý rất nhiều trường hợp và sẽ ảnh hưởng lớn đến tình hình ổn định xã hội; hơn nữa đây cũng là tập quán sinh hoạt có từ lâu đời đối với các đô thị trên cả nước. Vì lý do đó, Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận đề nghị Bộ Xây dựng có hướng dẫn để dễ dàng thực hiện quy định này.

Tại văn bản trả lời, Bộ Xây dựng nêu rõ: “Chỉ những tổ chức, cá nhân không sử dụng nhà ở vào mục đích để ở mới bị xử phạt vi phạm hành chính. Đối với những trường hợp vừa kinh doanh, sản xuất vừa ở thì có thể xem xét không xử phạt vi phạm hành chính”.

Tuy nhiên, ngày 7-5, trao đổi với phóng viên, một cán bộ Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận cho biết rất băn khoăn về hướng dẫn của Bộ Xây dựng nói trên. Theo vị này, sẽ rất khó khăn để thực hiện dù Bộ Xây dựng hướng dẫn chỉ những tổ chức, cá nhân không sử dụng nhà ở vào mục đích để ở mới bị xử phạt. Bởi lẽ khi kiểm tra ngoài việc phải phối hợp với UBND phường gõ cửa từng nhà yêu cầu xem giấy tờ nhà đất, còn phải xác minh xem chủ sở hữu cho thuê nguyên căn hay giữ lại một phần nhỏ để ở.

Việc sử dụng nhà ở để kinh doanh buôn bán là tập quán sinh hoạt có từ lâu đời, nếu xử phạt sẽ gây ảnh hưởng lớn đến ổn định xã hội. Ảnh: THU HƯƠNG

“Có trường hợp chủ căn nhà cho thuê nguyên căn và tiếp tục hợp đồng với khách hàng thuê nhà làm bảo vệ ban đêm vừa giữ nhà của mình vừa giữ tài sản cho khách hàng và kiếm thêm thu nhập từ lương bảo vệ. Trường hợp này xử phạt như thế nào vì thực tế chủ nhà đang ở trong chính căn nhà của họ? Hoặc có trường hợp hai vợ chồng già có nhà mặt tiền cho thuê nguyên căn, sau đó thuê nhà trong hẻm để ở và thu nhập chính của họ từ số tiền chênh lệch này, dù xác định họ đã không sử dụng nhà ở vào mục đích để ở nhưng xử phạt sẽ bị phản ứng, khiếu nại ngay” - ông này dẫn chứng.

Thu thuế tức là không phản đối

Không những khó thực hiện trên thực tế, hướng dẫn xử phạt nhà ở sử dụng trái mục đích của Bộ Xây dựng còn dẫn đến một hiện trạng phi lý: Người dân dùng nhà ở để mở cửa hàng, cửa hiệu hoặc cho thuê làm địa điểm kinh doanh buôn bán phải đóng thuế đều đặn cho Nhà nước nhưng lại có nguy cơ bị xử phạt bất cứ lúc nào vì “sử dụng nhà ở trái mục đích”!

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, Luật Doanh nghiệp tạo điều kiện thuận lợi nhất, thông thoáng nhất cho người dân đăng ký kinh doanh. Do đó, trong quy trình giải quyết hồ sơ đăng ký kinh doanh, cơ quan đăng ký kinh doanh không được đòi hỏi người đăng ký trình giấy tờ nhà, quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng… gì cả. Người đăng ký chịu trách nhiệm về các khai báo của mình, tự nghiên cứu các điều kiện đi kèm khi muốn kinh doanh.

Một cán bộ về đăng ký kinh doanh cũng cho hay trong bao nhiêu năm qua, chúng ta vẫn cấp phép kinh doanh, vẫn thu thuế đối với các trường hợp sử dụng nhà ở vào các mục đích khác như kinh doanh buôn bán. Nghĩa là trên thực tế, Nhà nước không phản đối vấn đề kinh doanh tại nhà ở. Bây giờ, đùng một cái lại đè ra phạt đến hàng chục triệu đồng thì sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống hàng triệu người dân và cả nền kinh tế. “Nếu Bộ Xây dựng tính chuyện phạt thì phải xem lại, bao nhiêu năm nay không tuyên truyền, không nhắc nhở, không phạt, đang lúc kinh tế khó khăn lại đè ra phạt nặng thì không tránh khỏi dân bức xúc” - vị này lưu ý.

Cũng theo vị này, nếu muốn thay đổi, muốn nhà ở ra ở mà nhà kinh doanh ra kinh doanh thì cần có lộ trình thực hiện. Phải nghiên cứu kỹ xem chúng ta có cần quy hoạch lại từng khu vực, ở ra ở, kinh doanh ra kinh doanh hay là không cần quy hoạch, cứ để người dân lựa chọn lĩnh vực kinh doanh nhưng phải xin thay đổi công năng nhà cho phù hợp. “Khi chúng ta chưa tính được hướng giải quyết, chưa có hướng ra cho đời sống người dân thì không thể vội bắt ngưng kinh doanh” - vị này nhấn mạnh.

Hiểu sao về “trái mục đích”?

Việc sử dụng nhà ở, nhất là nhà phố để kinh doanh, làm dịch vụ, lâu nay trở nên phổ biến, bình thường ở khắp các tỉnh, thành. Vậy nên có rất nhiều người đang “nhảy nhổm” khi nghe chính quyền đòi xử phạt theo khoản 4 Điều 52 Nghị định số 23/2009 với mức “phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân sử dụng nhà ở trái mục đích quy định”. Thế nhưng “trái mục đích” là sao? Những trường hợp nhà vừa để ở, vừa để kinh doanh hay hoàn toàn là để kinh doanh như đã nêu ở trên có phải là “trái mục đích”?

Theo Điều 1 Luật Nhà ở thì nhà ở là công trình xây dựng với mục đích để ở và phục vụ các nhu cầu sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân. Đây rõ ràng là cách giải thích về cái gọi là nhà ở. Song không thể từ khái niệm này để nói ngay rằng nhà ở chỉ để ở chứ không được dùng vào việc khác bởi lẽ nội dung này không được luật đề cập và về nguyên tắc thì người dân được làm những gì pháp luật không cấm. Trong những hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực nhà ở, Điều 8 của luật chỉ lưu ý “không được sử dụng nhà ở vào các hoạt động bị cấm theo quy định của pháp luật”. Và tất nhiên cấm thì phải có danh mục cụ thể, chẳng hạn ngành nghề cấm kinh doanh gồm có kinh doanh vũ khí quân dụng, chất ma túy, sản phẩm văn hóa phản động…, chứ không phải thứ nào cũng cấm. Nếu vậy Nghị định 23/2009 có tự mở rộng vấn đề ngoài luật và đang đánh đố những người thực hiện về cái gọi là “trái mục đích”?

T.TÂM

Bộ Xây dựng tự mâu thuẫn

Trong Quy chế quản lý sử dụng nhà chung cư (ban hành kèm theo Quyết định số 08/2008 của Bộ Xây dựng), Bộ Xây dựng quy định nghiêm cấm “kinh doanh các ngành nghề và các loại hàng hóa dễ gây cháy nổ (kinh doanh hàn, gas, vật liệu nổ và các ngành nghề gây nguy hiểm khác); kinh doanh dịch vụ mà gây tiếng ồn, ô nhiễm môi trường (nhà hàng karaoke, vũ trường, sửa chữa xe máy, ô tô; lò mổ gia súc và các hoạt động dịch vụ gây ô nhiễm khác)”.

Như vậy, có thể hiểu ngoài các ngành bị nghiêm cấm ra thì các ngành nghề khác vẫn có thể được kinh doanh tại nhà chung cư!

Theo Pháp Luật TP
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.