Các đô thị trên thế giới là không gian sống của khoảng 50% dân cư trên trái đất; là nơi sản sinh 80% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Đô thị cũng là nơi sử dụng phần lớn tài nguyên thiên nhiên khai thác từ lòng đất. Nơi tập trung nhiều nhất các nguồn phát thải các chất gây ô nhiễm cho hành tinh chúng ta cũng là các đô thị và khu công nghiệp.

Đô thị với khí thải cacbon thấp

Theo dự báo, năm 2030 hơn 60% dân số thế giới sẽ sống trong đô thị và chính sự tăng trưởng này sẽ gây áp lực rất lớn lên hạ tầng, nhất là vấn đề cấp nước và rác thải. Để giảm áp lực hạ tầng, giảm phát thải CO2 gây hiệu ứng nhà kính… nâng cao chất lượng sống của con người, tạo môi trường bền vững, trong lành thì xây dựng "xanh", kiến trúc "xanh" là giải pháp cần thiết đang được nhiều nước quan tâm.

Theo Viện Nghiên cứu xây dựng và kinh tế Nhật Bản, vận tải chiếm khoảng 20% lượng khí thải carbon tại nước này. Để đảm bảo cho sự phát triển bền vững, Chính phủ Nhật đã thực hiện nhiều biện pháp cần thiết để người dân có thể đi lại thuận tiện bằng các phương tiện vận tải công cộng và xe đạp. Thực hiện phát triển đô thị gắn với sử dụng các phương tiện thân thiện với môi trường (như xe bus hoặc xe ô tô sử dụng năng lượng điện). Chính quyền cũng nỗ lực cải thiện cơ sở hạ tầng hiện hữu (các ngã ba, các phương pháp ngã tư đường, nâng cao hệ thống vận tải thông minh), thực hiện các biện pháp phân luồng và đóng góp vào việc cải thiện chi phí nhiên liệu.

Quản lý rác thải và nước thải đô thị

Cùng với quá trình nâng cao mức sống, lượng rác thải tạo ra ngày càng nhiều, vì thế xử lý rác thải đã trở thành vấn đề nóng bỏng của hầu hết các thành phố trên thế giới.

Đối với Singapore, một quốc đảo vốn rất "eo hẹp" về diện tích, xử lý rác thải đã trở thành vấn đề sống còn ở. Vào năm 1999, bãi rác cuối cùng trên đất liền của Singapore ở Lorong Halus đóng cửa, Singapore khánh thành đảo nhân tạo đầu tiên trên thế giới làm hoàn toàn từ… rác thải và nay đã trở thành một địa điểm du lịch sinh thái độc nhất vô nhị. Nhờ vào các khâu hoạch định, thiết kế và xây dựng, kể từ khi đi vào hoạt động, bãi rác Semakau vẫn bảo vệ được hệ sinh thái cũng như môi trường tự nhiên phong phú. Hàng năm Semakau đón nhiều lượt du khách đến tham quan với chức năng như một điểm du lịch sinh thái: Câu cá, quan sát các loài chim, ngắm trăng sao và đa dạng sinh học và các hoạt động giải trí, ngoại khóa…

Ở Nhật Bản, tái chế rác thải đô thị là biện pháp ưu tiên hàng đầu với nguyên tắc: Tốn kém cũng tái chế. Theo số liệu của Bộ Môi trường Nhật Bản, hàng năm nước này có khoảng 450 triệu tấn rác thải, trong đó, phần lớn là rác công nghiệp (397 triệu tấn). Trong tổng số rác thải trên, chỉ có khoảng 5% rác thải phải đưa tới bãi chôn lấp, trên 36% được đưa đến các nhà máy để tái chế. Số còn lại, chủ yếu sử dụng công nghệ đốt để xử lý nguồn phần rác thải khó phân hủy, hoặc đóng rắn rồi mới đem đi chôn lấp.

Từ những năm 70 của thế kỷ trước, trên thế giới, trong lĩnh vực quản lý môi trường đô thị đã hình thành và ngày một hoàn thiện khái niệm về "Hệ thống tiêu thoát nước đô thị bền vững - Sustainable Urban Drainage System (SUDS)". Hệ thống SUDS vận dụng triệt để các nguyên lý và chức năng của hệ sinh thái tự nhiên nhằm xây dựng hệ thống thoát nước với một nguyên lý hoàn toàn khác với các nguyên lý thoát nước mưa truyền thống lâu nay. Đó là thay vì đẩy/thoát thật nhanh nước mưa ra khỏi đô thị bằng các hệ thống kênh thẳng, sâu hoặc hệ thống cống ngầm thì SUDS làm chậm lại các quá trình nêu trên và đưa nước mưa phục vụ cộng đồng với những giải pháp kỹ thuật mà trong đó sử dụng triệt để các khả năng lưu giữ và làm sạch của hệ sinh thái tự nhiên vào việc cải thiện chất lượng nước, bổ cập nguồn nước ngầm cộng với việc làm hài hoà cảnh quan thiên nhiên bảo vệ các nhóm loài sinh vật qua việc giữ gìn và tạo nơi cư trú cho chúng; trong đó, xử lý ô nhiễm do nguồn thải phân tán và chống ngập là những vấn đề chủ yếu và cấp bách.

Tạo ra môi trường sống lành mạnh mà không làm cạn kiệt nguồn lực năng lượng và vật liệu, đảm bảo có mối quan hệ hài hòa, có quy luật và đồng thời tồn tại giữa các hệ sinh thái, môi trường xây dựng là ước mơ hiện nay của loài người. Nhiều nước trên thế giới đã nhận thức được vấn đề sinh thái hóa đô thị là nhiệm vụ sống còn để cứu lấy trái đất khỏi ô nhiễm nặng nề. Họ đang tích cực nghiên cứu và thiết kế nhằm tạo ra các điểm dân cư sinh thái, các đô thị sinh thái và các công trình sinh thái bảo vệ môi trường đô thị một cách hữu hiệu. Với các đô thị ở Việt Nam, đây có lẽ cũng là một xu hướng tất yếu.

Theo Trần Đức Hạ (TN&MT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.