Hà Nội hiện có vô số ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo, khiến cho diện mạo Thủ đô nhếch nhác, xấu xí. Thành phố đã xác định đây là vấn đề phải giải quyết triệt để với tình thần và các biện pháp kiên quyết. Các quận, huyện cũng đang vào cuộc xử lý, phấn đấu đến cuối năm nay, trả lại diện mạo, vẻ đẹp cho đô thị.

Tiến trình trả lại diện mạo cho đô thị: Chậm vì cơ chế chưa rõ
Khu vực ngã tư Nguyễn Trãi - Nguyễn Xiển là nơi có nhiều nhà méo, mỏng Ảnh: Thành Công

Gần 200 nhà siêu mỏng, siêu méo bị thu hồi

Tại cuộc họp triển khai kiểm điểm tiến độ việc xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo trên địa bàn Hà Nội ngày 12/8, ông Nguyễn Khắc Thọ, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: Qua thống kê, rà soát của 13/29 quận, huyện đến nay có tới 622 trường hợp nhà, đất siêu mỏng, siêu méo không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng, tập trung ở các quận Hà Đông, Ba Đình, Đống Đa và huyện Từ Liêm. Trong số đó, có gần 200 trường hợp sẽ bị thu hồi đất theo Quyết định 15/2011/QĐ-UBND của UBND TP.

Cũng theo ông Thọ, đến nay, mới có 4 quận là Đống Đa, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng và Hoàng Mai gửi hồ sơ phương án các trường hợp hợp khối công trình sang Sở QHKT thẩm định. Sau khi TP có chủ trương cho các hộ dân có nhà siêu mỏng, siêu méo tự thỏa thuận để hợp khối công trình, đã có 21 căn hộ được hợp khối thành công. TP đang yêu cầu 68 hộ khác đủ điều kiện hợp khối công trình tiếp tục hợp khối. Đến thời điểm này, toàn TP đã xử lý được 39 nhà siêu mỏng, siêu méo vi phạm trật tự xây dựng khôi phục hiện trạng ban đầu. Trong đó, địa bàn "trảm" được nhiều nhà siêu mỏng, siêu méo nhất là quận Thanh Xuân với 30 trường hợp và quận Cầu Giấy 9 trường hợp. Hiện có 37 trường hợp vi phạm được các quận đề nghị giữ nguyên hiện trạng.

Tiến độ xử lý chậm

Tại cuộc họp, một số ý kiến cho rằng, việc thẩm định nhà siêu mỏng, siêu méo, hợp thửa, hợp khối rất mất thời gian. Nếu các quận, huyện cùng thẩm định, sẽ có các cách giải quyết khác nhau. Nếu để Sở QHKT thẩm định, sẽ bài bản, kỹ hơn, thống nhất trong cùng bối cảnh. Tuy nhiên, để đẩy nhanh tiến độ xử lý và giảm gánh nặng cho Sở QHKT, đại diện Sở Xây dựng đề xuất, TP nên tạo sự chủ động cho các quận, huyện xử lý những trường hợp đơn giản. Các trường hợp đặc biệt, phức tạp mới trình phương án lên Sở QHKT thẩm định.

Ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chánh văn phòng UBND TP cho rằng, đây là việc làm hết sức khó khăn, do đó phải nghiêm túc thực hiện. "Cần phải chỉ rõ trách nhiệm ở đâu chứ cứ tiếp tục đi xử lý hậu quả như hiện nay thì không giải quyết được. Tiến độ xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo đang bị chậm nên hàng tháng, Sở Xây dựng phải báo tiến độ giải quyết lên lãnh đạo TP, trong đó nêu ra những khó khăn và đề xuất phương án tháo gỡ để cùng bàn bạc, đưa ra phương án giải quyết tối ưu nhất, phấn đấu hoàn thành kế hoạch giải quyết loại nhà này trên địa bàn TP. Các quận, huyện không cần đợi hoàn chỉnh số liệu thống kê nhà siêu mỏng, siêu méo mới thực hiện bước tiếp theo. Trường hợp đủ điều kiện hợp khối nên thực hiện ngay, nếu không hợp khối được thì kiên quyết tháo dỡ. Để thực hiện, các địa phương phải tích cực làm công tác tuyên truyền cho các hộ dân đồng thuận, thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của TP" - ông Thịnh nói.

Thế nhưng, ông Thịnh cũng thừa nhận: Nói thì dễ nhưng bắt tay vào làm mới khó. Xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo cũng phải có lý, có tình. Dẫu là nhà xây dựng trái qui định, nhưng khi người ta đang ở, mình đến phá dỡ mà không bố trí chỗ ở cho dân thì cũng không thể làm được. Việc thu hồi đất cũng phải được thực hiện theo đúng qui định về GPMB, bồi thường hỗ trợ tái định cư. Sở Xây dựng phải chuẩn bị đủ quĩ nhà tái định cư để phục vụ việc xử lý loại nhà này.

Đại diện Sở Xây dựng đồng tình cho rằng, việc thu hồi đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng phải bố trí nhà tái định cư cho người dân. Hiện Sở Xây dựng đang quản lý khoảng 1.000 căn hộ tái định cư, đủ để bố trí cho các trường hợp bị thu hồi đất. Thế nhưng, hỗ trợ tái định cư thế nào cho hợp lý cũng đang là vấn đề mà các cơ quan chức năng băn khoăn.

Các công trình nhà siêu mỏng, siêu méo, đặc biệt là các trường hợp mới phát sinh thì trách nhiệm chính thuộc về các cơ quan quản lý Nhà nước. Các trường hợp này đa phần đều không có giấy phép xây dựng, lẽ ra khi người dân bắt đầu xây dựng, địa phương phải phá dỡ ngay. Nếu các địa phương làm nghiêm, TP không phải xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo với số lượng lớn như thế này. Chỉ một xe cát, xe vôi tập kết xây dựng, người quản lý ở địa bàn đã biết ngay, thì tại sao hơn 600 ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo mọc lên trong thời gian dài lại không được xử lý?

Ông Nguyễn Văn Thịnh

Phó Chánh văn phòng UBND TP


Theo Hồng Thái (Kinh Tế & Đô Thị)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.