Nội tệ của các thị trường mới nổi như Nga, Brazil, Mexico, đặc biệt là Indonesia và Malaysia ở châu Á, đang sụt giá đáng kể so với USD. The Economist so sánh tiền tệ châu Á hiện giảm giá như thời khủng hoảng tài chính khu vực năm 1998.
Nội tệ của Indonesia và Malaysia vừa chạm đáy 17 năm trong mùa hè năm nay - Ảnh: Reuters
Cách đây 4 năm, 1 đô la Mỹ ngang giá với 8.500 rupiad Indonesia và đổi được chưa đến 3 ringgit Malaysia. Hiện nay, 1 USD tương đương gần 14.000 rupiah và đem về được đến gần 4 ringgit.
Cả hai đồng nội tệ của Indonesia và Malaysia đều chạm đáy 17 năm trong mùa hè năm nay và vẫn đang trên đà giảm. Đây là mức giảm chưa từng có của hai đồng tiền này kể từ hồi khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998.
Tác động tổng hợp của giá cả hàng hóa hạ, tăng trưởng chững lại ở Trung Quốc và nguy cơ ngày càng cao của việc nâng lãi suất ở Mỹ khiến đồng tiền của các thị trường mới nổi có một năm khốn khó.
Brazil và Nga thì đang trong suy thoái, khiến đồng real và rúp cũng không tránh khỏi kịch bản tuột dốc. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, nước có nền kinh tế tăng trưởng chậm, bất ổn chính trị gia tăng và thâm hụt tài khoản vãng lai lớn, đã chứng kiến sự lao dốc của đồng nội tệ lira. Các nước khác như Chile, Colombia và Mexico cũng trong tình trạng tương tự.
Dù vậy, hai đại diện châu Á là rupiah và ringgit vẫn dẫn đầu cuộc đua xuống giá của những đồng tiền thị trường mới nổi. Cả hai lần lượt giảm 8,4% và 9,8% giá trị so với USD trong năm nay, nhiều hơn đồng baht Thái Lan với mức giảm 6,4% và đồng peso Philippines với mức giảm 2,2%.
Một trong những yếu tố dẫn đến tình cảnh của nội tệ Indonesia và Malaysia là sự phụ thuộc cao của hai nước này vào các loại hàng hóa xuất khẩu. Ngoài ra, Trung Quốc tăng trưởng chậm lại cũng tác động lên Malaysia và Indonesia. Đại lục là điểm đến hàng đầu cho hàng xuất khẩu từ Philippines và hai nước trên.
Giá dầu sụt một nửa trong năm qua khiến Malaysia bị thiệt hại đáng kể, vì dầu mỏ chiếm 30% nguồn thu của nước này. Indonesia thì nhập khẩu ròng dầu thô, nhưng các loại hàng hóa khác chiếm đến 60% lượng xuất khẩu của đất nước.
Thái Lan và Philippines thì ngược lại, cả hai đều có ngành sản xuất tiên tiến khá phát triển. Máy tính và linh kiện điện tử là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của họ.
Ở Malaysia, dự trữ ngoại tệ có vẻ như đã giảm xuống dưới mức 100 tỉ USD. Với riêng Indonesia, thâm hụt tài khoản vãng lai và việc phần lớn các khoản nợ của chính phủ nước này đang nằm trong tay nước ngoài càng khiến quốc gia châu Á nhạy cảm hơn với luồng vốn chảy ra trong trường hợp Mỹ tăng lãi suất.
Đối diện với tình hình này, hồi tháng trước, Indonesia áp đặt thuế nhập khẩu lên một số mặt hàng tiêu dùng, trong đó có cà phê, ô tô và bao cao su.
Câu hỏi đặt ra cho 2 quốc gia châu Á ngay lúc này là liệu “nỗi đau” trên sẽ kéo dài bao lâu?
Nhiều ý kiến dự báo giá cả hàng hóa sẽ đi lên, nhưng chỉ một phần nhỏ trong số đó dự kiến thời điểm giá cả tăng. Dù đồng nội tệ giảm giá có thể khiến hàng xuất khẩu thêm hấp dẫn, giá hàng hóa lao dốc lại dập tắt mặt lợi này. Nội tệ sụt giá còn đã và đang gia tốc lạm phát.
Thu Thảo (Thanh Niên)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.