Nếu sử dụng ngân sách, chắc chắn những người đóng thuế sẽ không chấp nhận.

Theo quan điểm của ông Nguyễn Thành Lưu, Giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu sản phẩm xanh Việt Nam thì cách tiếp cận là cứu ngân hàng để cứu DN là không hiệu quả. Cứu ngân hàng không mang lại lợi ích cho DN, gần như là không đến được DN. Còn nếu cứ lý luận cứu ngân hàng để cứu DN thì các DN sẽ chết trước. Vì các ngân hàng có rất nhiều nhóm lợi ích để chi phối, tiền đổ vào đó sẽ không còn cửa đến được DN”.

Quan điểm này thể hiện rất rõ về chuyện nên cứu DN để cứu ngân hàng, chứ không phải cứu ngân hàng để cứu DN. Ngân hàng Nhà nước mới đây cũng đề xuất hình thành một Công ty mua bán nợ để xử lý nợ xấu ngân hàng với số vốn 100.000 tỷ đồng. Thế nhưng, dù ở mô hình nào, đa số quan điểm của các chuyên gia kinh tế, người đóng thuế đều không đồng tình với việc dùng tiền ngân sách xử lý nợ xấu ngân hàng.

Người nộp thuế bức xúc nếu sử dụng ngân sách xử lý nợ xấu.

Ý kiến của thính giả Nguyễn Ngọc Thi, ở Thanh Hóa bày tỏ: “Bản thân tôi cũng rất bất bình về chuyện này. Tại sao Nhà nước lại phải bỏ ra một lượng tiền lớn như thế để mua lại nợ xấu, những khoản lỗ của DNNN mà do sự làm ăn yếu kém gây ra. Đây thực sự là vấn đề đau lòng”.

Khi đặt ra vấn đề xử lý nợ xấu ngân hàng, ông Nguyễn Trí Hiếu, một chuyên gia tài chính làm việc trong ngành ngân hàng, đồng tình với việc bỏ tiền ngân sách ra xử lý nợ xấu. Dễ hiểu vì ông đang làm việc trong lĩnh vực ngân hàng, nên phải ăn cây nào, rào cây đó. Thế nhưng ngay cả ông cũng đồng tình với những băn khoăn của người đóng thuế: “Người dân nghĩ thế là có lý, vì tiền ngân sách là tiền của dân. Dĩ nhiên nợ xấu của ngân hàng có trách nhiệm đầu tiên của người đi vay và người cho vay, tức ngân hàng. Nếu nợ xấu đó phát sinh, Chính phủ lại lấy tiền đóng thuế, mua tài sản độc hại là nợ xấu ra khỏi ngân hàng, thì ngân hàng quá hời”.

Giả sử GDP nước ta năm nay tăng trưởng khoảng 5%, thì giá trị sẽ là 128 tỷ USD. Như vậy, nợ xấu ngân hàng 280.000 tỷ, tương đương gần 14 tỷ USD, tức chiếm hơn 1/10 GDP. Trong đó, nợ xấu của DNNN được đánh giá chiếm tới hơn 2/3 tổng nợ xấu.

Phản đối việc chi ngân sách mua nợ xấu, chuyên gia kinh tế Nguyễn Thị Hiền - nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ cho rằng: “Không dứt khoát phải dùng tiền ngân sách, nếu dùng phải đưa ra Quốc hội xem xét. Vì ngân sách là tiền thuế do dân đóng góp. Các nhóm lợi ích hiện nay hoạt động mạnh, nếu dùng tiền ngân sách có thể dẫn đến tình trạng xin cho, nợ xấu không đáng mua, cứu cả những DN lẽ ra phải phá sản”.

“Tôi đang mua tôi”

Cũng đứng về phía những người không ủng hộ mua nợ xấu bằng ngân sách, ông ông Nguyễn Đại Lai, Trung tâm thông tin tín dụng NHNN đưa ra một điểm đáng lo ngại khi dùng tiền ngân sách xử lý nợ. Đó là ai sẽ xác nhận là nếu mua nợ xấu của DN này, thì sẽ vực dậy được và đóng góp cho nền kinh tế. Rất có thể xảy ra khả năng “xin cho” trong quá trình thẩm định, xét duyệt.

Thực ra nếu bỏ tiền ngân sách ra xử lý nợ xấu thì người được hưởng lợi lớn nhất là ngân hàng và DN. Ngân hàng là đơn vị biết rõ nhất sức khỏe của DN như thế nào. Thế nhưng nếu để NHTM xét duyệt, vì quyền lợi, họ sẽ yêu cầu ngân sách mua lại tất nợ xấu”.

Ngay như việc NHNN cho phép 14 NHTM mua nợ xấu lẫn nhau, thì cách này cũng không giải quyết được bản chất nợ xấu, mà nợ xấu chỉ từ ngân hàng này sang ngân hàng khác mà thôi. Thực tế hiện nay các ngân hàng đã đều có các công ty mua bán nợ, nhưng hoạt động rất cầm chừng, chỉ xử lý nợ trong nội bộ ngân hàng đó mà còn chưa có hiệu quả.

Tiếp theo động thái cho các NHTM mua nợ xấu của nhau, NHNN có kế hoạch thành lập một Công ty mua bán nợ với số vốn ban đầu cỡ 100.000 tỷ đồng. Chưa rõ số tiền này sẽ lấy ở đâu. Song, theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, không thể dùng trực tiếp ngân sách đổ vào công ty này để đi mua nợ xấu: “Chính phủ không có bổn phận mua nợ xấu ngân hàng. Đây là hệ thống ngân hàng tự tạo cho mình vấn đề này bằng lãi suất quá cao, khiến DN không hoạt động được, dẫn tới vấn đề nợ xấu. Và NHTM cũng có trách nhiệm giảm bớt khả năng tăng thêm nợ xấu. Còn vấn đề nữa là khi đã có cái gì mua đi bán lại, để có thể làm ăn được, thì không thể Nhà nước đứng ra mua lại nợ xấu, mà là việc của công ty mua bán nợ” – ông Bùi Kiến Thành nói.

Trong khi đó, lãnh đạo một ngân hàng cho rằng, một công ty mua bán nợ cỡ lớn có vốn đến cả trăm nghìn tỷ như thế, mà chỉ giải quyết nợ xấu thì chỉ là tức thời, trong khi không giúp hình thành được thị trường nợ mang tính dài hạn hơn.

Cũng có một số chuyên gia tài chính đề xuất là Chính phủ nên đứng ra phát hành trái phiếu đặc biệt, dùng tiền đó mua lại nợ xấu cho ngân hàng. Thế nhưng trớ trêu ở chỗ, ở nước ta, khi Chính phủ phát hành trái phiếu, thì người mua chủ yếu là các ngân hàng thương mại. Vậy không lẽ Chính phủ lại đứng ra vay tiền ngân hàng để mua nợ xấu cho chính ngân hàng? Giả sử vốn trái phiếu đó mua nợ xấu tràn lan, hệ lụy là ngân sách Nhà nước và người đóng thuế lại è vai gánh chịu.

Theo VOV
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.