Thực tế cho thấy, năm 2012 là một năm mà thị trường vàng có nhiều biến đổi, từ việc giá vàng thế giới liên tục lên xuống đến việc các chính sách của NHNN trong việc quản lý vàng tại Việt Nam.

Với quyết tâm chống “vàng hóa”, Ngân hàng nhà nước (NHNN) đang có những bước đi rõ rệt thông qua việc điều chỉnh một số chính sách trong năm nay. Tuy nhiên, những diễn biến phức tạp trong thời gian qua, liệu những giải pháp mà ngân hàng đưa ra đã thực sự phát huy được hết hiệu quả ...? Có đảm bảo được quyền lợi của người dân hay không?

Trong số báo ra ngày hôm qua 15-12, báo PL&XH đã phản ánh việc người dân thiệt đơn, thiệt kép khi muốn bán vàng miếng đang cất trữ, họ không chỉ mất khoản chênh lệch đương nhiên giữa giá mua và bán mà còn phải chịu một số khoản phí rất vô lý… Bất cập này phải chăng do cơ chế điều hành thị trường vàng hiện nay là chưa ổn?

Khác với mọi năm, thị trường vàng cuối năm khá ảm đạm.

Thực tế cho thấy, năm 2012 là một năm mà thị trường vàng có nhiều biến đổi, từ việc giá vàng thế giới liên tục lên xuống đến việc các chính sách của NHNN trong việc quản lý vàng tại Việt Nam. Là một nước ổn định về mặt chính trị nhưng Việt Nam lại bị chi phối và ảnh hưởng khá lớn bởi thị trường vàng, NHNN đã và đang có những bước đi và điều chỉnh trong chính sách nhằm huy động và chuyển hóa nguồn vàng từ nhân dân sang Nhà nước quản lý để chống “vàng hóa” và giảm bớt ảnh hưởng của vàng đến nền kinh tế. Nhưng liệu các biện pháp mà NHNN đưa ra đã thực sự hiệu quả, vừa đảm bảo ổn định nền kinh tế vĩ mô, vừa đảm bảo quyền lợi cho người dân cũng như các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vàng, đặc biệt là vàng miếng. Loại vàng hiện được coi là “tài sản” cất trữ an toàn nhất, không chỉ ở nước ta mà cả trên thế giới.

Về cơ bản, các chính sách mà NHNN đưa ra đều đúng với thực trạng kinh tế hiện nay, khi mà nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, khó kiểm soát thì việc Nhà nước muốn quản lý và kiểm soát chặt vàng miếng cũng như ngoại tệ là điều dễ hiểu. Nếu quản lý được tổng lượng vàng trên thị trường trong nước thì NHNN sẽ dễ dàng hơn trong việc điều tiết cán cân thanh toán quốc tế, tăng cường được dự trữ ngoại hối Nhà nước và đảm bảo chất lượng vàng cho Nhà nước cũng như người dân. Đứng ở góc độ vĩ mô, vàng khi đó sẽ được coi như một công cụ tài chính.

Đây là những bước đi đúng nhưng hiệu ứng mà nó mang lại chưa có nhiều tích cực và khá “mù mờ”. Trước đây, người dân mất quá nhiều thời gian và công sức trong việc đi mua vàng, như: Phải lựa chọn mua của thương hiệu nào, cửa hàng nào để được giá tốt nhất; địa điểm của các thương hiệu và cửa hàng đó có tiện lợi không; quy định về giao dịch, mua bán có thuận lợi và dễ dàng không, khách hàng có bị “ép” giá khi bán lại vàng không; giấy tờ bán hàng có rõ ràng và đảm bảo không. Có lẽ, việc độc quyền vàng miếng nói riêng hay bất kỳ một mặt hàng nào cũng đều phải đáp ứng được đầy đủ những yếu tố trên. Nhưng thực tế, sau khi NHNN xóa bỏ dần cơ chế mở cửa thị trường với vàng miếng, chuyển sang chọn biện pháp độc quyền vàng miếng SJC, thương hiệu vàng quốc gia, thì người dân vẫn tiếp tục “rơi” cảnh “loạn” với thông tin về giá và chất lượng vàng, thậm chí còn khá “vất vả” và khổ sở khi muốn bán lại vàng. NHNN đang muốn giảm bớt và quản lý được tổng lượng vàng mà người dân đang nắm giữ, tuy nhiên người dân có muốn “ủng hộ” chính sách đó thì phải chịu thiệt, có khi còn thiệt đơn, thiệt kép.

Trao đổi với PV, Thạc sỹ Phạm Tuấn Anh, nguyên phó giám đốc chi nhánh Hà Nội, Cty CP vàng bạc đá quý Phú Nhuận nhận định, trên thế giới việc độc quyền về một số mặt hàng trong những thời điểm nhất định không phải là hiếm. Tuy nhiên, đơn vị được phép độc quyền cần phải có đầy đủ cơ sở hạ tầng cũng như mạng lưới phủ kín, giúp người dân thuận lợi và dễ dàng giao dịch cũng như tiếp cận. Đối với trường hợp độc quyền về vàng miếng thì chúng ta cần phải nhìn trên một số khía cạnh sau: Thứ nhất, hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh vàng đều áp dụng công thức tính giá là: Giá trong nước = Giá thế giới (quy đổi) + Chi phí nhập khẩu (đã bao gồm thuế) + Chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh + Lợi nhuận doanh nghiệp. Trong đó, giá vàng thế giới là điều mà chúng ta không thể quyết định được, 3 mục còn lại Nhà nước và DN hoàn toàn có thể tính toán được. Liệu khi độc quyền, NHNN hay Cty SJC sẽ là người quyết định giá vàng miếng SJC?

Thứ hai, việc giá vàng lên xuống không quá ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, bởi vấn đề ở đây chỉ là khoảng cách giữa giá mua vào và bán ra, khung giá này từ trước đến nay chưa có một quy định cụ thể nào. Hầu hết khung giá được điều chỉnh theo nhu cầu về vàng của các DN, cửa hàng. Nếu DN cần vàng thì họ có thể đẩy mức giá mua vào lên cao, gần sát với giá bán ra nhằm thu hút vàng từ người dân. Ngược lại, khi nhu cầu vàng của DN giảm, họ sẽ hạ thấp giá mua vào, nhằm hạn chế tối đa việc nhập lại vàng. Nếu như mức chênh lệch giữa mua vào và bán ra là con số “cố định”, người dân có thể dễ dàng tính toán và cân nhắc khi mua bán vàng miếng, chủ động được nhu cầu của mình. Đây mới là điều cốt lõi của chính sách mà NHNN đưa ra và nó không phải là không thể làm được ...? Giải quyết được việc này thì có lẽ khoảng cách giữa giá vàng thế giới và giá vàng trong nước không còn quá quan trọng, có thể làm giảm bớt được sự phụ thuộc vào giá vàng thế giới. Ngoài ra, một số DN còn đưa ra rất nhiều quy định, gây khó khăn cho người dân khi bán lại vàng như việc yêu cầu có hóa đơn đi kèm, từ chối mua vàng của thương hiệu khác (kể cả vàng SJC),.... Thị trường vàng tại nước ta đang rơi vào tình trạng này...?

Thứ ba, nếu như Cty SJC được độc quyền về sản xuất và kinh doanh vàng miếng thì NHNN đã có những biện pháp hữu hiệu để quản lý giá bán và chi phí chưa? Trong hoạt động kinh doanh, các chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh như việc sản xuất, nhân công, ... DN đều có thể hạch toán được (DN vẫn có thể lường trước được khả năng chi phí đầu vào tăng) và nó gần như là một con số “cố định”. Trong thị trường mở, sức cạnh tranh lớn thì các DN đua nhau tiết kiệm chi phí một cách tối đa nhằm hạ giá thành sản phẩm, thu hút khách hàng. Nhưng khi độc quyền, liệu DN có còn quan tâm đến việc này nữa không? Khi mà quan hệ cung cầu có sự chênh lệch khá lớn, cầu thì nhiều còn cung chỉ có một. NHNN liệu đã quản lý và kiểm soát được chi phí này của Cty SJC hay chưa? Ví dụ như một chiếc bao bì bọc vàng miếng, hiện người dân phải trả từ 30.000 – 50.000 đồng/chiếc, ai là người kiểm chứng xem đây có phải là chi phí thực để sản xuất ra bao bì hay không? Nếu sau này, Công ty SJC lại nâng giá lên 100.000 đồng/chiếc thì sao? Người dân có “từ chối” mua được không, hay là sẽ bị “ép” phải mua?

Có lẽ, các chính sách mà NHNN đưa ra đều phù hợp với nền kinh tế hiện nay và mang tính vĩ mô cho sự phát triển. Nhưng cũng cần phải nhìn nhận lại việc quản lý những hệ lụy từ chính sách đưa ra, làm thế nào cho cả DN lẫn người dân đỡ thiệt thòi mới là điều quan trọng. Chính sách đó mới thực sự mang lại hiệu quả cao và có tính bền vững. Nên chăng, một mặt NHNN cần phải yêu cầu đơn vị độc quyền sản xuất kinh doanh minh bạch và công khai trong mọi hoạt động giao dịch. Mặt khác, NHNN cũng cần phải kiểm tra, giám sát thường xuyên nhằm đảm bảo quyền lợi không những cho người dân mà còn cả các DN kinh doanh cùng lĩnh vực. Có vậy, chính sách mà NHNN đưa ra mới thực sự mang lại hiệu quả cho nền kinh tế, giúp Việt Nam thoát khỏi khó khăn và phát triển bền vững.

Vàng miếng cũng “chính chủ” (!?)
Hiện nay, một số cửa hàng vàng yêu cầu người mua hay bán vàng phải ghi rõ tên, địa chỉ. Thậm chí như tại cửa hàng vàng tại 27 Phan Đình Phùng (Hà Nội), có vị khách khi mua vàng còn bị yêu cầu ghi rõ tên, địa chỉ để ghi vào hóa đơn. Khi khách hỏi vì sao phải ghi rõ thế thì không nhận được lời giải thích thuyết phục. Phải chăng giờ đây vàng miếng cũng phải “chính chủ”. Nếu ghi tên người mua trên hóa đơn, vậy nếu họ nhờ người thân mang vàng đi bán vàng thì phải chăng sẽ phải làm giấy ủy quyền(!?)

Sỹ Hào

Theo Nguyễn Tuấn (PL&XH)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.