"Nếu chúng ta không quản lí việc mua bán nhà ở và chuyển giao quyền sử dụng đất theo đúng mục đích và điều chỉnh các giao dịch nhà đất bằng các chính sách thuế thích hợp thì không những chính sách đó sẽ bị người ta lợi dụng mà còn bị chính những người thực thi chính sách lạm dụng làm sai lệch" - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn nhận định.
Liên quan đến đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị quyết số 19/2008/QH12, về thí điểm cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam, PV Báo Đất Việt đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài về vấn đề này.
Nếu chúng ta không quản lí nghiêm việc mua bán nhà ở thì coi chừng chính sách này sẽ bị lạm dụng làm sai lệch.

PV:- Bộ Xây dựng vừa đề xuất mở rộng đối tượng và điều kiện để người nước ngoài mua và sở hữu nhà tại Việt Nam. Ví dụ cho phép tất cả Việt kiều có visa vào VN từ 3 tháng trở lên được mua và sở hữu nhà. Với cương vị là Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, ông có đánh giá gì về chính sách này của Bộ Xây dựng?

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn: - Nhà và đất ở là vấn đề lớn trong hệ thống chính sách liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài và công tác vận động kiều bào, có tác động sâu rộng về kinh tế - xã hội và phát triển đất nước được kiều bào đặc biệt quan tâm.
Kể từ sau năm 2009, Quốc hội thông qua Luật số 34/2009/QH12 sửa đổi bổ sung Điều 126 Luật Nhà ở và Điều 121 Luật Đất đai, Nghị định số 71/2010/NĐ-CP và nhiều văn bản pháp luật liên quan đến sở hữu nhà và quyền sử dụng đất tại Việt Nam của người Việt Nam ở nước ngoài đã được ban hành như một chính sách ưu đãi đối với người Việt Nam ở nước ngoài.
Tuy nhiên, các quy định pháp luật này vẫn giới hạn về đối tượng, số lượng mua nhà, các điều kiện và thủ tục mua, sở hữu nhà ở gắn với quyền sử dụng đất ở, làm phát sinh những vướng mắc, phức tạp đối với việc mua nhà ở của bà con kiều bào.
Ví dụ, người có quốc tịch Việt Nam, người gốc Việt Nam thuộc diện đầu tư lâu dài, nhà văn hóa, nhà khoa học về làm việc tại Việt Nam, người có công, người có kỹ năng đặc biệt, người kết hôn với công dân Việt Nam ở trong nước được sở hữu không giới hạn số lượng nhà gắn với đất ở.
Người gốc Việt Nam không thuộc diện trên chỉ được sở hữu 1 căn nhà riêng lẻ hoặc một căn hộ chung cư để ở.
Đối với nhà và đất ở, người Việt Nam định cư ở nước ngoài có mọi quyền và nghĩa vụ như người trong nước trừ quyền thế chấp tài sản để bảo lãnh tín dụng.
Về điều kiện và thủ tục, ngoài giấy tờ chứng minh thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, đối với người có quốc tịch Việt nam phải có hộ chiếu Việt Nam hoặc hộ chiếu nước ngoài và giấy tờ chứng minh còn quốc tịch Việt Nam.
Đối với người gốc Việt Nam phải có hộ chiếu nước ngoài, giấy xác nhận có gốc Việt Nam cùng giấy miễn thị thực và phải được phép cư trú từ 3 tháng trở lên. Người mang hộ chiếu Việt nam phải có sổ tạm trú hoặc giấy tờ xác nhận đăng kí tạm trú. Người mang hộ chiếu nước ngoài phải có thẻ tạm trú hoặc dấu chứng nhận được phép cư trú đóng trên hộ chiếu có thời hạn từ 3 tháng trở lên..
Ngoài ra, người Việt Nam định cư ở nước ngoài còn phải qua thủ tục công chứng (đòi hỏi phải có hộ khẩu và chứng minh nhân dân – những giấy tờ mà người Việt Nam ở nước ngoài không thể đáp ứng) để hoàn tất thủ tục mua bán, sang tên, cấp giấy chứng nhận sở hữu nhà và quyền sử dụng đất.
Tiếp tục thúc đẩy việc triển khai Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ đối với công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài, nhân dịp sửa đổi Luật Đất đai và Luật Nhà ở, vừa qua Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề nghị xem xét giải quyết để người Việt Nam định cư ở nước ngoài không phân biệt có quốc tịch hay gốc Việt Nam khi đã nhập cảnh về Việt Nam được sở hữu nhà ở gắn liền với đất ở, không hạn chế số lượng, có quyền và nghĩa vụ đối với nhà ở và đất ở như mọi người dân trong nước nhằm tháo gỡ những vướng mắc cản trở về thủ tục giấy tờ, thực hiện đúng chủ trương đồng bào ở nước ngoài là “một bộ phận của dân tộc”.
Tôi tin rằng kiến nghị này sẽ được kiều bào ta hoan nghênh và nhận được sự đồng tình ủng hộ của các Bộ Xây dựng, Tài nguyên Môi trường, Tư Pháp và các ban ngành liên quan và hy vọng sẽ được thể hiện trong Luật Đất đai và Luật Nhà ở sửa đổi trình Quốc hội thông qua lần này.
PV: -Theo nhiều chuyên gia kinh tế thì chính sách này sẽ là tín hiệu tốt cho thị trường BĐS Việt Nam và nhiều nước trên thế giới họ đã làm. Ông có thể cho biết, trên thực tế, các nước khác đã thực hiện chính sách này như thế nào? Và phải làm thế nào để tạo điều kiện tốt nhất cho kiều bào và người nước ngoài sang Việt Nam mua được nhà?
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn: - Tôi cho rằng chính sách này là đúng với quy luật thị trường, không chỉ tốt đối với thị trường bất động sản mà cả nền kinh tế nói chung và chính sách hội nhập quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài, chính sách vận động người Việt Nam ở nước ngoài tham gia phát triển đất nước.
Chúng ta cần tháo dỡ bớt các rào cản và quy định mang tính hành chính, phân biệt và hạn chế đối với việc sở hữu nhà ở đối với người nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài, chuyển sang quản lí theo mục đích của việc mua bán nhà ở và chuyển giao quyền sử dụng đất và điều chỉnh các giao dịch bằng các chính sách thuế thích hợp như nhiều nước đã làm.
Người nước ngoài thường trú dài hạn có nhu cầu nhà để ở thì được mua nhà ở với quyền lợi và nghĩa vụ như người dân sở tại; còn người nước ngoài nếu mua nhà để kinh doanh như cho thuê, đầu tư… thì phải theo các quy định về đầu tư kinh doanh nhà ở.
Có như vậy mới tạo điều kiện cho kiều bào và người nước ngoài được mua nhà và sở hữu nhà ở Việt Nam.
PV: - Những mặt tích cực từ chính sách này chúng ta đều thấy được. Tuy nhiên, liệu có những mặt tiêu cực không, thưa ông? Bởi trên thực tế, những người giàu ở một số quốc gia như Trung Quốc, họ luôn chọn mua nhà ở những vị trí đắc địa, tại các thành phố hàng đầu thế giới, mua cả một khu phố và từ đó có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân Việt. Vấn đề này phải giải quyết ra sao, theo ông?
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn: - Một chính sách mới được ban hành đều có tính tới tác động tích cực và tiêu cực đối với đời sống xã hội.
Vấn đề là chính sách mà chúng ta sắp ban hành sẽ mở ra cơ hội cho người nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài được sở hữu nhà ở cá nhân tại Việt Nam, đáp ứng nhu cầu chính đáng, nhu cầu thực của họ thì đó là tích cực, tốt đối với thị trường bất động sản và cả nền kinh tế nói chung và chính sách hội nhập quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài, chính sách vận động người Việt nam ở nước ngoài tham gia phát triển đất nước.
Nhưng ngược lại, nếu chúng ta không quản lí việc mua bán nhà ở và chuyển giao quyền sử dụng đất theo đúng mục đích và điều chỉnh các giao dịch nhà đất bằng các chính sách thuế thích hợp thì không những chính sách đó sẽ bị người ta lợi dụng mà còn bị chính những người thực thi chính sách lạm dụng làm sai lệch.
PV: Xin chân thành cảm ơn ông!
Duyên Duyên (Báo Đất Việt)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.