Từ ngày 1/7 tới đây, Luật Đất đai 2013 sẽ chính thức có hiệu lực. Trước vấn đề liên quan đến toàn dân này, PV báo CAND đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Mạnh Hiển – Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường:

PV: Luật Đất đai 2013 sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1-7 tới đây. Ông có thể nói rõ hơn những điểm mới đáng chú ý của Luật Đất đai 2013 so với Luật Đất đai 2003?

Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển: So với Luật Đất đai 2003, Luật Đất đai 2013 có nhiều nội dung đổi mới quan trọng. Luật quy định nâng thời hạn giao đất nông nghiệp trong hạn mức cho hộ gia đình, cá nhân lên 50 năm; mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp đối với hộ gia đình, cá nhân; khuyến khích tích tụ đất đai thông qua cơ chế góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất, nhận quyền thuê đất…

Các quy định của Luật cũng tăng cường vận hành các quan hệ đất đai theo cơ chế thị trường, tiến tới xóa bỏ bao cấp trong quản lý, sử dụng đất đai thông qua việc thu hẹp các trường hợp được Nhà nước giao đất, chuyển cơ bản sang áp dụng hình thức thuê đất; thực hiện cơ chế đấu giá quyền sử dụng đất khi giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất; thực hiện định giá đất theo nguyên tắc thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Nhà nước sẽ chủ động thu hồi đất theo kế hoạch sử dụng đất; lập Quỹ phát triển đất, tạo quỹ đất “sạch” để đấu giá quyền sử dụng đất. Luật Đất đai 2013 cũng tạo sự bình đẳng hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đều được áp dụng hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc bán kết hợp cho thuê. Ngoài ra, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài cũng được nhận chuyển nhượng vốn đầu tư là giá trị quyền sử dụng đất…

PV: Đất đai luôn là vấn đề nóng. 70% khiếu kiện của người dân liên quan đến đất đai. Luật Đất đai 2013 khi triển khai vào cuộc sống liệu có giúp giảm khiếu kiện của người dân không, thưa ông?

Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển: Qua đánh giá từ thực tiễn cũng như giám sát của các cơ quan Quốc hội, khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai trong thời gian vừa qua phần lớn liên quan đến công tác thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư. Nội dung tố cáo tập trung vào các hành vi cán bộ lợi dụng chức vụ, quyền hạn, cửa quyền, nhũng nhiễu trong thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai nhằm trục lợi. Để khắc phục vấn đề này, Luật Đất đai 2013 đã công khai, minh bạch toàn bộ quá trình lập, phê duyệt, quyết định thu hồi đất và phương án bồi thường thiệt hại, hỗ trợ, bố trí tái định cư; quy định cụ thể các trường hợp bị thu hồi đất và giám sát chặt chẽ việc thu hồi đất. Luật quy định rõ giá đất bồi thường là giá đất cụ thể do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất. Luật cũng quy định cụ thể điều kiện được bồi thường về đất, bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại, bồi thường tài sản gắn liền với đất; tách bạch các khoản bồi thường và các khoản hỗ trợ; đảm bảo sinh kế cho người có đất thu hồi thông qua quy định các khoản hỗ trợ ổn định đời sống, sản xuất, đào tạo, chuyển đổi nghề và tạo việc làm; ưu tiên bố trí tái định cư tại chỗ, tái định cư tại vị trí thuận lợi cho người gương mẫu trong việc thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng; thực hiện hỗ trợ để người có đất bị thu hồi mua suất tái định cư tối thiểu…

PV: Điều người dân quan tâm nhất hiện nay chính là cơ chế thu hồi đất và bồi thường giải phóng mặt bằng. Búc xúc của người dân là dễ hiểu bởi thực tế thời gian qua, tại nhiều địa phương có tình trạng thu hồi đất tuỳ tiện và giá đền bù quá thấp so với giá thị trường. Điều này sẽ được khắc phục như thế nào với Luật Đất đai 2013?

Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển: Trong thời gian vừa qua, ở một số địa phương có tình trạng thu hồi đất tràn lan để giao cho các nhà đầu tư nhưng chậm đưa vào sử dụng, gây bức xúc trong dư luận nhân dân. Để kiểm soát chặt chẽ việc thu hồi đất, Luật Đất đai 2013 đã quy định cụ thể về những trường hợp mà Nhà nước phải thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Nhà nước chỉ thu hồi đất đối với các dự án đã được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư hay dự án được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định đầu tư và một số trường hợp được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét thông qua chủ trương thu hồi đất. Căn cứ vào các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố lập danh mục các công trình, dự án, khu vực có đất thu hồi để trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua trước khi thực hiện việc thu hồi.

PV: Hiện nay vẫn chưa có tổ chức định giá đất độc lập. Vì vậy, khi thu hồi đất, UBND tỉnh/thành phố vừa ra quyết định thu hồi, vừa quyết định giá đất dẫn đến tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”, không khách quan. Theo ông cần có giải pháp nào cho vấn đề này?

Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển: Theo quy định của Luật Đất đai 2013 thì giá đất vẫn do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định. Tuy nhiên Luật đã quy định rõ hơn nguyên tắc định giá đất nhằm khắc phục tồn tại của Luật Đất đai 2003. Việc xác định giá đất phải dựa trên cơ sở điều tra, thu thập thông tin về thửa đất, giá đất thị trường và thông tin về giá đất trong cơ sở dữ liệu đất đai; áp dụng phương pháp định giá đất phù hợp. Cơ quan xác định giá đất được thuê tư vấn xác định giá đất. Căn cứ kết quả tư vấn xác định giá đất, cơ quan quản lý đất đai cấp tỉnh trình Hội đồng thẩm định giá đất xem xét trước khi trình Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định. Với cách làm này, việc định giá đất sẽ sát giá thị trường hơn.

PV: Xin cảm ơn Thứ trưởng

Hà Ly (CAND)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.