"Các doanh nghiệp hiện nay rõ ràng phải tự cân đối lại. Nếu không chịu nổi ‘nhiệt’ nữa thì mới ra hàng, đây là một thủ thuật", ông Phạm Hồng Quang, Giám đốc công ty BĐS QNK chia sẻ.

Ồ ạt bán phá giá, chia nhỏ căn hộ, cho vay ưu đãi với khách mua nhà…được xem là “phao” cứu vãn thị trường bất động sản. Giữa tháng 10 vừa qua, một cái “phao” mới được nhiều chủ đầu tư bất động sản kỳ vọng, đó là phương thức bán đấu giá các sản phẩm bất động sản. Tuy nhiên, đối với phương thức này, nhiều khách hàng có ý kiến trái chiều.

Đấu giá BĐS: Nhiều ý kiến trái chiều

Mặc dù đã dùng rất nhiều các giải pháp nhằm tìm lối ra cho thị trường bất động sản, song không ít nhà đầu tư vẫn lắc đầu ngán ngẩm. Phương thức đấu giá sản phẩm được các chủ đầu tư kỳ vọng, coi như “ nước cờ cuối cùng” để cứu vãn tình thế.

Trước phương thức mới này, nhiều khách hàng tỏ ra thích thú. Chị Nguyễn Thị Thắm (Hà Đông, HN) chia sẻ: Đây có thể là một cơ hội tốt để chị mua nhà với giá rẻ. Chị có thể tự định giá căn hộ phù hợp với khả năng tài chính của mình.

Chị Lê Thị Tuyết Nhung (Thanh Xuân, HN) cũng có cùng suy nghĩ trên. Chị Nhung cho rằng, đây là một phương thức khá hấp dẫn và trong phiên giao dịch bất động sản giữa tháng 10 chị cũng đã tham gia. Chị hi vọng sẽ mua được sản phẩm với giá rẻ thông qua phương thức bán đấu giá này.

Theo ông Nguyễn Hữu Cường, Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội cũng cho rằng đây là một động thái tốt của thị trường bất động sản. Theo ông Cường, vào lúc thị trường BĐS đang đóng băng như hiện nay thì tham gia vào phiên đấu giá bất động sản sẽ tạo nên không khí mới cho khách hàng. Khách hàng có thể lựa chọn được sản phẩm phù hợp với túi tiền của mình và có thể sẽ hài lòng vì sản phẩm đó do mình định giá chứ không phải do chủ đầu tư.

Cũng theo ông Cường, dự kiến những phiên giao dịch BĐS sẽ được tổ chức định kỳ, thường niên tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh và sẽ thu hút được sự quan tâm của khách hàng, DN và người tiêu dùng nhiều hơn nữa.

Tuy nhiên bán đấu giá là một hình thức còn khá mới mẻ trên thị trường địa ốc, bởi chưa có nhiều doanh nghiệp áp dụng. Do vậy, không phải người dân nào cũng tỏ ra hứng thú với phương thức bán hàng này.

Chị Phạm Thị Hoa (Tân Yên, Bắc Giang) bày tỏ: Chị không muốn tham gia một phiên bán đấu giá bất động sản lắm vì bây giờ các chủ đầu tư giảm giá rất nhiều, khách hàng có nhiều lựa chọn, thì tại sao phải đi trả giá?

Mốt số ý kiến khác cũng cho rằng, các phiên bán đấu giá BĐS chỉ phù hợp vào thời điểm sốt đất, còn thời điểm này, không thiếu gì sản phẩm giá rẻ.

Trao đổi với PV về vấn đề này, Ông Phạm Hồng Quang, Giám đốc công ty BĐS QNK cho biết: Việc đấu giá BĐS, với người mua không quen cũng là một hình thức khó. Bởi rất nhiều khách hàng không biết đâu là giá trị thực của sản phẩm.

Như vậy có rất nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh phương pháp bán đấu giá bất động sản, nhưng một số chuyên gia cho rằng, đây cũng là một cách làm hay của doanh nghiệp địa ốc . Bởi điều này đồng nghĩa với việc khách hàng là người quyết định về giá chứ không phải chủ đầu tư là người áp đặt giá như cách phổ biến của thị trường BĐS thời gian qua.

 - 1
Phương thức bán đấu giá được xem là cái 'phao' mới nhằm cứu vãn thị trường BĐS (Ảnh minh họa).

‘Thủ thuật’ giải vây BĐS

Theo ông Phạm Hồng Quang, Giám đốc công ty BĐS QNK, thời điểm mà các chủ đầu tư tiến hành bán đấu giá thông thường do nhu cầu lớn thì họ tiến hành đấu giá. Tuy nhiên trong thời điểm hiện nay, nhiều khi chủ đầu tư bán đấu giá, xuất phát với giá thành chưa chắc đã bán được hàng. Thậm chí có những phiên đấu giá không có khách, có thể khách hàng chỉ tò mò tham gia chứ thực sự tham gia đấu giá.

Ông Quang cũng tỏ ra lo ngại, ‘tảng băng BĐS’ hiện nay thực sự ko liên quan đến biện pháp bán hàng, biện pháp đấu giá.

Ông Quang cho rằng, điều đáng lo ngại ở đây, ai là người tham gia bán đấu giá. Sự thành công của đấu giá không phải là sự kiện tổ chức được mà phải kiểm điểm được số lượng căn hộ được giao dịch thành công trong cuộc đấu giá đó.

'Tâm lý thị trường VN rất đơn giản, càng xuống khách hàng càng không mua. Rõ ràng khách hàng có nhu cầu thực về nhà ở là nhu cầu thực, thế nhưng không phải nhu cầu bắt buộc mua trong thời điểm nào', ông Quang nói.

Cũng theo ông Quang, các doanh nghiệp hiện nay rõ ràng phải tự cân đối lại. Nếu không chịu nổi ‘nhiệt’ nữa thì mới ra hàng; đây là một thủ thuật. Giảm cung, cầu sẽ tăng. Càng trì hoãn thời điểm bán hàng thì sẽ không tạo ra một áp lực nguồn cung lên thị trường. Khi đó, khách hàng cũng không chần chừ và chờ “bắt đáy” như tình trạng hiện nay.

Theo Phương Chi - Minh Huệ (Khám phá)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.