Khi điều chỉnh lại thiết kế căn hộ, chủ đầu tư chỉ cần xin phép Sở Quy hoạch Kiến trúc địa phương, không cần qua các sở, ngành khác.

Trao đổi với phóng viên bên lề buổi tọa đàm “Cơ hội nào cho thị trường bất động sản (BĐS)?” (báo Thanh Niên tổ chức ngày 21-11 tại TP.HCM), ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường BĐS, thông tin: Xuất phát từ thực tế thu nhập người dân còn khiêm tốn, Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ cho phép thí điểm căn hộ thương mại 25 m2 và đang chờ phê duyệt. Bộ cũng đang hướng dẫn các tỉnh, thành hỗ trợ doanh nghiệp BĐS thu nhỏ diện tích căn hộ trong từng dự án.

Số lượng hạn chế

“Bộ Xây dựng chủ trương cho phép các chủ đầu tư thu nhỏ diện tích căn hộ trong các dự án nhưng việc thu nhỏ sẽ không trái Luật Nhà ở. Nghĩa là căn hộ thu nhỏ phải có diện tích 30-40 m2, tối đa chỉ đến 25 m2 và số lượng căn hộ như vậy trong một dự án rất hạn chế” - ông Nguyễn Mạnh Hà cho biết.

Bên cạnh đó, để giảm bớt rắc rối, theo ông Hà, khi điều chỉnh lại thiết kế căn hộ, chủ đầu tư dự án chỉ cần xin điều chỉnh ở Sở Quy hoạch Kiến trúc địa phương, không cần qua các sở, ngành khác.

Dạng căn hộ cho thuê như của Công ty Lê Thành đang được người có thu nhập thấp quan tâm. Ảnh: M.THẢO

Cũng tại buổi tọa đàm, ông Hà thừa nhận khó khăn của thị trường BĐS có phần của hệ thống tài chính chưa hoàn thiện. DN phát triển dự án và người dân mua nhà chỉ tìm vốn ở ngân hàng. Do vậy, một trong các cú hích để phá băng BĐS sắp tới mà Bộ kỳ vọng là việc cho ra đời quỹ tiết kiệm nhà ở, không phụ thuộc ngân hàng. “Có quỹ này, cán bộ, công chức, người làm công ăn lương… có thể trích lương tham gia, từ đó vay tiền từ quỹ để mua nhà” - ông Hà nói thêm. Quỹ dự kiến được áp dụng tại TP.HCM và Hà Nội.

Lúc này mua nhà được chưa?

Một câu hỏi đang được nhiều người quan tâm là có nên mua nhà lúc này đã được nhiều chuyên gia tham dự tọa đàm lý giải.

Theo TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế độc lập, thì giá BĐS đã giảm 30% và không thể giảm hơn nữa. Giá căn hộ trung bình cách trung tâm TP.HCM 10 km là khoảng 11 triệu đồng/m2 chưa tính lãi vay, còn căn hộ trung cấp là khoảng 14 triệu đồng/m2. “Nếu người dân thấy dự án căn hộ nào hiện bán giá này thì mua vào hợp lý” - ông Hiển nói.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, cũng nhận định thị trường lúc này là của người mua. Tuy nhiên, sở dĩ nhiều người chưa mua vì họ đang mất niềm tin vào thị trường. Hơn nữa, truyền thông cứ nói là giá BĐS còn giảm nữa mà không đưa ra các căn cứ hợp lý để chứng minh.

Sẽ có nhà giá rẻ

Giá BĐS có thể giảm nữa nếu Nhà nước giảm tiền sử dụng đất, giảm thủ tục hành chính và DN chịu giảm lãi. Mặt khác, Nhà nước kỳ vọng vào nhà ở xã hội nhưng chúng tôi khảo sát 850 khách hàng là cán bộ, công nhân, viên chức, 80% trả lời là không mua nhà xã hội. Bởi trên lý thuyết thì một bộ phận cán bộ không có tiền nhưng thực tế họ có nhiều tiền hơn những người bình thường. Họ giàu mắc gì mua căn hộ, họ chỉ mua đất nền.

Ông LÊ HỮU NGHĨA, Tổng Giám đốc Công ty BĐS Lê Thành

Giá thấp chứ chất lượng đừng thấp

Việc chia nhỏ căn hộ chỉ nên áp dụng đối với một tỉ lệ nào đó của toàn thị trường. Bởi một căn hộ có diện tích 25 m2 như kiến nghị đối với một gia đình bốn người chẳng khác nào ký túc xá ĐH, cư xá công nhân... Mặt khác, căn hộ giá thấp nghĩa là thiết kế xây dựng, kết cấu phù hợp với người có thu nhập thấp. Vì vậy, giá thấp không có nghĩa là bớt xén vật liệu làm giảm chất lượng sản phẩm.

KTS KHƯƠNG VĂN MƯỜI, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM

MAI THẢO ghi

Theo Bùi Nhơn (PLTP)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.