CafeLand – Được kỳ vọng sẽ đóng góp đáng kể vào ngân sách tỉnh Kon Tum, giải quyết việc làm ổn định cho khoảng 500 lao động. Tuy nhiên, sau 1 năm đầu tư, Dự án trồng cỏ, nuôi bò thịt công nghệ cao của Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai đã phải dừng hoạt động.

UBND tỉnh Kon Tum vừa có văn bản về việc chấm dứt hoạt động Dự án trồng cỏ, nuôi bò thịt công nghệ cao của Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai.

Trong văn bản do ông Nguyễn Đức Tuy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum ký gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư có nêu thống nhất thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư cấp ngày 15/5/2015 và chấm dứt hoạt động Dự án đầu tư trồng cỏ, nuôi bò thịt công nghệ cao của Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) như đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Nguyên nhân thu hồi là do nhà đầu tư quyết định chấm dứt hoạt động của dự án.

UBND tỉnh Kon Tum cũng yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh này lập thủ tục thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư và chấm dứt hoat động của dự án trên.

Trước đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kon Tum và HAGL cùng có văn bản đề nghị UBND tỉnh Kon Tum cho dừng thực hiện dự án này. Theo HAGL, diện tích, địa hình đất để thực hiện dự án không đáp ứng được biện pháp cơ giới hóa khi triển khai dự án.

Theo tìm hiểu, dự án trồng cỏ, nuôi bò thịt công nghệ cao của HAGL có tổng số vốn đầu tư là 1.600 tỷ đồng. Quy mô đàn bò ban đầu là 35.700 con bò sinh sản, sau đó sẽ nâng lên 111.880 con.

Quy trình chăn nuôi của dự án là khép kín và áp dụng công nghệ cao và cơ giới hóa vào chăn nuôi. Dự án kỳ vọng sẽ có đóng góp đáng kể vào ngân sách tỉnh Kon Tum, giải quyết việc làm ổn định cho khoảng 500 lao động, phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống cho người dân.

Trong vài năm trở lại đây, các tỉnh Tây Nguyên đón một làn sóng đầu tư tăng bất thường để chăn nuôi bò, với tổng vốn đăng ký hàng chục nghìn tỷ đồng. Không chỉ HAGL mà nhiều doanh nghiệp khác như Vinamilk, TH True Milk, Tập đoàn Đức Long Gia Lai,... cùng đổ về đây lập trang trại, dự án.

Một số tỉnh như Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng đều có doanh nghiệp xin đăng ký các dự án rất lớn về chăn nuôi bò, không tỉnh nào có tổng vốn cam kết dưới 10.000 tỷ đồng. Riêng Đăk Lăk, các dự án có tổng giá trị hơn 20.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, bên cạnh việc mang lại những giá trị kinh tế, làn sóng đầu tư mới cũng mang tới không ít lo ngại. Hầu hết, dự án nào cũng cần hàng nghìn đến hàng chục nghìn ha đất, lấy từ đất rừng hoặc đất người dân đang sản xuất, gây xáo trộn về xã hội và môi trường.

Mới đây, Báo điện tử VOV cũng đã có bài viết phản ánh và cảnh báo nhiều lo ngại từ các dự án nuôi bò nghìn tỷ ở khu vực Tây Nguyên.

Dẫn lời TS.Trương Tấn Khanh, Phó trưởng khoa Chăn nuôi-Thú y, trường Đại học Tây Nguyên, bài báo phân tích: khi đất ở những vùng dự án sẽ bị dồn vào các công ty, cứ 10.000 con bò thì cần khoảng 1.000 ha đất, đất ở chỗ này nhiều lên thì chỗ khác sẽ ít đi, ảnh hưởng tới sinh kế của người dân xung quanh. Mặt khác, các trại lớn đang xảy ra vấn đề về môi trường, nên đây cũng là việc cần xem xét kỹ.

Hiện, các tỉnh trong khu vực hoàn toàn không có quỹ đất trống. Khoảng 50.000 ha của các dự án phải rút ra từ đất rừng và đất người dân đang canh tác nhưng chưa có quyền sử dụng đất.

Với tình trạng đa số các dự án chỉ muốn đất sạch, đất rừng, số doanh nghiệp còn muốn đền bù tiền khai hoang với giá rẻ mạt có thể khiến cho sự tranh chấp giữa đất rừng với người dân tại các dự án thêm gay gắt. Việc chuyển đổi hàng chục nghìn héc ta đất rừng, đất người dân đang sản xuất thành đất nuôi bò của doanh nghiệp vì thế là điều không dễ dàng, bài báo nhận định.

Thực tế, thời gian gần đây có nhiều dự án nông nghiệp đã đầu tư ồ ạt vào Tây Nguyên, tuy nhiên đều không thành công và để lại nhiều hậu quả lớn.

Thịnh Châu
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.